Trước âm mưu của kẻ xấu và thế lực thù địch chống phá Đảng, từ năm 1989 đến nay, Tỉnh ủy triển khai nhiều biện pháp đấu tranh hiệu quả đã xóa bỏ được tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình (TCBHPDVM), đập tan âm mưu của kẻ xấu và thế lực thù địch lôi kéo một số bộ phận dân tộc Mông đòi ly khai, lập nhà nước riêng.
|
BÀI 1: KINH NGHIỆM LẤY “XÂY” ĐỂ “CHỐNG”
Năm 1989, lợi dụng đời sống kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Cao Bằng khó khăn, sống biệt lập trên núi cao, kẻ xấu mượn tín ngưỡng, tôn giáo để dụ dỗ, lôi kéo một số bộ phận dân tộc Mông tin theo TCBHPDVM với ý đồ ly khai, thành lập “nhà nước Mông”. Nhưng âm mưu của chúng đã bị đẩy lùi, thất bại bởi Tỉnh ủy luôn chủ động thực hiện phương châm đấu tranh lấy “xây” để “chống”.
Kẻ xấu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây nhiều hệ lụy với đồng bào Mông
TCBHPDVM do Dương Văn Mình (sinh năm 1961, tên gọi khác Dương Súng Mình, Giàng Sống Mình) cầm đầu, nguyên quán xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng. Trước khi chết (cuối năm 2021), đối tượng sinh sống tại xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang).
Năm 1989, Dương Văn Mình phán rằng Chúa Jêsu nhập vào mình và tự xưng là chúa, là cha của người Mông, có tư tưởng ly khai, tự trị lập “nhà nước riêng”. Dương Văn Mình và đồng bọn tổ chức tuyên truyền mê tín, dị đoan ở các địa phương có dân tộc Mông với lời lẽ hoang đường: Năm 2000 trái đất sẽ nổ tung, con người sẽ chết hết, ai theo Dương Văn Mình sẽ dược Chúa Jêsu đón lên trời sống sung sướng. Mọi người không làm cũng có ăn, không học cũng biết chữ, ốm đau tự khỏi bệnh… Người Mông sẽ có tổ quốc riêng. Tổ chức này còn quy định phải có “nhà nhỏ” tức “nhà đòn” để cất giữ các biểu tượng tâm linh sử dụng trong đám tang như con ve, con cóc, con én, cây thánh giá… không thờ cúng tổ tiên, không đúng với truyền thống dân tộc Mông và quy định của nhà nước.
Với những luận điệu mê tín, dị đoan, Dương Văn Mình và một số kẻ xấu lôi kéo, ép buộc người Mông phải theo “đạo Dương Văn Mình”, thu tiền những người tin theo để trục lợi cá nhân. Hàng trăm hộ dân tộc Mông các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên vì nhẹ dạ đã bán trâu, bò, lợn, ngô, thóc… lấy tiền nộp cho Dương Văn Mình. Trước hoạt động trái pháp luật, năm 1990, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tuyên (cũ) đã kết án, tuyên phạt Dương Văn Mình 5 năm tù về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản riêng của công dân và hành nghề mê tín dị đoan gây hậu quả nghiêm trọng. Tháng 5/1995, Dương Văn Mình mãn hạn tù và bỏ trốn khỏi địa phương.
Sau một thời gian lắng xuống, từ năm 2017 - 2022, TCBHPDVM với sự tiếp sức của thế lực thù địch thay đổi một số lời lẽ giáo lý vẫn bám tìm đến đồng bào Mông các tỉnh: Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên... để dụ dỗ, lôi kéo bà con đi theo. Năm 2021, sau khi Dương Văn Mình chết, kẻ xấu tiếp tục lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo nhằm “thần thánh hóa, tôn vinh Dương Văn Mình”, tìm chọn, tiến cử người thay thế duy trì TCBHPDVM.
