Làm thế nào để công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên đạt được số lượng và chất lượng là vấn đề được cấp ủy, các tổ chức cơ sở (TCCS) đảng quan tâm.
Các tổ chức đảng đang gặp khó
Trao đổi tại Hội nghị giao ban công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm 2024, đồng chí Nguyễn Đức Nguyên, UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định, từ Đại hội XI đến Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trong đó, Đảng đặt vấn đề củng cố tổ chức đảng, đảng viên; vừa phát triển số lượng, vừa nâng cao chất lượng và sàng lọc đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ phẩm chất, năng lực. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng nhằm bổ sung, tạo nguồn lực và nâng cao sức chiến đấu cho các tổ chức đảng. Việc Tỉnh ủy thống nhất hàng năm, phát triển 3% đảng viên/tổng số đảng viên hiện có là mức thấp nhất theo Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đề ra.
Thực hiện nhiệm vụ này, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chương trình hành động cụ thể hóa các kết luận, nghị quyết của Đảng nhằm củng cố tổ chức đảng, đảng viên. Tuy nhiên, thực tế, công tác phát triển đảng viên khó đạt chỉ tiêu đề ra.
“
Tính đến 15/8, toàn Đảng bộ tỉnh Đắk Nông có 4/12 TCCS đảng phát triển đảng viên đạt trên 50%. Đó là Đảng ủy Khối CCQ - DN tỉnh 70/94; Đắk Glong 44/60; Tuy Đức 32/58 và Công an tỉnh 17/29. Các đơn vị còn lại đạt thấp, thậm chí có 3 tổ chức đảng dưới 20%.
Theo đồng chí Phan Anh Tuấn, TUV, Bí thư Huyện ủy Đắk R’lấp, năm 2024, Đắk R’lấp đề ra chỉ tiêu phát triển 90 đảng viên. Đây là một thách thức khá lớn đối với huyện. Hiện nay, giáo viên là lực lượng nguồn được trông chờ nhiều nhất, nhưng một bộ phận giáo viên không mặn mà vào Đảng. Cấp ủy, TCCS đảng ở các địa phương, đơn vị đã tuyên truyền, vận động nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Đối tượng nguồn là học sinh thì vướng quy định về độ tuổi (tròn 18 tuổi). Do đó, khi đủ điều kiện, các em đã đi học ở các trường đại học, cao đẳng nên nguồn bị gián đoạn. Chưa kể, việc thẩm tra hồ sơ lý lịch của người xin vào Đảng ở nhiều nơi khác nhau, thời gian kéo dài, chậm trễ... dẫn đến ách tắc.
Tại Gia Nghĩa, việc phát triển đảng viên cũng đang gặp khó khăn. Đồng chí Vi Đức Thành, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Gia Nghĩa phân tích, nguồn để phát triển Đảng khan hiếm. Hầu hết thanh niên sau tốt nghiệp THPT thì đi học, làm ăn xa. Quần chúng ở các khu dân cư thì vướng về độ tuổi, tiêu chuẩn, yêu cầu. Một số quần chúng đủ điều kiện thì không mặn mà vào Đảng... Tính đến 12/8, Gia Nghĩa mới chỉ phát triển được 18/84 đảng viên (đạt 21,43%).
Khó khăn của Đắk R’lấp, Gia Nghĩa cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương khác trong tỉnh. Ngoài ra, Đắk Nông không có các trường đại học, doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, cán bộ, công chức không tăng mà ngày càng giảm (hàng năm giảm 10% viên chức và 5% công chức theo lộ trình (PV)) ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ tiêu này.
Phải quyết tâm thực hiện
“Đối với một tổ chức đảng ngoài chất lượng thì phải có số lượng; muốn mạnh phải có quân số đông, chất lượng tinh thông rõ ràng; chỉ tinh thông, số lượng ít quá thì không mạnh được. Số lượng phải đi với chất lượng”, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy chỉ rõ. Do đó, ban tổ chức các cấp tiếp tục trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy nghiên cứu những giải pháp phù hợp để làm sao phấn đấu đạt chỉ tiêu phát triển Đảng đề ra.
Là 1 trong 4 tổ chức đảng có tỷ lệ phát triển đảng viên đạt cao, đồng chí Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đắk Glong chia sẻ, khó, cạn nguồn, một phần là do các TCCS đảng chưa chịu khó rà soát, phát hiện. Bởi sau khi các TCCS đảng báo cáo cạn nguồn, Huyện ủy đã tiến hành khảo sát thực tế và nhận thấy nguồn còn rất nhiều, phong phú. Dự kiến năm nay, huyện sẽ thực hiện đạt và có thể vượt chỉ tiêu. “Kinh nghiệm của chúng tôi là cấp ủy, TCCS đảng cần chịu khó khảo sát, định hướng, tạo điều kiện để quần chúng phấn đấu vào Đảng”, đồng chí Thông cho hay.
Đồng chí Đậu Đình Thái, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Cư Jút cho biết: “Ban Tổ chức Huyện ủy tham mưu xây dựng đề án phát triển đảng viên trong trường học. Đây là đề án mới, vừa học hỏi, vừa tìm tòi, xây dựng. Trong đề án này, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy làm Tổ trưởng và có sự tham gia của hiệu trưởng các trường THPT, Bí thư Huyện đoàn, Trưởng Phòng Giáo dục... Khi đề án được ban hành, huyện sẽ xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên truyền, vận động trong các đợt bồi dưỡng sinh hoạt cho giáo viên để có thể phát triển Đảng trong ngành Giáo dục”.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Nguyên, vấn đề cần làm hiện nay là phải tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đảng viên. Đối với khó khăn do liên quan đến quy định của Điều lệ Đảng, thời gian tới, tỉnh và các địa phương khác sẽ có đề xuất sửa đổi Điều lệ Đảng cho phù hợp, nhất là quy định về độ tuổi kết nạp. Các địa phương có tỷ lệ giáo viên kết nạp Đảng thấp phải làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và có giải pháp để tháo gỡ.
Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục để quần chúng thấm, hiểu và tự nguyện xin vào Đảng. “Theo tôi phải xây dựng một chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển Đảng không chỉ gói gọn trong học sinh, sinh viên, doanh nghiệp, Nhà nước mà cần mở rộng, bao phủ hết các đối tượng để tuyên truyền, vận động”, đồng chí Nguyên nhấn mạnh.
Các TCCS đảng cần đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ đúng quy trình, quy định nhưng không khô khan, cứng nhắc để đảng viên tự giác tham gia sinh hoạt và quần chúng tự nguyện phấn đấu vào Đảng. Vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng đóng vai trò quan trọng. Một tổ chức mà tất cả đảng viên đều tốt thì quần chúng sẽ nhìn vào đó để nỗ lực phấn đấu, rèn luyện. Bên cạnh bảo đảm số lượng, nâng cao chất lượng, việc phát triển Đảng cũng cần bảo đảm tính bền vững, tránh tình trạng xin ra khỏi Đảng, bỏ sinh hoạt hoặc bị xóa tên khỏi Đảng.