Sign In

Bài học từ cách giảm nghèo ở Cao Bằng - Bài 2 (Bài cuối)

07:13 24/09/2023

BÀI CUỐI: KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN KẾT QUẢ GIẢM NGHÈO

Hiệu quả từ công tác giảm nghèo với cách làm mới của Cao Bằng  là một minh chứng sinh động phản bác luận điệu sai trái của kẻ xấu và các thế lực thù địch xuyên tạc Đảng, Nhà nước ta thiếu quan tâm đầu tư cho người nghèo; giảm nghèo theo phong trào để lấy thành tích… bôi nhọ, chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước ta.

Xuyên tạc chính sách nhân văn

Chăm lo cho đời sống nhân dân, vì dân, do dân là cương lĩnh, đường lối, mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam được thực hiện xuyên suốt từ ngày thành lập 3/2/1930 đến nay. Tuy nhiên, các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội, khoét sâu vào khó khăn, hạn chế công tác giảm nghèo để đưa ra những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ Đảng ta thiếu quan tâm đầu tư cho người nghèo. 

Thực tế, tại Cao Bằng tất cả người nghèo, đặc biệt là hộ nghèo DTTS vùng đặc biệt khó khăn đều được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm bình đẳng, thụ hưởng mọi chính sách, chương trình, dự án, an sinh xã hội để vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống như bài viết trên đã nêu. Đặc biệt, không phân biệt đối xử với những hộ dân tộc Mông đã tin theo TCBHPDVM. Từ năm 1989, xuất hiện do Dương Văn Mình cầm đầu tự xưng mình là “Chúa” là “Cha” của người Mông để lừa phỉnh, dụ dỗ đồng bào Mông ai theo Dương Văn Mình sẽ dược chúa Jêsu đón lên trời sống sung sướng. Nhưng thực tế (1989 - 2022), một số bộ phận dân tộc Mông tin theo TCBHPDVM là hộ nghèo vẫn thụ hưởng đầy đủ các chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước ta hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo, tiếp cận an sinh xã hội về y tế, giáo dục, văn hóa… ổn định, nâng cao cuộc sống - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bế Văn Hùng khẳng định. 

Chị V.T.S., dân tộc Mông, bản Khau Dề, xã Thái Sơn (Bảo Lâm), trước đây tin theo TCBHPDVM thổ lộ: Những năm trước, gia đình tôi tin theo TCBHPDVM  thuộc diện hộ nghèo, nhà dột nát nhưng vẫn được cán bộ huyện, xã đến làm cho nhà mới, kéo đường dây điện, Tết được tặng quà, tiền mặt, các con tôi đi học được tiền trợ cấp, phát thẻ BHYT khám, chữa bệnh miễn phí… Nhận rõ kẻ xấu ép buộc, lừa phỉnh, năm 2022 tôi đã từ bỏ TCBHPDVM.

Năm 2021 - 2022, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước, kinh tế hồi phục chậm, nguy cơ tái nghèo tăng lên. Nhân cơ hội này, thế lực thù địch, phản động lợi dụng mạng xã hội xuyên tạc “Đảng, Nhà nước Việt Nam bỏ mặc người dân trong dịch bệnh, để người dân phải vật lộn mưu sinh để tự cứu mình”. Một số đài như RFA, Á châu tự do, Nhóm khủng bố Việt Tân… đưa lên mạng bài viết, hình ảnh không có thực về thảm cảnh hàng triệu người Việt Nam nghèo đói không có Tết… với những luận điệu “Đảng, Nhà nước không lo cho dân”…

 Lúa nếp Ong là cây trồng đặc hữu của huyện Trùng Khánh được bà con xã Ngọc Côn đầu tư phát triển sản xuất thành hàng hóa, đạt sản phẩm OCOP được thị trường ưa chuộng.
Lúa nếp Ong là cây trồng đặc hữu của huyện Trùng Khánh được bà con xã Ngọc Côn đầu tư phát triển sản xuất thành hàng hóa, đạt sản phẩm OCOP được thị trường ưa chuộng.