Về hệ lụy của TCBHPDVM, đồng chí Đào Văn Mái, dân tộc Mông, nguyên Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhận định: Các chiêu trò, lý lẽ, giáo lý của TCBHPDVM sai trái với văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông, gây mất đoàn kết ngay trong cộng đồng dân tộc Mông. Nhiều hộ bị ảnh hưởng bởi TCBHPDVM kéo dài nhiều thế hệ, mất tiền của, bị cô lập, đe dọa, nhận thức tiêu cực về cuộc sống… Tất cả đều trái với đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh đấu tranh “4 tại chỗ”
Đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác đấu tranh xóa bỏ TCBHPDVM, Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh ủy cho biết: TCBHPDVM hoạt động phức tạp, kéo dài nhiều năm tại 6 huyện có dân tộc Mông. Để thức tỉnh bà con từ bỏ phải có một quá trình tác động tích cực đến mọi mặt trong đời sống. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra phương châm lấy “xây” để “chống”. Cụ thể, nhiệm vụ trọng yếu đầu tiên 6 huyện phải xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh từ xã, xóm để thực hiện phương châm đấu tranh “4 tại chỗ”, gồm: vận động, tuyên truyền; ngăn chặn, tách biệt đối tượng cốt cán với hộ dân bị lôi kéo tin theo; xử lý từ sớm, từ cơ sở các tình huống, vụ việc; xây dựng niềm tin, chỗ dựa cho hộ từ bỏ TCBHPDVM.
Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 37-CT/TU, ngày 31/5/2012 về ngăn chặn, xóa bỏ TCBHPDVM trên địa bàn tỉnh. Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu triển khai các nhiệm vụ tuyên truyền linh hoạt, vận động phù hợp với đồng bào Mông, chú trọng xây dựng cán bộ cơ sở là dân tộc thiểu số (DTTS).
Về việc ngăn chặn, xóa bỏ tệ nạn TCBHPDVM, lãnh đạo các huyện: Hà Quảng, Bảo Lâm, Hòa An…, cho biết: Từ năm 2012 đến nay, cấp ủy, chính quyền địa phương quyết liệt triển khai Chỉ thị số 37 của Tỉnh ủy, tập trung xây dựng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên xã, xóm, công an viên và người có uy tín là người DTTS có trình độ để chủ động quản lý, hướng dẫn bà con hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đúng pháp luật. Thường xuyên tuyên truyền, chiếu phim tài liệu “Sự thật về TCBHPDVM, người Mông không theo kẻ xấu” (2 thứ tiếng Việt - Mông do Tỉnh ủy phát hành) tại các chợ phiên xã, phát trên loa đài và cuộc họp xóm… Vì vậy, tất cả các hộ dân tộc Mông, trong đó có những hộ tin theo TCBHPDVM đều được nghe trực tiếp về các hoạt động trái pháp luật của TCBHPDVM. Riêng đối tượng ngoan cố, cốt cán được cán bộ xã, xóm, người có uy tín DTTS đến vận động, thuyết phục đấu tranh cá biệt. Đồng thời, hệ thống chính trị cơ sở xã xây dựng nhiều mô hình dân vận khéo để vận động, thức tỉnh bà con từ bỏ TCBHPDVM.
Bí thư Huyện ủy Hà Quảng Lê Hải Yến chia sẻ: Nhiệm vụ cốt lõi của xóa bỏ TCBHPDVM là giải tỏa nếp nghĩ ăn sâu vào tư tưởng các hộ dân tộc Mông đã bị dụ dỗ, lôi kéo. Vì vậy, huyện xây dựng cán bộ xã, xóm là DTTS có hiểu biết sâu về tâm lý, sự đồng cảm với người Mông đi tuyên truyền thuyết phục và hỗ trợ những hộ bị kẻ xấu áp đặt, đe dọa. Xây dựng mô hình dân vận khéo “Khéo vận động nhân dân đấu tranh, ngăn chặn, xóa bỏ TCBHPDVM”; “Quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…, góp phần làm thay đổi tích cực nhận thức của bà con.
Qua công tác dân vận, tích cực tuyên truyền, vận động sâu sát tại cơ sở, đồng bào Mông và các DTTS khác hiểu rõ hơn bản chất của TCBHPDVM đã tỏ thái độ bất bình, phản đối những việc làm trái với đạo lý, văn hóa truyền thống dân tộc Mông. Vì vậy, nhiều hộ bị dụ dỗ, ép buộc tự giác cam kết từ bỏ TCBHPDVM. Còn những đối tượng ngoan cố dần yếu thế nên cởi mở hơn, đề xuất, kiến nghị trao đổi với cán bộ các cấp… Đến năm 2021, 6 huyện vận động hàng trăm hộ dân tộc Mông từ bỏ không tin theo TCBHPDVM, trong đó có nhiều người Mông tích cực phấn đấu trở thành đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng xóm, công an viên...
