Tham gia thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH Đắk Nông nhấn mạnh: Với chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó có lĩnh vực công chứng; đồng thời, khắc phục các hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp của Luật Công chứng năm 2014 và sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tôi thống nhất với việc xem xét để ban hành Luật Công chứng (sửa đổi).
Việc phát triển các văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa là một bước đi đúng đắn. Hiện nay, các văn phòng công chứng cơ bản đã phân bổ rộng khắp gắn với địa bàn dân cư vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận các dịch vụ công chứng, vừa giảm gánh nặng khối lượng công việc, chi ngân sách cho công việc này của cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, vì mục đích lợi nhuận, một số công chứng viên và văn phòng công chứng đã có sự cạnh tranh không lành mạnh, mặc dù đã có Nghị định xử phạt vi phạm hành chính và quy định về quy tắc đạo đức hành nghề công chứng đã ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của hoạt động công chứng.
Theo phản ánh của dư luận, của cử tri, hành vi cạnh tranh không lành mạnh thường là: giành giật khách hàng; móc nối, cấu kết, chia phần trăm hoa hồng, lợi nhuận cho những cá nhân, tổ chức có sự ảnh hưởng để đưa hợp đồng về công chứng tại tổ chức của mình; thậm chí là việc tung tin, đưa ra nhận định không chính xác, mang tính tiêu cực nhằm hạ thấp uy tín đối với tổ chức hành nghề và công chứng viên khác và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh này ngày càng tinh vi, phức tạp.
Một số nội dung như trên đã được đưa vào hành vi bị nghiêm cấm tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Thị Kiều, cần rà soát, đánh giá thêm từ thực tiễn để quy định chặt chẽ hơn, có sự phối hợp giữa các cơ quan để kiểm soát, có chế tài mạnh hơn nhằm tạo sự lành mạnh trong hành nghề, phát triển theo hướng bền vững, giảm thiểu vi phạm và an toàn pháp lý trong hoạt động công chứng.
Về đào tạo nghề công chứng, quá trình triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Luật Công chứng năm 2014, đại biểu đánh giá cao sự thành công khi chúng ta thực hiện việc xã hội hóa hoạt động công chứng khi thành lập các văn phòng công chứng ngoài các phòng công chứng Nhà nước để phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân. Tiếp nối từ những kết quả tích cực đó, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, xã hội hóa, mở rộng hơn các cơ sở đào tạo nghề công chứng ngoài Học viện Tư pháp của Bộ Tư pháp như các trường đại học luật để tạo điều kiện tốt nhất cho những người có nhu cầu đào tạo, kể cả việc sớm định hướng nghề nghiệp cho các sinh viên luật ngay trong nhà trường, đáp ứng tốt hơn nguồn bổ nhiệm công chứng viên.
Một điểm mới của dự thảo Luật so với Luật Công chứng năm 2014 là việc quy định: Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự mà người được cấp giấy không đề nghị bổ nhiệm công chứng viên thì giấy chứng nhận hết hiệu lực; người có giấy chứng nhận hết hiệu lực muốn bổ nhiệm công chứng viên phải đăng ký tham dự và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự theo quy định. Qua rà soát, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng hơn về vấn đề này, cơ quan soạn thảo nên làm rõ hơn, có số liệu đối chiếu thuyết phục, đánh giá về sự ảnh hưởng đến chuyên môn, chất lượng và chi phí tuân thủ để đưa ra quy định phải đăng ký tham dự và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự nếu sau 05 năm kể từ ngày cấp giấy không đề nghị bổ nhiệm công chứng viên.
Việc quy định văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên nhằm bảo đảm cho hoạt động được liên tục, ổn định của văn phòng công chứng. Tuy nhiên, quy định này cần xét đến khía cạnh vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, chưa phát sinh nhiều các hợp đồng dân sự, kinh tế, dân số ít thì việc đáp ứng có hai công chứng viên hợp danh để thành lập văn phòng công chứng là vấn đề khó do không bù đắp được chi phí. Mặt khác cần đồng bộ, bình đẳng hơn khi hiện nay rất nhiều phòng công chứng Nhà nước chỉ có một công chứng viên.
Về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch từ Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng tại những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức theo hướng dẫn của Chính phủ theo điểm e Khoản 1, Điều 72 của dự thảo.
Theo đại biểu Kiều, quy định này không phù hợp và đề nghị đưa ra khỏi dự thảo. Vì việc quy định chuyển giao thẩm quyền dễ phát sinh dư luận về việc ưu ái đối với tổ chức hành nghề công chứng, phát sinh các vấn đề về thực hiện thủ tục hành chính, tính đồng bộ của pháp luật khi cùng một loại giao dịch thì được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng nhưng không được thực hiện phòng tư pháp cấp huyện, ủy ban nhân dân cấp xã và ngược lại.