Năm 2020 - 2022, đại dịch Covid-19 bùng phát. Tại Cao Bằng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng đồng lòng “chống dịch như chống giặc”, “sức khỏe con người là trên hết” nên đã giữ được tỉnh “xanh” an toàn lâu nhất cả nước. Đến ngày 5/11/2021, Cao Bằng mới có ca bị mắc dịch Covid-19 sau khi ngành y tế đã tiêm cơ bản 1 mũi vắc xin cho toàn dân nên tỷ lệ người mắc dịch thấp nhất toàn quốc. Những người yếu thế, người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đều được hỗ trợ tiền, tiêm vắc xin… đặc biệt bà con DTTS vùng biên giới được ưu tiên tiêm vắc xin sớm nhất. Cao Bằng là tỉnh biên giới sát với Trung Quốc nhưng đã nhanh chóng, chủ động cùng cả nước kiểm soát được dịch bệnh và đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Các chính sách an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người nghèo, người yếu thế trong xã hội được cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc, đặc biệt huy động các nguồn lực xã hội thực hiện ủng hộ hàng tỷ đồng chăm lo Tết, khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, đồng bào biên giới…

Cao Bằng đoàn kết, quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo góp phần thể hiện đường lối xuyên suốt của Đảng ta vì dân, luôn quan tâm, chăm cho đời sống mọi mặt cho nhân dân là một thực tiễn không thể phủ nhận, phản bác luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch. 

Giảm nghèo không vì phong trào, thành tích 

Trong công cuộc xây dựng đổi mới đất nước, thành tựu công tác giảm nghèo của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là một trong những “ngôi sao sáng” thực hiện các “Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa nghèo”, trong đó có hiệu quả công tác giảm nghèo ở Cao Bằng.

Thế nhưng các thế lực thù địch thời gian qua vẫn xuyên tạc, phủ nhận thành tựu công tác giảm nghèo, an sinh xã hội do Đảng, Nhà nước Việt Nam “tự mình khen mình”, “tự vẽ lên” không có thật; quá trình triển khai công tác giảm nghèo kém hiệu quả, “lợi ích nhóm”, “thiếu khách quan, minh bạch”… nhân dân vẫn đói nghèo nàn, tụt hậu… Những luận điệu xuyên tạc trên đều không có sơ sở.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hoàng Thị Mỹ Hảo cho biết: Các chính sách, chương trình, dự án trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2023 khi đưa về tỉnh đều được công khai và phân bổ đều cho từng huyện, xã nghèo theo lĩnh vực và do chính người dân lựa chọn. Ngay trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có Dự án 7 tập huấn kiến thức cho cán bộ cơ sở để nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình. Vì vậy từ phân bổ nguồn vốn, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình đều có giám sát, đánh giá khách quan. Tỉnh ủy đã cụ thế hóa, đổi mới công tác giảm nghèo “một trung tâm + ba trụ cột + đa tiếp cận” nên công tác giảm nghèo tạo cơ sở rất minh bạch, công khai, huy động được cả hệ thống chính trị, các tầng lớp xã hội và nhân dân đồng lòng triển khai thực hiện nên đạt hiệu quả tích cực. Kết quả giảm nghèo do chính người nghèo nỗ lực phấn đấu vươn lên không chạy thành tích. Vì vậy, thành tựu giảm nghèo của nước ta  theo báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” được công bố bởi Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho thấy, đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các DTTS với tỷ lệ giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua.

Dân tộc thiểu số Lô Lô, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) trước đây bà con chủ yếu là hộ nghèo đã được Sở Văn hóa - Thể thaovà du lịch, UBND huyện Bảo Lạc đầu tư phát triển du lịch cộng đồng nâng caođời sống.
Dân tộc thiểu số Lô Lô, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) trước đây bà con chủ yếu là hộ nghèo đã được Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch, UBND huyện Bảo Lạc đầu tư phát triển du lịch cộng đồng nâng cao đời sống.

Chính vì công tác giảm nghèo được cán bộ cơ sở và nhân dân đánh giá, kiểm tra, giám sát công khai minh bạch, không chạy thành tích nên Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh chỉ đạo công khai rà soát. Hiện toàn tỉnh còn  42.580 hộ nghèo (33,09%), 17.110 hộ cận nghèo (13,3%) trong giai đoạn 2022 - 2025 để tiếp tục căn cơ các giải pháp giảm nghèo hiệu quả theo chuẩn nghèo đa chiều, quy định tại Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg. Thời gian tới, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều   (việc làm; y tế, giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin), bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, dựa trên cách tiếp cận đảm bảo quyền con người, quyền công dân đặc biệt là quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân theo Hiến pháp năm 2013 và các luật về việc làm, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, trẻ em, bảo hiểm y tế, nhà ở, thông tin,... 

Tuy vẫn còn khó khăn nhưng Cao Bằng đã, đang và tiếp tục nỗ lực cùng cả nước thực hiện mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm người nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, điều kiện sống an toàn, tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản. Thực hiện quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” như sau: “... Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xoá đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” thể hiện tầm nhìn đường lối, chiến lược, chính sách chế độ nhân văn của Đảng, Nhà nước ta.

BÀI 1: HIỆU QUẢ GIẢM NGHÈO TỪ NHỮNG CÁCH LÀM SÁNG TẠO

Trường Hà - Hồng Phượng

Tag:

File đính kèm