Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông tham gia thảo luận về dự án luật này. Theo đại biểu Hằng, quá trình tổ chức thi hành Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải ban hành các quy định để khắc phục; đồng thời, nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đại biểu Hằng thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này.
Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng, dự thảo luật sẽ bãi bỏ Điều 12 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016; tức là người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 2 năm trở lên, người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên sẽ không được miễn đào tạo nghề đấu giá; tôi đề nghị đánh giá kỹ lưỡng, nhiều chiều khi bãi bỏ nội dung này.
Bởi, một số nghề tư pháp như công chứng hiện nay đang áp dụng một số đối tượng được miễn đào tạo và chí ít cũng giảm một nửa thời gian đào tạo nghề; trong đó có đối tượng là đấu giá viên đã hành nghề từ đủ 5 năm trở lên theo dự thảo Luật Công chứng trình Kỳ họp thứ 7 lần này cho ý kiến và cũng chưa có số liệu đủ độ tin cậy về mức độ chuyên nghiệp của những người được miễn đào tạo theo Điều 12 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề. Chưa kể đến những đối tượng khác có trình độ, am hiểu về lĩnh vực đấu giá như: những người đã từng tham gia quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực đấu giá tài sản.
Ngoài ra, việc muốn được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá phải đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá do Bộ Tư pháp tổ chức, điều này không dễ nếu không đủ kiến thức, kỹ năng. Vì vậy, đại biểu đề nghị làm rõ hơn việc bãi bỏ Điều 12 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Trường hợp bắt buộc các đối tượng phải qua đào tạo thì nghiên cứu giảm thời gian đào tạo nghề đối với các đối tượng này và nghiên cứu bổ sung thêm các đối tượng khác có liên quan.
Tại khoản 8 Điều 1 của dự thảo sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 13 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 về tập sự hành nghề đấu giá, đại biểu đề nghị quy định bổ sung việc giới hạn số lượng người tập sự mà một đấu giá viên hướng dẫn tập sự tại cùng một thời điểm để hướng đến chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp và truyền tải đầy đủ các kỹ năng hành nghề cho người tập sự. Đồng thời, dự thảo luật phải tính đến việc có trường hợp muốn đăng ký tập sự nhưng không được tổ chức đấu giá tài sản chấp thuận để có quy định cho cụ thể hơn.
Cũng theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng, dự thảo Luật bổ sung điểm đ1 vào sau điểm đ khoản 2 Điều 19 về nghĩa vụ của đấu giá viên phải tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đấu giá theo quy định. Quy định này là cần thiết và phù hợp nhằm trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng và học tập thêm kinh nghiệm của đấu giá viên. Tuy nhiên, nội dung của khoản này chưa thực sự rõ ràng khi bỏ ngõ cụm từ “theo quy định” và chưa làm rõ được việc phải bồi dưỡng hàng năm hay số lần bồi dưỡng như thế nào thì dự thảo luật chưa tính đến.
Ngoài ra, tại điểm đ khoản 20 Điều 1 của dự thảo về Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 34 luật hiện hành có quy định: “Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết Quy chế cuộc đấu giá tại trụ sở tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, nơi tổ chức cuộc đấu giá và thông báo công khai trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia cùng với việc thông báo công khai việc đấu giá quy định tại Điều 57 của luật này.” Đại biểu Hằng đề nghị cân nhắc việc lựa chọn hình thức niêm yết quy chế cuộc đấu giá theo hướng đơn giản nhất nhưng vẫn đảm bảo được việc công khai, minh bạch, khách quan (ví dụ như việc công khai trong hồ sơ tham giá đấu giá hoặc Cổng Đấu giá tài sản quốc gia là một trong các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin). Việc quy định phải công khai nhiều hình thức như dự thảo luật tạo nên sự lãng phí, tăng chi phí thời gian và nguồn lực của tổ chức đấu giá tài sản.