Từ gương sáng vì cộng đồng
Theo giới thiệu của Hội Người cao tuổi huyện Tuy Đức, từ trung tâm huyện Tuy Đức, chúng tôi vượt theo con đường nhựa mới làm dài khoảng 15km để đến được nhà ông Đặng Văn Hải (dân tộc Dao) ở cụm dân cư Đắk R’mal bon Me Ra, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức).
Qua câu chuyện ban đầu, ông tâm sự: Không cam chịu đói, nghèo nơi vùng quê cằn cỗi ở huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) nên năm 1999, gia đình tôi di chuyển vào xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) lập nghiêp. Lúc đầu về đây, gia đình mua được khoảng 3ha đất để trồng cây mì, sau đó trồng cà phê, tích góp tiền rồi mua thêm đất sản xuất.
Bà con trong khu vực thấy mình tích cực lao động, sản xuất và nhiệt tình giúp đỡ những gia đình khó khăn nên năm 2008, mọi người bầu tôi làm Tổ trưởng tổ dân cư (khu dân cư) Đắk R’mal bon Me Ra. Lúc đó dân cư ở khu vực này thưa thớt, chỉ có khoảng vài chục hộ dân sinh sống, chưa có đường đi lại. Là người tổ trưởng, trách nhiệm của mình càng cao hơn, tôi tiếp tục mua thêm đất sản xuất; động viên, giúp đỡ các gia đình khó khăn về kinh nghiệm lao động sản xuất để cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống.
Được biết, năm 2012, ông Hải đã hiến hàng chục mét đất và góp hàng chục triệu đồng; vận động người dân trong khu vực hiến đất, góp công và góp 500 triệu đồng để làm mới khoảng 10km đường (mặt đường đổ đất, đá bô xít) cho người dân đi lại thuận tiện. "Đến năm 2018, tôi tiếp tục vận động người dân hiến thêm đất cùng Nhà nước mở rộng và nắn lại các khúc đường cua để làm đường nhựa đoạn qua khu Đắk R’mal nối với hai đầu xã Đắk R’tíh và xã Đắk Búk So (Tuy Đức). Cá nhân gia đình góp 50 triệu đồng, hiến đất khoảng 300m dài để thực hiện dự án mở đường nhựa. Bên cạnh đó, tôi hiến 3 sào đất xây dựng 3 phòng học cho khoảng 30 cháu học sinh mầm non trong khu vực Đắk M'R’mal được học hành", ông Hải cho biết thêm.
Ông Lý Tài Cao, một người dân trong khu dân cư Đắk R’mal cho biết: Khi thấy ông Hải hiến đất, góp tiền làm đường giao thông nông thôn và hiến đất làm trường học cho cháu, tôi và nhiều hộ dân ở đây rất thán phục. Khi được bản thân ông Hải vận động, tôi lại càng ủng hộ và tôi cũng hiến khoảng 200m ngang đất trên phần rẫy của gia đình để mở rộng đường, phục vụ lao động sản xuất. Không chỉ tôi mà các hộ dân trong khu vực, sau khi được ông Hải vận động, họ cũng đều hiến đất làm đường, không đòi hỏi tiền đền bù…
Được ông Hải dẫn chúng tôi đến thăm điểm Trường mầm non ở Đắk R’mal, khi mới dừng xe ngoài sân trường, chúng tôi nghe tiếng hô lớn từ trong lớp vọng ra: “Chúng con kính chào ông Hải” của các cháu học sinh mầm non. Đối với cô và trò ở đây, luôn sẵn tinh thần chào đón ông Hải đến thăm, chơi bất cứ lúc nào. Sau đó ông Hải vào lớp nói chuyện và vui chơi, hát ca cùng các cháu như con cháu trong nhà. Cô giáo chủ nhiệm lớp cho biết: “Ông Hải thường xuyên đến thăm lớp, ông luôn vui vẻ, nói chuyện với các cháu nên các cháu coi như người ông trong gia đình. Mỗi lần ông đến thăm lớp đang học hoặc gặp ngoài lớp học thì các cháu vẫn kính chào ông lễ phép như vậy, không phải là nhắc các cháu mới chào”.
Đến người cao tuổi làm kinh tế giỏi cấp tỉnh
Từ sự tận tình, khéo léo trong công tác dân vận của ông Hải và đoàn thể, các phong trào địa phương được người dân đồng tình ủng hộ, làm theo. Vì thế, đời sống ở đây đã từng ngày khấm khá hơn. Đến nay, khu dân cư Đắk R’mal đã phát triển lên 500 hộ với khoảng 2.000 nhân khẩu, chủ yếu là người Dao và người Tày sinh sống.
Ngoài làm công tác dân vận, ông Hải còn là tấm gương lao động sản xuất giỏi với khoảng 9 ha đất sản xuất cà phê, sầu riêng, mắc ca, có thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí. Gia đình ông còn tạo việc làm cho hàng chục lao động thời vụ.
Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ông Hải cùng gia đình cũng đã trải qua những năm tháng khó khăn. Lúc đầu về đây lập nghiệp, gia đình ông mua được khoảng 3ha đất để trồng cây mì, sau đó trồng cà phê, tích góp tiền rồi mua thêm đất sản xuất. Bản thân ông cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn, tiếp thu kiến thức, kỹ năng chăm sóc cây trồng; đồng thời tự mày mò, học tập kinh nghiệm thực tế ở những nơi có các loại cây trồng phát triển tốt, năng suất cao.
Lúc mới đến lập nghiệp, đối với diện tích cà phê, ông vừa đầu tư chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, vừa tái canh những diện tích già cỗi, đưa các giống mới phù hợp với thổ nhưỡng địa phương để trồng. Ông còn trồng xen cây hồ tiêu vào vườn cà phê để tăng thu nhập.
Dần dần, ông tích góp tiền, mua thêm đất và trồng thêm các giống cây khác. Cách đây mấy năm, ông đến Công ty Cổ phần Mắc ca Nữ Hoàng ở Quảng Trực (Tuy Đức) để tìm hiểu cây mắc ca. Ông đã mạnh dạn mua 600 cây về trồng và rất may mắn, loại cây này cũng phù hợp với thổ nhưỡng ở đây. Đến nay, diện tích mắc ca của gia đình ông phát triển tốt và cho đã thu bói.
Cách đây 2 năm, ông Hải lại tiếp tục trồng cây sầu riêng trên diện tích cà phê già cỗi đã phá bỏ. Ông đưa các loại sầu riêng như Ri6, Thái để trồng thử nghiệm. Hiện tại, sầu riêng cũng đang phát triển tốt, ông hy vọng sẽ có thành quả cao...
Tháng 7/2023, Tại Hội nghị biểu dương Người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi lần thứ IV, giai đoạn 2018-2023, ông Hải vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
“Ông Phạm Thiên Viết, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Tuy Đức cho biết: “Ông Đặng Văn Hải là người cán bộ dân vận rất nhiệt tình trong công tác tuyên truyền, vận động và gương mẫu trong lao động, sản xuất; tích cực tham gia các phong trào địa phương. Hằng năm, ông được các hội viên, tập thể huyện hội đánh giá hoàn thành tốt, suất xắc nhiệm vụ được giao. Ông Hải luôn làm việc hết mình vì Nhân dân, xứng đáng được cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức Hội các cấp biểu dương, khen thưởng”.