Giao thông “ưu tiên số 1” để kết nối phát triển
Cao Bằng vùng đất phên dậu Tổ quốc có nhiều tiềm năng thế mạnh về du lịch, nông nghiệp, kinh tế cửa khẩu, muốn tiếp cận các trung tâm chính trị, kinh tế lớn của đất nước chỉ duy nhất bằng 2 tuyến đường bộ, gồm: Quốc lộ 3 và Quốc lộ 4A, thời gian di chuyển 7 - 8 giờ/chiều phải qua nhiều khu vực địa hình hiểm trở. Vì vậy, Tỉnh ủy luôn đặt nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mở tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) phải đi trước, làm đòn bẩy đặc biệt quan trọng thúc đẩy phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh; kết nối Cao Bằng với các tỉnh biên giới và đặc biệt kết nối với Thủ đô Hà Nội, trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của cả nước. Ngày 15/11/2021, trong buổi làm việc với tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là dự án quan trọng nhất của tỉnh trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, yêu cầu địa phương dồn các nguồn lực để triển khai, không đầu tư dàn trải, manh mún.
Dự án tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với chiều dài tuyến hơn 121 km, tổng mức đầu tư khoảng 23 tỷ đồng. Khi tuyến đường cao tốc được xây dựng sẽ là huyết mạch quan trọng kết nối Cao Bằng với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, các khu du lịch quốc gia, khu kinh tế, công nghiệp, thúc đẩy phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới Quốc gia; đồng thời tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực phát triển KT - XH của 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.
Theo đó, từ năm 2021 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo quyết liệt UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tập trung “ưu tiên số 1” mở đường cao tốc. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; là khát vọng, cơ hội cho Cao Bằng thu hút đầu tư, phát triển tiềm năng lợi thế về kinh tế cửa khẩu, du lịch dịch vụ theo hướng bền vững gắn với thế mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông sản đặc hữu riêng có - Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh nhấn mạnh.
Cùng với đầu tư cho đường cao tốc, Tỉnh ủy quan tâm nghiên cứu đầu tư các tuyến giao thông liên kết vùng từ huyện Bảo Lâm - Bảo Lạc - Nguyên Bình, Cao Bằng - Hà Giang - Bắc Kạn - Tuyên Quang để kết nối Cao Bằng với các tỉnh phía Bắc và Thủ đô Hà Nội. Trọng tâm là tuyến trải nghiệm thứ 5, Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng kết nối với CVĐC Toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) sẽ mở ra tiềm năng, cơ hội rất lớn về phát triển du lịch cho các huyện miền Tây của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm triển khai 19 dự án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường phục vụ phát triển KT - XH địa phương; 82,5% tuyến đường huyện, xã; 98,8% đường đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được đầu tư, duy tu, nâng cấp, bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo giao thông thông suốt giao thương kinh tế nội địa và cửa khẩu.
Thúc đẩy phát triển kinh tế 3 thế mạnh
3 thế mạnh về phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch bền vững, nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao theo chuỗi giá trị trong chương trình trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX được Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành huy động nguồn lực đầu tư đã tạo nên dấu ấn tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Khu kinh tế cửa khẩu tiếp tục được quan tâm đầu tư, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt 777,792 triệu USD, đạt 165% kế hoạch, năm 2023 ước đạt 661 triệu USD, bình quân giai đoạn tăng 9.8%/năm.
Phát triển du lịch những năm 2020 - 2021 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng từ năm 2022 đến nay với sự chủ động vào cuộc của các cấp, sở, ngành đồng hành, hỗ trợ với nhân dân, doanh nghiệp đầu tư làm nhiều sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tổ chức sự kiện văn hóa đặc sắc, tăng cường quảng bá... đã thu hút 3 triệu lượt khách. Ông Guy Martini, Chuyên gia cao cấp Hội đồng CVĐC Toàn cầu UNESCO nhận định: Từ năm 2018 - 2023, Cao Bằng thực hiện tốt khuyến nghị của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa bản địa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch bền vững. UBND tỉnh, các sở, ngành tham gia các hoạt động Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO và hợp tác quốc tế nhằm mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các CVĐC tiềm năng và CVĐC toàn cầu UNESCO để làm cầu nối thúc đẩy hợp tác về các mặt KT - XH giữa Cao Bằng với các địa phương của các quốc gia trên thế giới. Kết quả trên là cơ sở cho Cao Bằng xúc tiến tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO lần thứ 8 của Khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng.
Phát triển thế mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông sản đặc hữu gắn với chế biến xây dựng thương hiệu, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân xây dựng 97 sản phẩm OCOP từ 2 - 4 sao vươn ra thị trường, phục vụ du lịch. Hằng năm tiêu thụ hàng trăm tấn miến dong, đặc sản gạo nếp, thạch đen, các loại bánh làm từ gạo nếp, lạp sườn, thịt lợn, bò, trâu hun khói… Cây thế mạnh như: mía, hồi, quế, sả, sở, trúc sào, thạch đen, dong riềng, chè hữu cơ chất lượng cao, dược liệu… tiếp tục được mở rộng diện tích vùng trồng, tăng năng suất đưa ra thị trường. Giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản đạt 46 triệu đồng/ha; tổng đàn gia súc gia cầm, trong đó vật nuôi giống bản địa bò, trâu, lợn đen, gà đen tăng nhanh, sản lượng thịt hơi các loại tăng bình quân 6,63%/năm.
Đổi mới công tác xây dựng Đảng
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy bám sát Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Xây dựng và triển khai chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, 6 (khóa XIII). Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Các cấp ủy kiểm tra 2.844 lượt tổ chức Đảng và 7.199 lượt đảng viên, có 2.188 cấp ủy viên các cấp; giám sát chuyên đề 1.399 lượt tổ chức Đảng và 4.072 lượt đảng viên, có 1.263 cấp ủy viên các cấp. Qua kiểm tra, thi hành kỷ luật 4 tổ chức Đảng, 475 đảng viên vi phạm.
Việc thi hành kỷ luật Đảng được thực hiện nghiêm theo quy định, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, góp phần quan trọng nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên cả ba khâu: Phòng ngừa, phát hiện và xử lý. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp được dư luận xã hội quan tâm. Các cơ quan chức năng khởi tố 30 vụ án/122 bị can, tổng tài sản thiệt hại ban đầu trên 30 tỷ đồng. Trong đó có 7 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Các bị can bị khởi tố có một số lãnh đạo cấp sở, ngành, huyện, Thành phố…
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của nhân dân để giải quyết những vấn đề vướng mắc, bức xúc trong nhân dân. Công tác dân vận theo phương châm “dân là gốc” đã củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, thu hút các tầng lớp nhân dân nỗ lực vượt mọi khó khăn đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống.
Hồng Xiêm