Tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), chiều 24/9, Đoàn đại biểu tỉnh do đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn tham dự Đại hội Hợp tác sáng tạo phát triển chuỗi ngành nghề, chuỗi cung ứng Trung Quốc - ASEAN (Bách Sắc - Cao Bằng).
Phía Bách Sắc có đồng chí Hoàng Nhữ Sinh, Bí thư Thành ủy thành phố Bách Sắc; lãnh đạo các cơ quan chuyên môn Quảng Tây; một số viện nghiên cứu, thương hội, tập đoàn kinh tế đến từ Trung Quốc.
Tại đại hội, Bí thư Thành ủy thành phố Bách Sắc Hoàng Nhữ Sinh khẳng định: Đại hội Hợp tác sáng tạo phát triển chuỗi ngành nghề, chuỗi cung ứng Trung Quốc - ASEAN có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ hội cho hai bên cùng trao đổi về tầm nhìn và định hướng hợp tác chuỗi ngành nghề, chuỗi cung ứng Trung Quốc - ASEAN. Qua đó, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế, thương mại giữa tỉnh Cao Bằng với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây nói chung và thành phố Bách Sắc nói riêng.
Phát biểu tại đại hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy cho biết: Mối quan hệ đối tác ASEAN - Trung Quốc đã đi được một chặng đường dài trong suốt 33 năm qua với nhiều thành tựu đáng kể, góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực trên tất cả các lĩnh vực hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội. Tỉnh Cao Bằng và Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của thành phố Bách Sắc tổ chức Đại hội Hợp tác sáng tạo phát triển chuỗi ngành nghề, chuỗi cung ứng Trung Quốc - ASEAN trong khuôn khổ chương trình Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN lần thứ 21 và Hội nghị thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc - ASEAN.
Tỉnh Cao Bằng đang tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống đường, thúc đẩy kết nối giao thông tuyến vận tải đường bộ quốc tế từ các tỉnh Tây Nam, Trung Quốc (Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu) qua Bách Sắc (Trung Quốc) - Cao Bằng (Việt Nam) nối với Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng bằng việc xây dựng tuyến đường cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Đồng Đăng (Lạng Sơn). Khi tuyến cao tốc hoàn thành, thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội sẽ rất thuận lợi. Dự án được kỳ vọng tạo ra một tuyến cao tốc huyết mạch kết nối giao thương hàng hóa từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng, Việt Nam) đi Trùng Khánh, Urumchi, Khorgos (Trung Quốc) - Kazakhstan sang các nước châu Âu và ngược lại. Cao Bằng mong muốn trở thành cầu nối cung ứng dịch vụ, trung tâm trung chuyển và dịch vụ logistics quan trọng trên hành lang giao thương hàng hóa từ Quảng Tây và các tỉnh Tây Nam (Trung Quốc) ra biển và đến các nước ASEAN.
Tỉnh có hơn 110.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, hơn 512.000 ha đất lâm nghiệp, có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Do vậy, tỉnh mong muốn có cơ hội hợp tác tiếp nhận chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ cao trong việc trồng giống cây ăn quả, cây dược liệu, chế biến, bảo quản, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác về xuất khẩu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Cùng chia sẻ thành tựu chung trong nghiên cứu khoa học công nghệ, tăng cường thúc đẩy hợp tác khoa học và công nghệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghệ sinh học trong trồng và chế biến các loại cây ăn quả, cây dược liệu, bảo tồn nguồn gen, phục tráng giống cây trồng, vật nuôi. Sử dụng hiệu quả nguồn dược liệu quý để chuyển giao các phương thuốc y học cổ truyền của hai bên.
Cao Bằng luôn coi trọng, quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là những giá trị về phong cảnh, văn hóa, lịch sử và các giá trị về địa mạo, địa chất. Cao Bằng là địa phương thứ hai trong cả nước đón nhận danh hiệu công viên địa chất toàn cầu do Hội đồng UNESCO công nhận năm 2018. Những ngày đầu tháng 9/2024, tỉnh đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viện địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương với sự tham gia của hơn 800 đại biểu đến từ 19 quốc gia có công viên địa chất toàn cầu. Tại hội nghị, Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Lạc Nghiệp - Phượng Sơn ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác. Tỉnh mong muốn được tìm hiểu, kết nối, hợp tác chuỗi ngành nghề phát triển du lịch bền vững, đặc biệt phát triển du lịch xanh, kết hợp du lịch nông nghiệp, ẩm thực và văn hóa…
Cùng với phiên toàn thể, đại hội diễn ra chương trình chuyên đề với các tham luận của Viện Nghiên cứu hợp tác kinh tế, thương mại quốc tế, Bộ Thương vụ Trung Quốc, Thương hội Trung Quốc tại Việt Nam, Tập đoàn xây dựng điện Trung Quốc, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng, chính quyền nhân dân thành phố Bách Sắc, Công ty hữu hạn Tập đoàn Mỹ Lân.
Nhân dịp này, các đại biểu dự Lễ ra mắt Trung tâm hợp tác với nước ngoài của thương nhân Chiết Giang (Bách Sắc - ASEAN).
Kiều Dung- Vi Trường