Sign In

Chung sức, đồng lòng thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

06:59 25/08/2024

Sẵn sàng giao nhà, giao đất 

Gia đình ông Vi Văn Khoa là một trong 83 hộ của xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân có đất, nhà ở nằm trong diện tích thu hồi phục vụ xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Ngay khi có thông tin về dự án, được tham gia rất nhiều buổi, họp xóm về dự án, việc GPMB, công khai quy hoạch, lập phương án đền bù và thấy rõ tầm quan trọng của dự án, ông Khoa bàn bạc, thống nhất với gia đình và gương mẫu đi đầu, bàn giao sớm mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để chủ đầu tư sớm triển khai thi công dự án.

Ông Khoa chia sẻ: Cơ ngơi này là công sức nhiều năm qua của cả gia đình, là nguồn sinh kế, mang lại thu nhập chính của gia đình. Vì vậy, ban đầu nghe thông tin nhà nước thu hồi đất tôi rất hoang mang, cái chính là tiếc công mình đã gây dựng. Sau khi được cán bộ địa phương mời đi họp, được phân tích những lợi ích về kinh tế cho quê hương mà dự án mang lại, tôi hiểu, sẵn lòng để nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án và tìm phương án khác để phát triển kinh tế gia đình.

Toàn bộ đất nông nghiệp, đất rừng và nhà ở ông Vi Văn Khoa, xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân (Thạch An) đều đã được giải phóng mặt bằng giao cho đơn vị thi công đường cao tốc.
Toàn bộ đất nông nghiệp, đất rừng và nhà ở ông Vi Văn Khoa, xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân (Thạch An) đều đã được giải phóng mặt bằng giao cho đơn vị thi công đường cao tốc.

Không chỉ là một trong những hộ đầu tiên bàn giao mặt bằng cho dự án, gia đình ông Khoa còn là hộ bị mất nhiều đất nhất xóm. Theo quy hoạch và thống kê số liệu đo đạc, gia đình ông Khoa phải bàn giao cho dự án hơn 1,2 ha đất, trong đó có 600 m2 là đất thổ cư có nhà ở, còn lại là đất rẫy, đất trồng cây lâu năm. Dẫn chúng tôi ra diện tích đất đã được dọn dẹp sạch cho chủ đầu tư thi công ngay trước ngôi nhà, ông Khoa cho biết thêm: Chỗ chúng ta đang đứng đây là vị trí mà chủ đầu tư múc gầu đất đầu tiên trong ngày động thổ thực hiện dự án. Còn đất xung quanh ngôi nhà và xuôi theo con đường kia cũng là đất nhà tôi. Nếu hỏi tiếc không, nói thật là tiếc lắm chứ, cả gia tài của gia đình mà. Từ hơn 1 ha đất mình có, sau khi GPMB cho dự án giờ chỉ còn hơn 1.000 m2 trồng cây lâu năm, liệu sau này sống thế nào? Đó cũng là điều tôi trăn trở suy nghĩ rất nhiều. Tuy nhiên, sau khi nghe tuyên truyền về dự án, giữa lợi ích cá nhân, gia đình với lợi ích chung của xã hội, địa phương, đất nước, tôi động viên các thành viên trong nhà ủng hộ, đồng thuận với chính quyền trong thu hồi đất, GPMB.  Không những gương mẫu, đi đầu trong GPMB, ông Khoa tuyên truyền, vận động người dân, các hộ dân có đất trong dự án gần đó thấy được những lợi ích khi có đường cao tốc, để cùng đồng thuận, khẩn trương GPMB phục vụ thi công tuyến đường. 

Tại xã Đức Xuân, đến nay 222/222 hộ dân trong xã thuộc diện phải thu hồi đất cho dự án đều đồng thuận và sẵn lòng bàn giao đất đầy đủ cho dự án. Ngoài hộ ông Vi Văn Khoa nhiệt tình, đi đầu giao đất cho dự án còn có các hộ như: ông Đinh Văn Tanh, Nông Quốc Đoàn, Hoàng Văn Trọng, Triệu Thị Mến…

Khi nhà nước cần, người dân ủng hộ

Từ nhiều tháng nay, câu chuyện về con đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh luôn là chủ đề rôm rả nhất trong các cuộc trò chuyện của bà con xóm Tân Việt, xã Lê Lai lúc nông nhàn. Là 1 trong 16 xóm của huyện có dự án đường cao tốc đi qua, trong giai đoạn 1 của dự án, xóm Tân Việt có 52/86 hộ bị thu hồi đất với diện tích hơn 8,8 ha. Đến thời điểm hiện tại, xóm đã bàn giao xong mặt bằng cho dự án mặc dù đến nay các hộ dân mới chỉ được nhận tiền đền bù hoa màu, cây cối trên đất, còn toàn bộ diện tích đất và vật kiến trúc trên đất vẫn chưa được đền bù. 

