Sign In

Hà Quảng chú trọng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương

06:37 16/06/2024


Hà Quảng là huyện vùng cao, biên giới có 19 xã và 2 thị trấn. Hiện nay, toàn Đảng bộ huyện có 51 chi, đảng bộ trực thuộc, 300 chi bộ dưới cơ sở với tổng số hơn 7.800 đảng viên. Nhận thức rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác NCBS và xuất bản các ấn phẩm lịch sử Đảng trong giai đoạn hiện nay, sau khi Tỉnh ủy ban hành Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 25/6/2021 về NCBS và xuất bản các ấn phẩm lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành giai đoạn 2021 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng BCĐ; quyết định thành lập tổ giúp việc, quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể và ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện. Chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập BCĐ, tổ sưu tầm, khai thác tư liệu phục vụ công tác NCBS lịch sử đảng bộ địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các thành viên BCĐ, tổ khai thác, sưu tầm tư liệu. Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện đối với các xã, thị trấn, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. BCĐ các xã, thị trấn chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức hội thảo ít nhất hai lần trước khi trình Hội đồng thẩm định cấp huyện.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Xuân Hòa Triệu Văn Duy cho biết: Là đơn vị có nhiều lần đổi tên và chia tách, sáp nhập địa giới hành chính, nguyện vọng biên soạn và xuất bản cuốn lịch sử Đảng bộ thị trấn là niềm trăn trở của lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân thị trấn qua nhiều thế hệ. Vì vậy, ngoài thành lập BCĐ, tổ sưu tầm tài liệu, để có thêm nhiều nguồn tư liệu cho ấn phẩm, năm 2022, Đảng ủy thị trấn chỉ đạo các chi bộ trực thuộc tham gia Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện Hà Quảng” do huyện tổ chức. Năm 2023, Đảng ủy triển khai cuộc vận động sưu tầm ảnh, tài liệu với chủ đề “Giữ gìn tài liệu quý cho quê hương” thị trấn Xuân Hòa. Kết quả có hàng trăm tư liệu, thông tin trao đổi gửi về Đảng ủy; góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu cho cuốn sách. Qua 3 năm triển khai, với nhiều hội nghị họp bàn, nhiều lần gặp mặt, trao đổi, tham khảo ý kiến đối với các nhân chứng lịch sử và qua 2 lần hội thảo khoa học, cuốn “Lịch sử Đảng bộ thị trấn Xuân Hòa” đã được cấp phép xuất bản.

Công tác NCBS lịch sử Đảng bộ địa phương được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm tạo điều kiện, đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo kinh phí cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ về công tác biên soạn lịch sử. Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện xuất bản và phát hành 8 cuốn lịch sử đảng bộ xã (Trường Hà, Sóc Hà, Quý Quân, Tổng Cọt, Thượng Thôn, Đa Thông, Lũng Nặm, Cần Yên). Đang hoàn thiện thủ tục cấp phép và xuất bản đối với 5 cuốn (thị trấn Xuân Hòa, Ngọc Đào, Ngọc Động, Lương Can, Cải Viên). 8 xã còn lại đăng ký xuất bản trong năm 2024 (Nội Thôn, Mã Ba, Hồng Sỹ, thị trấn Thông Nông, Cần Nông, Yên Sơn, Thanh Long, Lương Thông), hiện đã hoàn thiện bản thảo và tiếp tục khai thác, sưu tầm tư liệu, thu thập các thông tin phục vụ hội thảo lần 2, Hội đồng thẩm định cấp huyện; dự kiến sẽ xuất bản vào cuối năm 2024.

Xã Lũng Nặm (Hà Quảng) ra mắt cuốn Lịch sử Đảng bộ xã (1930 - 2022).
Xã Lũng Nặm (Hà Quảng) ra mắt cuốn Lịch sử Đảng bộ xã (1930 - 2022).

Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Huyện ủy chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan tuyên truyền, ban, ngành, đoàn thể huyện tổ chức tuyên truyền nhân các dịp lễ, ngày kỷ niệm lịch sử, thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, đăng tải các công trình lịch sử trên Trang thông tin điện tử huyện, tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện Hà Quảng”. Các cơ quan, đơn vị chỉ đạo tổ chức tuyên truyền đến đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên và học sinh thông qua sinh hoạt tại chi bộ, cơ quan, đơn vị, các cuộc họp xóm, tổ dân phố và thông qua chào cờ sáng thứ Hai hằng tuần tại cơ quan, đơn vị, trường học và hằng tháng tại các xóm, tổ dân phố. 

Theo đánh giá của Huyện ủy Hà Quảng, hầu hết các ấn phẩm được xuất bản đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính thống nhất, tính định hướng và tính giáo dục cao; đồng thời thể hiện được những nét đặc thù riêng của các sự kiện lịch sử từng địa phương một cách đầy đủ, toàn diện. Quá trình biên soạn nghiêm túc, tuân thủ các bước nghiên cứu lịch sử. Nội dung tư liệu phong phú, phản ánh khách quan, chân thật lịch sử, ghi lại phong trào đấu tranh qua các thời kỳ cách mạng, từ cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới của cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, công tác NCBS và xuất bản lịch sử đảng bộ tại một số xã gặp không ít khó khăn, như: một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện; lúng túng trong quá trình sưu tầm, khai thác; kết quả bước đầu thực hiện còn chậm tiến độ so với kế hoạch; số ít đơn vị còn tư tưởng giao “khoán trắng” cho đơn vị hợp đồng tư vấn.

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hà Quảng Nông Thị Hoa chia sẻ: Thời gian tới, huyện tăng cường tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác NCBS lịch sử đảng bộ địa phương; đẩy mạnh tiến độ thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ các xã, thị trấn. Phấn đấu đến năm 2024, cơ bản đảng bộ các xã, thị trấn hoàn thành việc biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương. Cùng với đó, Huyện ủy tiếp tục đề xuất Ban Chỉ đạo Đề án số 02-ĐA/TU của tỉnh quan tâm, nghiên cứu bố trí kinh phí cho huyện xuất bản lịch sử đảng bộ huyện sau sáp nhập đơn vị hành chính và tổ chức biên soạn lịch sử truyền thống ngành tại địa phương, để mỗi cuốn lịch sử đảng bộ là “cẩm nang” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trên địa bàn huyện.    

     Minh Hòa

Tag:

File đính kèm