Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người, góp phần quan trọng trong việc xây dựng, phát triển đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người theo tinh thần Nghị quyết số 33, những năm qua, Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết. Sau 10 năm thực hiện, đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân ngày càng nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được kế thừa và phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới, tiến bộ được hình thành, sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng đa dạng, nhiều phong trào văn hóa đem lại hiệu quả thiết thực.
Đồng chí Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động tham mưu Thường trực Tỉnh ủy tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và hội nhập theo tinh thần của Nghị quyết số 33. Qua đó, 100% huyện, Thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai ở cấp mình, đồng thời chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt nghị quyết của Trung ương và chương trình hành động của Tỉnh ủy đến cơ sở gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách hiệu quả, thiết thực.
Các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống lịch sử, những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam, truyền thống vẻ vang của dân tộc, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống. Đổi mới hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ; thông tin, tuyên truyền bằng văn bản; trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội; cổ động trực quan thông qua hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích; thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng; những dịp tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh.
Mạng lưới trường lớp học, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trên địa bàn tỉnh được quan tâm quy hoạch, kiện toàn, đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập. Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng nâng cao, gắn việc dạy người với dạy chữ thông qua các phong trào thi đua: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Dạy tốt - Học tốt”, “Tiếp sức em đến trường”, “Em nuôi của Đội”… Các trường từ bậc tiểu học đến THPT triển khai tốt công tác giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương với nội dung chủ yếu về văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị - xã hội, môi trường của địa phương…
Phong trào hiếu học, khuyến học, khuyến tài trong gia đình, dòng họ, cộng đồng phát triển rộng khắp. Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa trong công tác khuyến học, khuyến tài được triển khai như: vận động, giúp đỡ ngăn chặn học sinh có nguy cơ bỏ học tiếp tục học tập, vận động học sinh đã bỏ học trở lại lớp, vận động trẻ em khuyết tật đến trường… Từ năm học 2013 - 2014 đến 2022 - 2023, tỷ lệ học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt tăng từ 94,7% lên 97,2%; học lực khá, giỏi tăng từ 33,1% lên 62,1%. Từ năm học 2014 - 2015 đến nay, tỉnh có 82 học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.
Đến nay, tỉnh cơ bản hoàn thành các mục tiêu về xây dựng môi trường văn hóa đã đề ra tại chương trình hành động của Tỉnh ủy; đưa các quy định về xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa vào hương ước, quy ước của các khu dân cư. Vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy mỗi cá nhân hoàn thiện nhân cách ngày càng tốt hơn. Mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp trong tính cách, phẩm chất của con người được giữ vững và phát huy.
Hệ thống các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, xây dựng, ngày càng mở rộng phạm vi và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền và các hoạt động văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, thụ hưởng của các tầng lớp nhân dân. Đến nay, 100% huyện, Thành phố thành lập trung tâm văn hóa, chi hội bảo tồn dân ca các dân tộc; 90% huyện, Thành phố xây dựng thư viện được ứng dụng công nghệ thông tin; 98,5% xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa; 100% xóm, tổ dân phố xây dựng quy ước, hương ước được cấp có thẩm quyền phê chuẩn; 84% xóm văn hóa, 87% gia đình văn hóa, 97,83% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; 50% xóm, tổ dân phố thành lập đội văn nghệ quần chúng; 60% di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh; 50% di tích đã xếp hạng được trùng tu, tôn tạo; lập dự án tu bổ, tôn tạo các khu di tích quốc gia đặc biệt; hoàn thành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, hiện toàn tỉnh có 7 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người, công tác đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch, các hành vi tiêu cực được đặc biệt chú trọng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 35 tỉnh thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; duy trì, nâng cao chất lượng trang Fanpage Cao Bằng hôm nay; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, hành vi tiêu cực, đồng thời định hướng, lan tỏa thông tin tích cực, gương người tốt, việc tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tỉnh đấu tranh xóa bỏ hoàn toàn tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, 100% hộ ký cam kết không tin, không theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Đại đa số đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo tin tưởng, chấp hành tốt sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thời gian tới, tỉnh tăng cường đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa. Chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ưu tiên nguồn lực ngân sách cho phát triển văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa; giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa tiến bộ của thời đại…
Trung Dũng