Từ chuyển biến tích cực trên, năm 2022 đến tháng 4/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo 3 đợt đấu tranh cao điểm xóa bỏ TCBHPDVM. Các huyện ủy và hệ thống chính trị cơ sở các cấp vừa đấu tranh “4 tại chỗ” vừa đối thoại trực tiếp với xóm dân tộc Mông và đối tượng cốt cán, ngoan cố, lưỡng lự chưa từ bỏ TCBHPDVM để lắng nghe kiến nghị và giải đáp, tháo gỡ khó khăn của bà con. Trong đối thoại có những người Mông đã từ bỏ TCBHPDVM cùng đến tuyên truyền, giải thích nên có tác động rất tích cực. Lãnh đạo huyện, xã giải đáp Đảng, Nhà nước luôn sẵn sàng đón những hộ từ bỏ TCBHPDVM và thực hiện các chính sách DTTS để xây dựng đời sống mới đã làm cho đối tượng ngoan cố nhận thấy sai lầm của mình và cam kết từ bỏ.
Bí thư Chi bộ xóm Văn Thụ, xã Nam Tuấn (Hòa An) Lý Văn Sinh cho biết: Trước đây, tôi nhẹ dạ tin theo TCBHPDVM bị thu tiền, đi học giáo lý, lý lẽ xa lạ với văn hóa dân tộc Mông. Nhà đói nghèo, khi ốm đau không thấy TCBHPDVM đến giúp. Được cán bộ huyện, xã quan tâm giải thích những việc làm sai trái của TCBHPDVM, tôi đã từ bỏ. Vì chỉ có Đảng, Nhà nước mới chăm lo đời sống cho người dân. Tôi tích cực cùng cán bộ xã vận động bà con hiểu ra sai trái của TCBHPDVM, không bị rơi vào bẫy của kẻ xấu như tôi trước đây.
Trong 3 đợt đấu tranh cao điểm, 43 tổ tương trợ tại cơ sở chủ động bám sát từng xóm, hộ để hỗ trợ đấu tranh khi bị đe dọa trong mọi tình huống. Chị Vừ Thị Sông, dân tộc Mông, xóm Khau Dề, xã Thái Sơn (Bảo Lâm) thổ lộ: Tôi ký cam kết từ bỏ TCBHPDVM đầu năm 2022. Sau đó bị đối tượng ngoan cố đe dọa “Nhà mày từ bỏ TCBHPDVM được Nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng để kéo đường dây điện. Mày phải đưa tiền cho tao, nếu không khi nhà mày có việc gì tao bảo cả họ hàng không đến giúp…”. Chị Sông báo ngay cho thầy giáo Hứa Văn Thủy, Trường Tiểu học Bản Là (Thái Sơn), Bí thư Chi bộ xóm Khau Dề, Tổ tương trợ xã Thái Sơn nên được hỗ trợ đấu tranh kịp thời.
Sau 3 đợt đấu tranh cao điểm, đến ngày 19/5/2023, trên địa bàn các huyện Hà Quảng, Bảo Lâm, Hòa An, Bảo Lạc, Quảng Hòa, Trùng Khánh, những đối tượng ngoan cố còn lại cam kết không tái diễn các hoạt động của TCBHPDVM. Toàn tỉnh không còn hộ dân tộc Mông tin theo TCBHPDVM, đạt mục tiêu kế hoạch trước thời gian.
Đại tá Vũ Hồng Quang, Giám đốc Công an tỉnh: Cao Bằng có 6.795 đồng bào dân tộc Mông, chiếm 11% dân số, trong đó có một số bộ phận bị lôi kéo theo TCBHPDVM tại địa bàn 6 huyện. Phương châm đấu tranh “4 tại chỗ” đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng công an nắm sát diễn biến địa bàn từng vụ việc, đối tượng ngoan cố, cầm đầu, hộ bị dụ dỗ, đe dọa. Qua đó, răn đe, gọi hỏi trên 300 lượt đối tượng cốt cán; tấn công chính trị hơn 160 lượt, vô hiệu hóa 69 đối tượng cầm đầu, cốt cán; tổ chức 130 lần tháo dỡ “nhà đòn”; xử lý kịp thời, linh hoạt những vụ việc phát sinh phức tạp tại cơ sở. Chủ động làm thất bại âm mưu hòng lôi kéo một bộ phận đồng bào Mông tin theo TCBHPDVM.
|
Bài 2: Chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho đồng bào Mông
Trường Hà