Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 29/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia. Đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh điều hành phiên thảo luận tổ 17.
Tại phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Hồng Minh khẳng định: Việc Quốc hội xem xét, sửa đổi nhằm tháo gỡ những bất cập trong quá trình thực hiện luật thời gian qua, góp phần tăng hiệu quả đầu tư công. Đề nghị các vị ĐBQH dành thời gian nghiên cứu, đóng góp ý kiến, đảm bảo sau khi sửa đổi luật đi vào cuộc sống; thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Việc sửa đổi lần này phải mang tính đột phá, cách mạng nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc, hạn chế trong đầu tư công. Hiện nay, đầu tư công có rất nhiều hạn chế, vướng mắc, ví dụ như phân cấp, phân quyền chưa triệt để dẫn đến giải ngân chậm; nhiều quy định, nội dung còn chồng chéo, thậm chí cách hiểu còn khác nhau. Công tác chuẩn bị đầu tư mất rất nhiều thời gian, việc phân bổ kế hoạch đầu tư công phải nhiều lần điều chỉnh trong một năm; quy định ngay trong luật về phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tạo sự chủ động; cần đơn giản hóa trình tự, thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ. Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư công, cần bổ sung các chế tài về chậm trễ giải ngân vốn, không bảo đảm quy trình, thủ tục trong hoạt động đầu tư công…
Về các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công (điều 17), đồng chí Bế Minh Đức, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Tại khoản 2, điều 17 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công như sau: “...Quyết định đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh trương trình, dự án không đúng với các nội dung về mục tiêu, địa điểm, cơ cấu nguồn vốn, vượt tổng mức đầu tư...”. Như vậy, trường hợp quyết định đầu tư dự án hoặc quyết định điều chỉnh dự án có các nội dung không đúng về quy mô đầu tư, thời gian thực hiện nhưng phù hợp về mục tiêu, địa điểm, cơ cấu nguồn vốn và tổng mức đầu tư... trong văn bản phê duyệt chủ trương đầu tư dự án có thuộc các hành vi bị nghiêm cấm hay không? Mặt khác, khái niệm về “quy mô đầu tư” dự án chưa được quy định, giải thích rõ trong các văn bản pháp luật hiện hành dẫn đến còn nhiều cách hiểu khác nhau, gây tranh cãi, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ khái niệm, kiểm tra, rà soát các nội dung nói trên để đảm bảo tính chặt chẽ, logic cũng như cần quy định đầy đủ các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công. Đối với việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập phải thống nhất với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ tại các điều, khoản để bảo đảm công tác đền bù, tái định cư gắn với đầu tư hoàn thành dự án…
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến về luật sửa đổi dự thảo, bổ sung thêm một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm tra độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Dương Tường