Đ/c Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân là một hoạt động thường niên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, đó là: Lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền định kỳ làm việc với hội nông dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hội; hàng năm tổ chức hoạt động đối thoại với nông dân và Hội nông dân.
Hội nghị năm 2024 diễn ra vào thời điểm nhiều ý nghĩa và rất quan trọng, khi nước ta đang chuẩn bị đầy đủ thời cơ, điều kiện thuận lợi để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đồng thời, tạo cơ sở để có kết quả tổng kết, từ đó đưa ra những dự báo, nhận định, xây dựng chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn tới, nhất là trong bối cảnh các địa phương đang chuẩn bị công tác Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2026 - 2031).
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ.
Trước khi diễn ra Hội nghị, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức nhiều kênh tiếp nhận câu hỏi, ý kiến, đề xuất của bà con nông dân, các hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, có kênh từ Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố, từ hai Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói”, từ các chuyên mục “Lắng nghe nông dân”, “Nông dân gửi tâm tư tới Thủ tướng” trên Báo điện tử Dân Việt và qua các kênh tiếp nhân khác. Kết quả, đã có khoảng 2.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất được gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Do đó, việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam năm 2024 có ý nghĩa rất lớn và rất cần thiết để Thủ tướng Chính phủ trực tiếp lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của các nông dân, hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Hội nghị cũng là cơ sở thực tiễn để góp phần xây dựng nội dung Dự thảo Văn kiện Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV (nhiệm kỳ 2026 - 2031) của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị năm nay diễn ra với nhiều nét mới. Trước đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức 2 Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” vào tháng 10 và tháng 11/2024. Tại các địa phương, đã diễn ra 63 Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đối thoại với nông dân. Tại các Diễn đàn, Hội nghị, nhiều vấn đề cụ thể về từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương đã cơ bản được thảo luận, thống nhất và giải quyết trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề lớn, cần có quyết sách, chính sách thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đó là: Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường đối với nhóm sân phẩm chủ lực quốc gia. Cơ chế, chính sách để hướng tới mục tiêu Netzero, triển khai Đề án phát triển 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, dân phát thải; phát triển tín chỉ carbon. Cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, các Hợp tác xã tại các vùng chuyên canh, nhất là đối với người trồng lúa; hỗ trợ thúc đẩy tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sân xuất quy mô lớn; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp. Giải quyết và tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật, các tranh chấp pháp lý quốc tế, đầm báo hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, ổn định thị trường xuất khẩu hàng hóa nông dân. Chính sách về tiếp tục khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt đối với các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa chịu ảnh hưởng do thiên tai và cơn bão Yagi. Đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn (tiếp cận bình đẳng các nguồn lực, dịch vụ cơ bản, phúc lợi xã hội). Cơ chế, chính sách để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, đề án, kế hoạch được nêu tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết cuộc đối thoại chủ yếu nhằm tri ân nông dân, các hợp tác xã, những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đóng góp rất quan trọng trong năm 2024 để cả nước cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp có thành tích rất ấn tượng, xuất nhập khẩu đạt kỷ lục khoảng 62,5 tỷ USD, cao hơn mục tiêu 55 tỷ USD mà Thủ tướng giao; khẳng định vị thế, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự phát triển chung của đất nước. Trong bối cảnh đất nước đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực năm 2024, năm 2025 cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, mạnh mẽ, tự tin hơn để bước vào kỷ nguyên mới; phải nắm chắc, bám sát tình hình tình hình thế giới và khu vực, không để bị động, bất ngờ về chiến lược, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tình hình tốt không quá lạc quan, tình hình xấu cũng không quá bi quan. 2025 cũng là năm phải tăng tốc, bứt phá để kết thúc thắng lợi nhiệm kỳ Đại hội XIII, ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, nỗ lực của người nông dân cũng phải tăng tốc bứt phá, nhất là khi chúng ta phấn đấu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, cao hơn chỉ tiêu Trung ương, Quốc hội đã đề ra để tạo đà, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số những năm tới. Vì vậy, những trăn trở, băn khoăn trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân; hiến kế, góp ý với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý sẽ góp phần xây dựng đất nước, phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh./.
Lan Phương