Tiếp đoàn có ông Renzo Armuzzi, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Chất lượng và Quảng bá, Cơ quan Nông nghiệp, Săn bắn và Ngư nghiệp vùng Emilia Romagna; bà Mercedes Centanni, phụ trách Cơ quan Hợp tác quốc tế về Phát triển bền vững và sáng tạo của vùng Emilia Romagna.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh giới thiệu về điều kiện tự nhiên của Cao Bằng, đồng thời khẳng định về lợi thế có thể hình thành các vùng sản xuất cây phong phú, đa dạng, trong đó có những cây đặc sản như: hạt dẻ, hồng không hạt, đậu tương có hàm lượng đạm cao, thuốc lá, chè đắng, mác mật... Vì vậy, những năm gần đây, tỉnh xác định nông, lâm nghiệp là một trong những trụ cột kinh tế và đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp. Hiện, đã xác định một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gồm: hạt dẻ, gạo nếp (Ong, Hương, Pì Pất, cẩm), miến dong Nguyên Bình, miến dong Án Lại (Hòa An), thạch đen, đậu tương, lạc đỏ, lê vàng, thịt lợn đen, thịt gà ri, chiếu trúc xuất khẩu... Từ đó, chủ trương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông, lâm sản.
Tuy nhiên, trước bối cảnh sự phát triển các thương hiệu cho sản phẩm nông thôn còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có sản phẩm thương hiệu mang tầm cỡ quốc gia tham gia thị trường, chưa có mặt hàng xuất khẩu vào thị trường EU. Nền sản xuất nông sản hàng hóa của tỉnh chưa thực sự phát triển mạnh, chưa có vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa và cơ sở chế biến nông sản; nông sản xuất khẩu chỉ có mía nguyên liệu, thạch đen, chiếu trúc, dược liệu... quy mô nhỏ và thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc.
Thời gian tới, định hướng của tỉnh là tập trung thu hút những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín trong và ngoài tỉnh, ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm có thương hiệu, đảm bảo đồng nhất về chất lượng gắn với quảng bá sản phẩm. Thu hút đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu, khẳng định vị trí mũi nhọn, là động lực trong phát triển kinh tế của tỉnh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Thu hút đầu tư xây dựng và khai thác các khu du lịch có tiềm năng, bảo vệ cảnh quan vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng nhằm tạo bước đột phá trong phát triển du lịch, hướng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vừa bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, vừa sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên.
Kiến nghị với lãnh đạo cơ quan Nông nghiệp, Săn bắn và Ngư nghiệp vùng Emilia Romagna hỗ trợ tỉnh Cao Bằng trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng phát triển của tỉnh đến các đối tác phù hợp; kêu gọi, kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiềm năng, chiến lược đến tham quan, nghiên cứu, triển khai các chương trình hợp tác, viện trợ và các dự án đầu tư tại tỉnh. Đồng thời, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, làm cầu nối đưa các sản phẩm bản địa, hàng hóa trên địa bàn tỉnh vươn ra thị trường EU nói chung và thị trường Cộng hòa ITALIA nói riêng. Hỗ trợ tỉnh tiếp cận thông tin cơ bản thị trường EU đối với mặt hàng nông sản; cung cấp, cập nhật thông tin về chủ trương, chính sách, quy định mới và phản hồi của các địa phương ở khu vực EU liên quan đến xuất khẩu nông sản. Hỗ trợ tỉnh tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên quy mô lớn nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp Cao Bằng có thể xuất khẩu nhiều mặt hàng sang thị trường EU và Cộng hòa Italia.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Renzo Amuzzi khẳng định vùng Emilia Romagna có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Việt Nam, quan hệ kinh tế chặt chẽ với thương mại của vùng với Việt Nam chiếm 40% thương mại của Italia với Việt Nam. Đồng thời, đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Cao Bằng trong việc chuyển đổi nông nghiệp theo hướng bền vững, nông nghiệp công nghệ cao và kêu gọi thu hút đầu tư trong các lĩnh vực này. Bày tỏ hoan nghênh việc tăng cường hợp tác với tỉnh Cao Bằng, khẳng định hai bên có nhiều tiềm năng để thúc đẩy các hợp tác cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.
Vi Trường