Trong thư Bác đã căn dặn: “Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong”. Đặc biệt, Người chỉ dạy: “Tư cách người Công an cách mệnh là: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo. Nói tóm lại là những đạo đức và tư cách mà người công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng”.
|
Cán bộ CSGT, Công an huyện Krông Pắc tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Ảnh minh họa: Thế Hùng |
Có thể nói, sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân giản dị, ngắn gọn, nhưng đã khái quát toàn diện bản chất đặc trưng của người “Công an cách mạng”, trở thành kim chỉ nam chỉ đạo mọi hoạt động của lực lượng Công an nhân dân (CAND) trong các thời kỳ cách mạng. Qua 75 năm, những lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị, góp phần hun đúc, rèn luyện lớp lớp cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND thực sự trở thành lực lượng tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc.
Sáu điều dạy của Bác toát lên cả về đạo đức, cả về chính trị và cả về văn hóa. Sâu xa ra là văn hóa ứng xử, văn hóa hành động, văn hóa liêm chính mà Bác nói là cần kiệm liêm chính. Rõ ràng, chuẩn mực đạo đức của người Công an cách mạng thống nhất với chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản, người cán bộ, công chức của Nhà nước, đồng thời thể hiện đặc điểm riêng của công tác công an. CAND là lực lượng có nhiệm vụ cao cả, nặng nề là bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và cuộc sống bình yên của nhân dân, chống các thế lực phản động, thù địch và các loại tội phạm, giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Nhiệm vụ đó không chỉ là bảo vệ mà còn có ý nghĩa xây dựng xã hội mới, tạo dựng đời sống xã hội tốt đẹp. Nhiệm vụ đó hết sức nặng nề, đòi hỏi người cán bộ, chiến sĩ CAND cần không ngừng học tập, nỗ lực, rèn đức luyện tài, để có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa cách mạng và khoa học của Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, những năm kháng chiến chống Pháp, lực lượng CAND đã đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, các tầng lớp nhân dân, nhất là với Quân đội nhân dân và dân quân du kích diệt ác, phá tề, trừ khử nhiều tên Việt gian, mật thám, phản động nguy hiểm; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và phá hoại của các tổ chức phản động, các cơ quan tình báo, gián điệp đế quốc; bảo vệ bí mật và các chiến dịch quân sự trọng yếu.
Những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, học tập, làm theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần cách mạng, tinh thần yêu nước được nêu cao, lực lượng CAND kiên quyết chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, dù còn non trẻ, nhiều khó khăn nhưng đã điều tra, bóc gỡ toàn bộ mạng lưới gián điệp do Pháp cài lại; cùng toàn dân trấn áp kịp thời các hoạt động gây bạo loạn và bắt gọn các toán gián điệp biệt kích của Mỹ - ngụy tung ra phá hoại miền Bắc; kiên cường, dũng cảm bảo vệ tài sản nhà nước, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; bảo vệ an toàn các đợt chuyển quân và vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Ở miền Nam, các lực lượng an ninh đã bảo vệ an toàn cơ quan đầu não kháng chiến và căn cứ cách mạng; đồng thời vũ trang chiến đấu ngay trong sào huyệt địch, trấn áp bọn gián điệp, phản động, trừng trị những tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân, góp phần đánh bại các âm mưu, chiến lược chiến tranh của Mỹ - ngụy.
Trải qua các giai đoạn lịch sử, lực lượng CAND đã không ngừng học tập, rèn luyện, ngày càng hoàn thiện thời từng bước trở thành lực lượng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại không quản ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng xông pha trên mọi mặt trận nhằm góp phần vào thắng lợi của cuộc chiến chống các thế lực thù địch, tội phạm.
Hiện nay, những thách thức mới cũng đặt ra cho lực lượng CAND những nhiệm vụ hết sức nặng nề, mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND lại càng phải thường xuyên “tự soi, tự sửa”, tự tu dưỡng, rèn luyện; tự mình nhận thức sâu sắc và nỗ lực cao nhất để thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, đặc biệt là lời huấn thị “đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”, bởi đây là đạo đức trong hành động, là sự ứng xử trong mọi mối quan hệ mà ai cũng gặp phải hằng ngày.
Cẩm Trang