Dự buổi lễ có đồng chí Lê Thành Long - Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đơn vị hữu quan; các tổ chức quốc tế.
Quang cảnh buổi lễ tại điểm cầu Trung ương (Ảnh chụp qua màn hình).
Tham dự buổi lễ tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên Bùi Khánh Toàn; Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Nguyên Duy cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành hữu quan.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, kể từ khi người nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1990, Việt Nam đã triển khai chương trình phòng chống HIV/AIDS với mục tiêu giảm số người nhiễm mới HIV và tử vong liên quan tới AIDS, giảm tối đa tác động của HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ sức khỏe người dân và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV.
Sau gần 35 năm triển khai thực hiện, việc điều trị HIV/AIDS ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành một trong những điểm sáng về công tác phòng chống HIV/AIDS tại khu vực và toàn cầu. Trong những năm qua, Bộ Y tế đã cùng với các địa phương trên cả nước triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động phòng chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện, cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ các chương trình dự phòng, can thiệp giảm tác hại như: phân phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su, điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế… Năm 2024, toàn quốc có gần 48.000 người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; gần 70.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi lễ (Ảnh chụp qua màn hình).
Hiện tại toàn quốc có gần 183.000 bệnh nhân đang được điều trị ARV. Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu thế giới về chất lượng điều trị HIV với trên 97% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. Nhiều mô hình, sáng kiến để cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS được nghiên cứu, áp dụng triển khai phù hợp với bối cảnh dịch HIV có nhiều thay đổi. Qua đó đã luôn duy trì kiểm soát dịch HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%, từng bước tiến tới mục tiêu 95- 95- 95 theo chiến lược Quốc gia đã đề ra (95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế).
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.
Năm 2024, Việt Nam chọn chủ đề cho Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là: “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Với chủ đề trên, Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc đảm bảo tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, độ tuổi, xuất thân hay hoàn cảnh kinh tế đều có quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Đồng chí Lê Thành Long - Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm phát biểu tại buổi lễ (Ảnh chụp qua màn hình).
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, đồng chí Lê Thành Long - Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, đóng góp của ngành Y tế cũng như các đơn vị, địa phương, các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Đồng thời nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị xã hội cần xác định công tác phòng chống HIV/AIDS là một nội dung trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời tăng cường đầu tư phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS; rà soát, bổ sung hoàn thiện pháp luật về phòng chống HIV/AIDS bảo đảm phù hợp, đồng bộ; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền giáo dục, nhất là chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
Ngành Y tế huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cho phòng chống HIV/AIDS; triển khai các giải pháp chuyên môn phòng chống HIV/AIDS, ưu tiên cho các cơ sở địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS; huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị dịch bệnh, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ làm công tác phòng chống HIV/AIDS…
Minh Huệ