Sign In

Đấu tranh xóa bỏ “Chữ thập vải đỏ”

06:54 20/04/2024

Nhận diện “Chữ thập vải đỏ” - một hoạt động mê tín dị đoan

“Chữ thập vải đỏ” hay còn có tên gọi khác là “San sư khẻ tọ” xuất hiện tại địa bàn huyện Bảo Lâm khoảng từ năm 1996 do một số đối tượng tích cực tuyên truyền đạo trong vùng đồng bào Mông ở tỉnh Hà Giang đến các xã: Quảng Lâm, Thạch Lâm, Yên Thổ, Nam Cao, Mông Ân để tuyên truyền lôi kéo người tham gia trái phép. Năm 1997, các đối tượng cầm đầu cốt cán đã lôi kéo được một số nhóm người thuộc các xóm Tổng Dùn, Lũng Rịa, Phiêng Roóng, Nặm Tàu, Sác Ngà, Khau Noong (xã Thạch Lâm) tin theo. Đến tháng 1/2023, huyện Bảo Lâm có 96 hộ/573 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông tại 12 xóm thuộc 2 xã Thạch Lâm, Quảng Lâm theo “Chữ thập vải đỏ”.

Đại úy Nông Tuấn Anh, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Bảo Lâm cho biết: Bản chất của “Chữ thập vải đỏ” chưa được Nhà nước công nhận là tôn giáo hợp pháp do chưa có giáo lý, giáo luật và cơ cấu tổ chức rõ ràng, việc người dân tin theo “Chữ thập vải đỏ” xuất phát từ những trường hợp tuyên truyền trên địa bàn các tỉnh lân cận, qua đó ảnh hưởng đối với một bộ phận đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn, việc người dân tin theo “Chữ thập vải đỏ”, biểu hiện rõ nét nhất là trong nhà có trang trí biểu tượng chữ thập màu đỏ trên nền vải màu trắng, định kỳ hằng tuần người ta sinh hoạt trước chữ thập, biểu tượng đó. 

Với việc hình thành và phát triển mang tính tự phát, “Chữ thập vải đỏ” không phải phong tục truyền thống của người Mông. Người dân khi sinh hoạt theo loại hình tôn giáo bất hợp pháp này sẽ cầu nguyện Chúa trời những điều mình muốn, khi gia đình có người ốm đau, bệnh tật sẽ tổ chức cầu nguyện để sớm khỏi bệnh. Đây là hoạt động mê tín, dị đoan, đi ngược với quy luật tự nhiên và truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông.

Đấu tranh xóa bỏ hoàn toàn “Chữ thập vải đỏ” 

Theo Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo huyện Bảo Lâm Nông Ích Cầu, năm 2023, công tác tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ “Chữ thập vải đỏ” được Ban Chỉ đạo Công tác tôn giáo huyện đưa vào chương trình công tác tôn giáo năm, giao lực lượng công an xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban, ngành liên quan, chính quyền 2 xã Quảng Lâm, Thạch Lâm thực hiện, trong đó lực lượng công an tham mưu nòng cốt. 

Tổ công tác xã Thạch Lâm (Bảo Lâm) vận động bà con ký cam kết từ bỏ “Chữ thập vải đỏ”.
Tổ công tác xã Thạch Lâm (Bảo Lâm) vận động bà con ký cam kết từ bỏ “Chữ thập vải đỏ”.

Xác định công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trọng tâm là công tác vận động quần chúng, vì vậy sự phối hợp và vào cuộc tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng địa phương là yếu tố quan trọng để công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân tại 2 xã Quảng Lâm, Thạch Lâm từ bỏ “Chữ thập vải đỏ” đạt được những kết quả quan trọng. Với tinh thần không để người dân bị bỏ lại phía sau, chính quyền các xã đã và đang tiếp tục quan tâm, chú trọng thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội để bà con đồng bào dân tộc Mông ổn định đời sống, yên tâm lao động sản xuất, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở. Đến nay, 100% hộ nhận ra việc tin và sinh hoạt theo “Chữ thập vải đỏ” là bất hợp pháp, tự nguyện ký cam kết từ bỏ các hoạt động liên quan. 

Ông Lý Văn Hổng, xóm Nà Luông, xã Quảng Lâm bộc bạch: Gia đình tôi biết đến “Chữ thập vải đỏ” do một số anh em hàng xóm tin và sinh hoạt theo đạo này nên gia đình tôi cũng theo. Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích, gia đình tôi tự nguyện ký cam kết từ bỏ “Chữ thập vải đỏ”, chấp hành tốt chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước và địa phương.

Thời gian tới, lực lượng an ninh Công an huyện Bảo Lâm tiếp tục tham mưu và phối hợp với công an 2 xã Thạch Lâm, Quảng Lâm tiến hành các biện pháp xóa bỏ hoàn toàn hoạt động của “Chữ thập vải đỏ” về mặt tư tưởng như: nghiên cứu, định hướng cho các hộ đã từ bỏ “Chữ thập vải đỏ” để theo các tín ngưỡng hoặc tôn giáo được Nhà nước công nhận; bám nắm tình hình địa bàn, giữ vững quyết tâm, nỗ lực không để các thế lực thù địch lợi dụng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người Mông gây phức tạp về an ninh trật tự và ảnh hưởng tiêu cực đến khối đại đoàn kết dân tộc; đồng hành, giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống, yên tâm tập trung phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trung Nguyễn - Hoàng Tiến

Tag:

File đính kèm