Tại buổi thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kế hoạch phát triển KT - XH và ngân sách Nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Theo đó, năm 2023, thu ngân sách Nhà nước đạt 1.754,1 nghìn tỷ đồng; xuất siêu khoảng 28,3 tỷ USD; thu hút vốn FDI đạt gần 36,6 tỷ USD; quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 93% kế hoạch; các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu quan trọng có tính lịch sử, trở thành điểm sáng của năm 2023.
Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH, ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024 đạt những kết quả quan trọng, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực; GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023; tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt gần 9,3 tỷ USD; thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán; xuất siêu hơn 9,02 tỷ USD…
Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH, ngân sách Nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Trong đó, có những kết quả nổi bật của năm 2023 như: thực hiện đạt 10/15 chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT - XH; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao; xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh và có bước phát triển nhanh. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: 5/15 chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu thể hiện chất lượng tăng trưởng như chỉ tiêu tăng năng suất lao động; số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng, đặt ra vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; một số chính sách thiếu tính dự báo; quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập… Đại biểu kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp, phương hướng khắc phục trong thời gian tới.
Tiếp tục góp ý kiến đối với đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH, ngân sách Nhà nước năm 2023, những tháng đầu năm 2024, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cơ bản nhất trí với đánh giá trong báo cáo của Chính phủ. Đồng thời, nêu rõ một số tồn tại, hạn chế như: tình trạng khan hiếm nguyên liệu, vật liệu phục vụ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm; tăng giá nguyên liệu, vật liệu chưa có giải pháp giải quyết kịp thời; chậm ban hành hướng dẫn thực hiện một số tiểu dự án, dự án của các chương trình mục tiêu quốc gia; triển khai chương trình phát triển nhà ở xã hội còn chậm; việc quản lý tình trạng sim rác, lừa đảo qua mạng còn nhiều hạn chế… Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo và có giải pháp khắc phục các vấn đề trên.
Đối với kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, đại biểu Đoàn Thị Lê An đồng tình và đánh giá cao kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới như: tỷ lệ nữ tham gia hoạt động chính trị đã tăng, đạt và vượt chỉ tiêu; thu nhập lao động nữ được cải thiện; vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình được nâng lên, có nhiều thay đổi tích cực; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế năm 2023 đạt 93,35%; tỷ lệ nữ theo học cao đẳng và đại học cao hơn so với tỷ lệ này của nam…
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: tỷ lệ nữ tham gia chính trị được quan tâm nhưng chưa cao và đồng đều, việc bố trí cán bộ chuyên trách công tác bình đẳng giới chưa được quan tâm đồng bộ, nguồn ngân sách Nhà nước bố trí cho việc thực hiện nhiệm vụ này còn ít. Kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương hằng năm quan tâm bố trí ngân sách để thực hiện các nội dung của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, bố trí cán bộ chuyên trách đối với nhiệm vụ bình đẳng giới.
Văn Minh