Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVII đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đây là chủ trương hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển đô thị của nhiều địa phương.
Xuất phát từ thực tế
Xác định chăn nuôi là ngành sản xuất có điều kiện vì sự tương tác với các lĩnh vực khác, nhất là đối với vấn đề an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, tháng 11/2018, Quốc hội ban hành Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Một trong những quy định mới nhất trong Luật Chăn nuôi 2018 chính là nghiêm cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư. Tiếp đó, ngày 1/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi. Theo đó, từ ngày 20/4/2021, những hành vi bị cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử phạt rất nặng, việc Chính phủ siết chặt các quy định trong chăn nuôi được cho là cần thiết để các địa phương tạo cơ sở hình thành những vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, đồng thời tiến tới loại bỏ tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, có nguy cơ gây dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Tại tỉnh ta, những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng tình hình sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển khá ổn định, đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò, lợn và gia cầm. Tỷ trọng ngành chăn nuôi góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo việc làm cho người lao động, giảm nghèo và ổn định đời sống khu vực nông thôn. Theo kết quả tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn năm 2020, toàn tỉnh có 11.912 hộ chăn nuôi ở khu vực thành thị; sau nhiều lần rà soát, lấy ý kiến của các huyện, thành phố hiện nay có khoảng 206 hộ chăn nuôi trong khu vực nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư có khả năng gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi.
Trước thực tế đó, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 44/2023/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 (có hiệu lực từ ngày 23/7/2023) quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, đây là một “bước đi” quan trọng để ngành chức năng, các địa phương quản lý chăn nuôi bài bản theo quy hoạch. Nghị quyết quy định cụ thể các khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn 10 huyện, Thành phố; trong mỗi khu vực quy định các địa điểm cụ thể đến thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư.
Nội dung nghị quyết nêu rõ 3 chính sách: hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề (thời gian đào tạo dưới 3 tháng); hỗ trợ các cơ sở khi ngừng hoạt động chăn nuôi mà không có nhu cầu đào tạo chuyển đổi nghề; hỗ trợ di dời chuồng gia súc ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi và các mức hỗ trợ kinh phí tương ứng.
Tạo động lực mới cho ngành chăn nuôi
Ngày 26/6/2023, tại cuộc họp thẩm tra hồ sơ, dự thảo Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nghị quyết được xây dựng và ban hành sẽ giúp cơ quan chuyên môn, các địa phương có cơ sở để quản lý, phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, trong đó, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến các quỹ đất phục vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đồng thời, tạo môi trường chăn nuôi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện tỉnh đang đẩy mạnh việc gia tăng tỷ lệ giá trị chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm ổn định, nâng cao đời sống người dân.
Tại cuộc họp, các đại biểu nhận định, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng cơ cấu ngành chăn nuôi vẫn tồn tại không ít hạn chế. Các chỉ tiêu về số lượng tổng đàn, phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, sản phẩm chủ lực, hệ thống giết mổ tập trung để hình thành các chuỗi liên kết trong chăn nuôi còn thấp. Dự báo trong những năm tới, ngành chăn nuôi sẽ gặp thách thức về giá thành, sự cạnh tranh gay gắt, yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh, rủi ro từ thiên tai. Việc điều chỉnh chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung và ra khỏi các khu vực không được phép chăn nuôi là hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các quy định của Luật Chăn nuôi và là một trong những khâu đột phá để đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển.
Từ ngày 23/7/2023, Nghị quyết số 44/2023/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chính thức có hiệu lực. Để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, chính quyền các địa phương và ngành chức năng cần tích cực vào cuộc triển khai. Theo đó, các huyện, Thành phố tổ chức tuyên truyền, triển khai cho các cơ sở chăn nuôi ký cam kết, xây dựng phương án thực hiện ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trong thời gian quy định; tuyên truyền, quán triệt Luật Chăn nuôi và các văn bản liên quan để người dân hiểu và đồng thuận chấp hành, góp phần xây dựng đô thị văn minh, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Nông Thị Huế