Tiếp chúng tôi ngay tại nhà các hộ dân gần công trường đang thi công, chị Thi Thị Nga, Trưởng xóm Tân Việt khẳng định: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xóm tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ về chủ trương, ý nghĩa của dự án để đồng thuận, bàn giao đất triển khai dự án. Xóm thành lập ban, các tổ tuyên truyền vận động, trực tiếp đến các hộ dân giải thích các chế độ chính sách của tỉnh, của nhà nước đối với người dân. Nhờ đó, nhân dân hiểu được ý nghĩa của dự án và đồng thuận, cam kết bàn giao đất thực hiện dự án đúng quy định.

Đồng thuận với chủ trương chung, hộ chị Nông Thị Dụng tại xóm Tân Việt bàn giao mặt bằng cho dự án với diện tích hơn 70 m2 đất nhà đang ở và hơn 100 m2 đất ruộng. Chị Dụng chia sẻ: Đây không phải lần đầu nhà tôi bàn giao đất để làm đường. Trước đây, đường vào xóm chỉ là đường mòn, khi nhà nước có chủ trương mở rộng đường, nhà tôi hiến một phần đất thổ cư để làm đường, sau này nhà nước nâng cấp lên đường bê tông, rồi áp phan gia đình tôi lại tiếp tục phá nhà nhường đất làm con đường, mỗi lần bàn giao đất cho nhà nước là 1 lần tôi làm lại nhà. Nếu tính cả lần này bàn giao 100% đất nhà ở cho dự án đường cao tốc, gia đình tôi sẽ thêm 1 lần nữa làm nhà mới trên đất tái định cư Nhà nước cấp. Lần này bàn giao mặt bằng cho dự án gia đình tôi đã đóng góp một phần để Nhà nước xây dựng một công trình có ý nghĩa quan trọng, phục vụ lợi ích lâu dài của toàn khu vực chứ không chỉ riêng huyện Thạch An hay tỉnh Cao Bằng.

Xóm Tân Việt, xã Lê Lai (Thạch An) bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Xóm Tân Việt, xã Lê Lai (Thạch An) bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Cũng như xóm Tân Việt, 54 hộ dân xóm Nà Ngài, xã Lê Lai có diện tích cần thu hồi đều đồng thuận bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Chị Long Thị Hiền, Trưởng xóm Nà Ngài cho biết: Để thực hiện dự án, xóm phải thu hồi nhà ở và đất đai của 54 hộ dân, với 24.294,2 m2 đất, di dời 70 ngôi mộ. Đây là áp lực GPMB chưa từng có đối với địa phương bởi không chỉ có phạm vi, đối tượng ảnh hưởng nhiều mà quá trình GPMB cho thấy, việc vận động di dời mộ chí khó gấp nhiều lần so với vận động người dân đồng thuận bàn giao nhà đất vì liên quan đến tâm linh, phong tục, tập quán lâu đời của địa phương. Xác định việc GPMB cần sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên, ngay khi triển khai, xóm lấy tinh thần tiên phong của cán bộ, đảng viên trong GPMB để người dân noi theo. Đồng thời, xóm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án; cơ chế, chính sách GPMB, đền bù đất đai, hoa màu tới các hộ bị thu hồi đất. Sau khi được tuyên truyền, xóm di chuyển xong 100% ngôi mộ trong diện giải tỏa; bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công.

Đến nay, huyện Thạch An bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công trên 135 ha, với tổng chiều dài toàn tuyến 21,46/21,63 km, đạt 99,2%. Hiện tại, không chỉ ở địa bàn huyện Thạch An, người dân ở các địa phương khác trong tỉnh, nơi có dự án đi qua cũng đồng thuận cao và tích cực phối hợp với các ngành chức năng tỉnh, huyện cùng chính quyền địa phương trong công tác GPMB, bàn giao đất cho dự án.

Minh Hòa

Tag:

File đính kèm