Cải thiện đời sống từ nguồn vốn vay
Chị H’Giêng, bon Sê Rê A, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong phấn khởi khoe khi vụ mùa cà phê vừa qua, nhờ có chiếc xe càng để chở thuê nông sản cho bà con trong vùng nên thu nhập khá hơn.
Theo lời kể của chị H’Giêng, cách đây gần 2 năm, cùng số vốn 100 triệu đồng được vay hỗ trợ lãi suất, chị đầu tư thêm hơn 20 triệu đồng nữa để mua một chiếc xe càng phục vụ cho việc sản xuất nương rẫy.
Điều làm chị H’Giêng vui nhất là từ khi có chiếc xe càng, con trai chị chăm chỉ lao động, chịu khó hơn. Không chỉ tranh thủ chở phân bón, nước, cà phê của gia đình mà con trai chị còn đi chở thuê cho bà con trong xóm. Nhờ đó, thu nhập của gia đình chị ngày càng ổn định. Riêng trong năm 2023, gia đình chị đã trả được hơn 50% số tiền vay ngân hàng.
Chị H’Giêng vui mừng: "Gia đình đang phấn đấu trong năm 2024 sẽ trả được hết nợ vay. Từ khi được vay vốn hỗ trợ của Nhà nước, gia đình như được thêm sức mạnh để cố gắng vươn lên thoát nghèo. Tôi quyết tâm, lần xét hộ nghèo tới gia đình sẽ không phải nằm trong danh sách hộ nghèo bền vững nữa".
Không riêng chị H’Giêng, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác cũng nhờ được vay vốn ưu đãi từ Nghị định số 28 đã từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên trong sản xuất, kinh doanh.
Gia đình anh K’Nhân, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong là một trong những hộ điển hình sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Từ số tiền vay 100 triệu đồng, anh K'Nhân đã mua xe càng để chuyển đổi nghề. Có xe càng, gia đình anh K'Nhân có thêm sinh kế để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, từng bước trang trải được nợ vay từ nhiều năm không trả được.
Anh K’Nhân chia sẻ: "Từ khi có xe càng, mỗi ngày không còn lo phải làm gì, làm như thế nào để kiếm tiền cho con cái ăn học, trả nợ. Vì nhu cầu người trong bon nhiều nên cứ đến mùa nào cũng có việc để làm. Bà con gọi chở thuê gì tôi chở nấy, chủ yếu vẫn là phục vụ làm nương rẫy. Việc vay vốn được xã tạo mọi điều kiện thuận lợi nên bà con khó khăn trong bon gần như ai cũng vay để phục vụ sản xuất".
Bà H'Beo, Chủ tịch Hội LHPN xã Đắk Som, huyện Đắk Glong cho biết: “Với nguồn vốn được hỗ trợ từ khoảng vài chục triệu đến một trăm triệu tùy mục đích sử dụng đã giúp bà con từng bước cải thiện sản xuất, sinh kế. Hiện nay, bà con chủ yếu vay để mua xe càng, máy phát cỏ, máy tưới nước, phục vụ chăn nuôi, mua máy may, làm nghề mộc, làm nhà ở…. Hầu hết bà con sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Nhiều hộ chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn trả lại được số vốn đã vay nên rất phấn khởi tiếp tục nỗ lực lao động, sản xuất, cải thiện cuộc sống”.
364 hộ được tiếp cận vốn vay
Nghị định 28 kéo dài từ năm 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2021-2025. Thống kê của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Nông, tổng dư nợ cho vay đến tháng 2/2024 đạt 20,8 tỷ đồng, với 364 hộ vay. Trong đó, vay hỗ trợ nhà ở dư nợ đạt hơn 6,6 tỷ đồng, với 164 hộ vay; vay hỗ trợ đất ở đạt 50 triệu đồng/hộ; vay hỗ trợ đất sản xuất đạt trên 5,723 tỷ đồng, với 84 hộ; vay hỗ trợ chuyển đổi nghề đạt trên 8,427 tỷ đồng, với 115 hộ. Theo rà soát, thống kê, giai đoạn 2024-2025 toàn tỉnh cần tổng nhu cầu vốn là trên 19 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Nông thì để triển khai có hiệu quả Nghị định số 28, đơn vị đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời, sát thực với tình hình thực tế. Đơn vị phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với Nhân dân.
Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh triển khai các điểm giao dịch tại trụ sở 71/71 xã, phường, thị trấn vừa tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao dịch, tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, vừa tiết kiệm chi phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Với phương thức "làm hồ sơ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã" đã thích ứng, linh hoạt, phù hợp, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại giao dịch của hộ dân. Qua đó, bảo đảm hoạt động tín dụng chính sách xã hội được minh bạch, dân chủ, thông suốt.
“
Các hộ thụ hưởng đã chấp hành tốt và trả lãi hàng tháng theo quy định, không có hộ dân nào vay vốn bị rủi ro. Qua kiểm tra của các hội, đoàn thể nhận ủy thác và của cán bộ ngân hàng thì tất cả các hộ gia đình vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích đề nghị vay. Địa phương hiện có dư nợ nhiều nhất là huyện Đắk Glong, gồm 188 hộ được thụ hưởng với dư nợ 14 tỷ đồng; huyện Đắk Mil có 64 hộ được hưởng lợi với dư nợ trên 4,5 tỷ đồng; huyện Cư Jút có 84 hộ với dư nợ trên 3,6 tỷ đồng. Địa phương có dư nợ ít nhất là huyện Đắk R’lấp với 1 hộ thụ hưởng với 77,5 triệu đồng.
Nguồn: Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Nông
Đồng chí Hà Thị Hạnh, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc - HĐND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, đây là một chủ trương, chính sách đúng đắn kịp thời của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính sách hỗ trợ vốn vừa huy động được nguồn lực của Trung ương, địa phương, đồng thời vận dụng được nội lực của đối tượng thụ hưởng cùng với sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng sở tại.
Đồng chí Hà Thị Hạnh khẳng định: “Thực tế cho thấy, các đối tượng thụ hưởng đều phấn khởi, nhất là các gia đình được xây dựng nhà ở, từ đó niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được tăng cường, củng cố. Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, các đơn vị liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách hỗ trợ của Nghị định số 28 để có nhiều người dân được thụ hưởng hơn. Các địa phương, đơn vị tăng cường giám sát, hỗ trợ người dân phát huy hơn nữa nguồn vốn được hỗ trợ để vươn lên trong sản xuất, ổn định và nâng cao chất lượng đời sống”.