Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 23/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận ở tổ để đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Đa số các ĐBQH đánh giá cao sự điều hành linh hoạt của Chính phủ trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động nhưng vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Các chỉ số của nền kinh tế như tăng trưởng, giải ngân đầu tư công, xuất khẩu, thu hút FDI đều tăng, đời sống Nhân dân được nâng cao.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn cần tiếp tục được tháo gỡ, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng chùm 3 luật (Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản) liên quan đến thị trường này có mối quan hệ khăng khít với nhau nhưng hiện Luật Đất đai đang được các bộ ngành nỗ lực để có hiệu lực sớm hơn để có hiệu lực thi hành trong năm 2024. Trong khi, hai luật còn lại dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành trong năm 2025. Theo đại biểu Giang, cả 3 luật nên được khởi động cùng một lúc mới phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển, tháo gỡ các vướng mắc liên quan hiện nay.
Đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội, một số đại biểu chỉ ra những điểm còn tồn tại, hạn chế như mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, còn có sự chồng chéo khi thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Liên quan đến 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH Đắk Nông đề nghị các Bộ, ngành, địa phương liên quan cần đánh giá lại vấn đề này.
Theo đại biểu Dương Khắc Mai, Thông tư số 17, năm 2022 của Bộ LĐ - TBXH hướng dẫn thực hiện một số nội dung giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động tại các tiểu dự án và các nội dung thành phần thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021-2025 có sự chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Đại biểu Mai đề nghị Ủy ban Dân tộc và Bộ LĐ-TBXH quan tâm, tháo gỡ. Các bộ, ngành liên quan cần khảo sát thực tế, đánh giá một cách toàn diện việc triển khai các chương trình, từ đây nhận diện những chồng chéo, bất cập để tháo gỡ một cách căn cơ, sát với thực tiễn.