Chiều 30/10, Đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương do đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương làm trưởng đoàn đến khảo sát, nắm tình hình quán triệt, triển khai thực hiện công tác dân vận tại tỉnh.
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nông Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hà Ngọc Giáp, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo một số, sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang tỉnh.
Đoàn công tác nghe báo cáo tình hình quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện các văn bản của Trung ương về công tác dân vận, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về công tác dân vận; Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 25-NQ/TW và Kết luận số 43-KL/TW về công tác dân vận; việc nhân rộng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" tiêu biểu trên các lĩnh vực tại địa phương.
Trao đổi về tình hình triển khai, thực hiện công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo; kết quả phối hợp của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng và các cơ quan, đơn vị liên quan trong thời gian qua.
Giai đoạn 2020 - 2024, các cấp uỷ đảng, chính quyền đẩy mạnh công tác quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy về công tác dân vận, tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của hệ thống chính trị các cấp về công tác dân vận, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Năm 2023, Tỉnh ủy chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-Q/TW, sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW. Báo cáo tổng kết khẳng định: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW và 5 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW, công tác dân vận của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra. Nhận thức về vai trò, vị trí công tác dân vận của hệ thống chính trị các cấp, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, thủ trưởng các cơ quan và quần chúng nhân dân được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng đạt nhiều thành tựu quan trọng. Công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước các cấp không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân thông qua các hoạt động: cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân, doanh nghiệp; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dụng cơ chế, chính sách, trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội có liên quan đến nhân dân... Lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh thường xuyên đổi mới công tác dân vận phù hợp với tình hình mới.
Toàn tỉnh đăng ký xây dựng 13.268 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, trong đó, 10.295 mô hình được công nhận. Các mô hình “Dân vận khéo” lan toả sâu rộng, trở thành phong trào thi đua chung của cả hệ thống chính trị, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thu hút sự quan tâm, đồng tình và hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Điển hình như: Mô hình phát triển kinh tế trồng hồi, sả tại huyện Bảo Lâm; mô hình vận động người dân hiến đất làm đường nội đồng, xây dựng nông thôn mới tại huyện Trùng Khánh; một số mô hình gắn với các phong trào thi đua: “Quần chúng tham gia tự quản đường biên mốc giới, an ninh trật tự xóm bản khu vực biên giới”; thực hiện "Dân vận khéo" trong 3 đợt cao điểm tuyên truyền, đấu tranh xoá bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trên địa bàn tỉnh; “Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (PPP) (giai đoạn 1); "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... đã phát huy tối đa nội lực của nhân dân trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách dân tộc và 3 chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 gắn với thực hiện công tác an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 31/1/2023 về lãnh đạo thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự đồng thuận cao của người dân và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Đến nay, đã thực hiện 8.799/16.627 hộ; tổng số kinh phí hỗ trợ đã giải ngân 341.113 triệu đồng. Năm 2024, đã giải ngân 3.206/7.121 hộ, đạt 45% chỉ tiêu kế hoạch năm, tổng vốn giải ngân các nguồn 107,680 triệu đồng, quyết tâm xoá nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2021 - 2025 trước Đại hội Đảng bộ tỉnh; các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, công tác chăm lo cho người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội; bảo vệ, chăm sóc trẻ em - bình đẳng giới; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ. Nổi bật là các hoạt động của Tỉnh uỷ, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh tổ chức các đoàn công tác tặng quà, chúc tết Nguyên đán 60 xóm, hộ gia đình dân tộc thiểu số tiêu biểu, tôn giáo với tổng kinh phí trên 3,6 tỷ đồng; thành lập các đoàn tham dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại một số khu dân cư; chỉ đạo tổ chức lễ hội truyền thống và Ngày hội văn hóa dân tộc Mông tại các huyện…
Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả công tác vận động quần chúng, an sinh xã hội; thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân; tiếp xúc cử tri, giám sát phản biện xã hội... Phối hợp vận động ủng hộ Quỹ “Xây dựng nông thôn mới” gần 29 tỷ đồng; Quỹ “Vì người nghèo” trên 153 tỷ đồng, Quỹ “Cứu trợ” tỉnh 5,3 tỷ đồng, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” 11 tỷ đồng. Từ các nguồn quỹ trên, tỉnh hỗ trợ các xóm, xã khó khăn, di rời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, thiết chế văn hóa, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khắc phục hậu quả thiên tai; tu sửa nghĩa trang liệt sỹ, hỗ trợ người có công, gia đình chính sách; hỗ trợ hộ nghèo xây mới, sửa chữa nhà; tặng quà Tết cho người nghèo; hỗ trợ sinh kế; hỗ trợ học bổng, kinh phí khám chữa bệnh cho học sinh nghèo vượt khó, bệnh nhân nghèo.
Tại buổi làm việc, tỉnh Cao Bằng đề nghị: Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội, đào tạo, tuyển dụng đội ngũ cán bộ, công chức đặc thù, tạo điều kiện cho các tỉnh miền núi biên giới nghèo, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội thu hẹp khoảng cách với các tỉnh lân cận. Nghiên cứu xây dựng Luật Dân tộc nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc.
Đề nghị Ban Dân vận Trung ương thường xuyên thông tin kịp thời những âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết dân tộc cho địa phương để chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo cho đội ngũ cán bộ Dân vận các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tích hợp nghiệp vụ cơ bản về công tác dân vận; những điểm cần lưu ý; những thông tin mới trong sổ tay Dân vận thành cẩm nang công tác dân vận, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ cơ sở thực thi nhiệm vụ.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng đề nghị: tỉnh Cao Bằng tiếp tục quan tâm xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới và Kết luận số 43 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25. Quyết định số 23 của Ban Chấp hành Trung ương về ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Tiếp tục tuyên truyền vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, tiếp tục tập trung phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống của người dân. Thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm nhà dột nát; Quan tâm thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo.
Năm 2025 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của Đảng, đất nước đặc biệt là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIV, đề nghị tỉnh tăng cường quan tâm nắm tình hình tư tưởng nhân dân liên quan đến đại hội Đảng các cấp, các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của tỉnh trong thời gian tới. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết, chủ động trong công tác phòng ngừa đấu tranh, ngăn ngừa những vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở. Đối với các đề xuất kiến nghị của tỉnh, đoàn sẽ tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ, nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương, đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định đây sẽ là những định hướng lớn trong công tác dân vận của tỉnh trong thời gian tới đây. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Tiếp tục quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ để các địa phương miền núi biên giới có điều kiện thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Vũ Tiệp