Huyện Bảo Lâm chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS). Đội ngũ này dần khẳng định được vai trò nòng cốt xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU ngày 25/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ dân tộc Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô và các DTTS ít người khác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Lâm ban hành Kế hoạch số 114-KH/HU về công tác cán bộ DTTS huyện giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025; chỉ đạo cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch và có lộ trình về công tác cán bộ người DTTS.
Căn cứ vào nhu cầu, chỉ tiêu biên chế được giao hằng năm của các cơ quan, đơn vị, huyện rà soát để định hướng, xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức người DTTS. Nhờ đó đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) người DTTS từ huyện đến cơ sở ngày càng được nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Trong 427 CBCC toàn huyện có 55 người là người DTTS ít người. Về chuyên môn có 35 người trình độ đại học, cao đẳng; về lý luận chính trị có 5 cao cấp, 20 trung cấp; hơn 80% CBCC cấp huyện, cấp xã được bồi dưỡng quản lý nhà nước, tin học, kiến thức quốc phòng. CBCC là người DTTS ít người tham gia cấp ủy có 2 đồng chí giữ chức danh Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, 5 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, 12 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã; 6 đồng chí giữ chức trưởng, phó phòng, ban của huyện, 10 đồng chí giữ chức danh cán bộ chủ chốt xã, 10 đồng chí là trưởng các tổ chức đoàn thể xã. Nhiệm kỳ 2016 - 2021 có 5 đồng chí là đại biểu HĐND huyện, 15 đồng chí là đại biểu HĐND xã.
Chủ tịch UBND xã Nam Quang Ma Văn Vừ chia sẻ: Năm 2007, tôi được tuyển vào làm Trưởng Công an xã Nam Cao. Sau khi học xong đại học (năm 2016), tôi được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Nam Cao rồi được cử đi học lớp trung cấp lý luận chính trị. Đến năm 2020, tôi được bầu chức danh Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Quang. Làm lãnh đạo ở xã vùng cao, chủ yếu đồng bào dân tộc Mông sinh sống, kinh tế dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo cao tôi tích cực bám nắm cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, cùng cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Nhờ vậy, đời sống bà con được nâng lên, từ một xã chủ yếu gieo trồng giống lúa địa phương, nay có 70% diện tích vụ mùa bà con gieo trồng lúa chất lượng cao. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 41%.
Từ việc chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ là người DTTS, huyện Bảo Lâm đã và đang xây dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, chuyên môn. Nhiều đồng chí được rèn luyện qua thực tiễn, sâu sát cơ sở; có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được phân công. Qua đó, góp phần cùng cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Đồng thời, đội ngũ cán bộ chủ chốt được chuẩn hóa, có năng lực nên công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách đến cơ sở, người dân có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sức lan tỏa thi đua học tập rèn luyện để ngày càng chuẩn hóa trong đội ngũ CBCC.
Đồng chí Hoa Văn Đạo, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Bảo Lâm cho biết: Để xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, huyện Bảo Lâm thường xuyên tập trung đánh giá, quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ, đặc biệt cán bộ là người DTTS. Rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng cán bộ hợp lý. Bổ sung, hoàn thiện chế đội đãi ngộ, thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ DTTS đi học, nâng cao trình độ. Thực hiện luân chuyển, bố trí cán bộ DTTS đủ tiêu chuẩn vào các vị trí quản lý, lãnh đạo.
Nông Hậu