Sign In

Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài

16:53 22/04/2023

Sáng 22/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu các tỉnh, thành và 37 điểm cầu doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài.
Chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Tham dự có bộ trưởng các bộ: Công Thương, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 180 đại biểu đại diện cho các  DN, hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, DN tham dự.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng.
3 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; tỷ giá được điều hành phù hợp với diễn biến thị trường; mặt bằng lãi suất cho vay giảm; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng; cán cân thương mại xuất siêu đạt 4,07 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I tăng 3,7% so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công tăng 11,6 nghìn tỷ đồng; vốn FDI thực hiện đạt 4,3 tỷ USD. Tăng trưởng kinh tế ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm 2022; du lịch phục hồi tích cực; khách quốc tế 3 tháng đầu năm đạt gần 2,7 triệu lượt, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm 2022.
Ngân hàng Thế giới dự báo triển vọng tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 đạt 1,7%, thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua. Trong khi đó, Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) dự báo đà phục hồi của dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài sẽ chững lại kể từ giữa năm 2022 và có thể giảm hoặc đi ngang trong năm 2023 so với mức phục hồi tích cực của năm 2021. Do đó, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 20/4/2023, cả nước có 37.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 445,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Riêng năm 2023, tính đến ngày 20/4/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,88 tỷ USD. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 5,85 tỷ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm 2022.

Tại hội nghị, các hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam đưa ra những nhận định về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới và đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Nhận diện thách thức, cơ hội để đầu tư và mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực tại Việt Nam; bày tỏ vui mừng về tiềm năng của Việt Nam; mong muốn được hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới và cam kết đồng hành cùng Chính phủ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam; được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác. Đồng thời khẳng định, Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong DN; xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật theo quy định để bảo đảm, bảo vệ những người làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với cộng đồng với sự phát triển chung.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc và hiệu quả của các DN, nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và thẳng thắn nhìn nhận lĩnh vực FDI vẫn còn hạn chế, bất cập cần giải quyết. Bên cạnh việc kiên định các vấn đề có tính nguyên tắc thì việc thích ứng linh hoạt, an toàn, sáng tạo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả đối với các vấn đề cụ thể về đầu tư nước ngoài là rất quan trọng, mang tính quyết định đối với cả quản trị quốc gia và quản trị DN. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần trao đổi, giải đáp về các đề xuất, kiến nghị của các DN, nhà đầu tư và có giải pháp cụ thể trên tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị, lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành; khẩn trương nghiên cứu, chủ động giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và nhân dân…

Hoàng Phúc

Tag:

File đính kèm