Sign In

Khi đảng viên ''gánh'' hộ nghèo (2)

17:28 13/10/2023
Bài 2: Chuyện lạ ở bản “siêu nghèo” ĐBP - Đông dân nhất, sở hữu nhiều hộ nghèo nhất, lại “hội tụ” đủ khó khăn đặc thù của địa bàn biên giới, miền núi, nên nhiều năm qua bản Sơn Tống, xã Na Tông (huyện Điện Biên) được mệnh danh là “siêu nghèo”. Chuyện nhà chưa xong nên chẳng mấy ai lo được cho gia đình khác. Vậy nhưng giờ chuyện lạ đời là cả bản cùng tính cách làm kinh tế cho 1 hộ gia đình lại diễn ra thường xuyên và bước đầu tạo nên những đổi thay tích cực ở bản biên giới này.

Bài 1: Những người “dẫn đường” ở Pom Mỏ Thổ 

 

Ngày lên nương, tối bàn cách xóa nghèo

Tất tả trở về từ trang trại chăn nuôi gia súc của gia đình, ông Giàng A Chứ, Bí thư Chi bộ bản Sơn Tống thúc giục vợ nấu bữa tối. Còn ông rửa vội chân tay rồi vào nhà cặm cụi cùng mớ giấy tờ, sổ sách. Ghi ghi, chép chép một hồi ông lại dừng, rồi đưa tay lên lẩm bẩm nhẩm tính. Như chợt nhớ ra, ông Chứ cầm điện thoại lên bấm máy tới 8 đảng viên trong bản nhắc về lịch họp diễn ra buổi tối.

Đúng 19 giờ 30 phút, các đảng viên có mặt đông đủ tại nhà ông Chứ. Chiếc bàn gỗ kê giữa nhà là nơi sinh hoạt quen thuộc của Chi bộ Sơn Tống nhiều năm qua. Ánh sáng le lói từ những chiếc đèn pin gắn trên đầu mỗi đảng viên là nguồn sáng duy nhất trong nhà. Bắt đầu buổi họp, như thường lệ ông Chứ yêu cầu từng đảng viên báo cáo tiến độ triển khai các phần việc hỗ trợ hộ nghèo mà mình được giao phụ trách.

 

Đảng viên Hạng A Tếnh (áo sơ mi kẻ ca rô) xung phong phụ trách 6 hộ nghèo và cận nghèo.

 

Đảng viên Hạng A Tếnh là cán bộ xã, cư trú và sinh hoạt chi bộ tại bản. Sớm giác ngộ, được Đảng soi sáng, lại có điều kiện tiếp cận với kiến thức rộng mở bên ngoài nên anh Tếnh làm kinh tế rất giỏi. Hiện nay đảng viên Tếnh sở hữu đàn gia súc hàng chục con. Không để vợ vất vả, vài năm gần đây anh Tếnh đầu tư cửa hàng tạp hóa để vợ bán hàng. Là “tấm gương” sáng về làm kinh tế của bản nên cũng rất dễ hiểu khi năm 2021 Chi bộ Sơn Tống phân công anh Tếnh hỗ trợ 2 hộ nghèo phát triển sản xuất thì anh đã nêu gương, xung phong nhận “gánh” thêm 4 hộ nghèo, cận nghèo khác.

“Khi nghe chủ trương giao đảng viên phụ trách hộ nghèo thì có rất nhiều ý kiến trái chiều. Có người bảo như thế tạo áp lực cho đảng viên, bản thân tôi cũng từng lăn tăn vì điều đó. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, đã là đảng viên thì phải gương mẫu, đi đầu. Một mình giàu thôi thì chẳng ý nghĩa gì khi trong bản còn hộ nghèo, hộ đói. Vì thế, khi nhận phụ trách các hộ nghèo tôi không áp lực, mà thấy mình có trách nhiệm hơn, gắn kết hơn với bà con!” – đảng viên Hạng A Tếnh bộc bạch.

 

Những ngôi nhà mới khang trang thay thế lều tranh dột nát ở Sơn Tống đều ghi dấu ấn của đảng viên.

 

Sau khi nghe anh Tếnh báo cáo về trường hợp gia đình ông Mùa Giống Say (SN 1941), các thành viên trong Chi bộ sôi nổi tham gia ý kiến đóng góp. Đây là hộ thuộc diện “siêu nghèo” ở bản. Mặc dù có 2 con trai, song người đã lập gia đình đi làm ăn xa, người lại chậm tư duy không chịu lao động. Mỗi năm, gia đình ông Say sống dựa vào nguồn gạo cứu đói của nhà nước, nhưng chỉ được vài tháng. Ở tuổi gần đất xa trời, ông Say vẫn “lay lắt” sống trong căn lều lợp gianh xiêu vẹo và những bát cơm “bập bõm” từ bà con trong bản hỗ trợ.

Các ý kiến tham gia tại cuộc họp đều được thư ký tổng hợp, lập thành biên bản, nội dung ghi rõ từng phần việc cụ thể sẽ triển khai trong thời gian tiếp theo. “Ông Say năm nay được hỗ trợ rất nhiều, quan trọng nhất là có nhà mới kiên cố để ở là yên tâm rồi. Song vẫn chưa thoát nghèo được, vì ông này già yếu không thể tự lao động nên thu nhập không đảm bảo. Chúng ta thống nhất tìm nguồn hỗ trợ ông 1 con bò. Ngoài ra, đảng viên Tếnh sẽ có trách nhiệm tìm kiếm việc làm phù hợp và tích cực vận động để con trai ông Say đi lao động kiếm tiền. Cậu này chỉ chậm về tư duy thôi chứ vẫn có sức khỏe!” - Bí thư Chứ kết luận.

 

 

Rõ người, rõ việc

Chi bộ Sơn Tống hiện có 9 đảng viên, trong đó có 1 đảng viên ở xã đến sinh hoạt cùng. Tuy nhiên, bản có tới 179 hộ, gần 870 khẩu, 62 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Với sự chênh lệch lớn như vậy, mỗi đảng viên ở đây đều “cùng lúc” phụ trách nhiều hộ. Ngoài đảng viên Hạng A Tếnh, đảng viên Vàng Giống Và, Trưởng ban MTTQ bản cũng phụ trách nhiều hộ nghèo. Ông Và có “tay nghề” làm thợ mộc nên được giao chịu trách nhiệm chính trong việc thiết kế, lắp ghép và làm nhà cho các hộ nghèo. Trong quá làm, phát sinh vấn đề gì hoặc thiếu nhân công, nguyên vật liệu cho khâu nào, ông lại báo cáo ngay Chi bộ.

 

 

Bởi vậy, những cuộc họp bàn xuyên đêm ở nhà Bí thư diễn ra thường xuyên hơn. Sau mỗi cuộc làm việc, lại có một “công trình”, hành động cụ thể hướng đến hộ nghèo. Phát huy hiệu quả nhất sự hỗ trợ này là gia đình anh Vừ A Thay. Do nghỉ học, lấy vợ, con sớm, thiếu kiến thức sản xuất nên gia đình anh Thay là hộ nghèo nhiều năm liền. Năm 2022, sau khi được Chi bộ vận động, anh đã viết đơn xin thoát nghèo. Để tạo động lực cho gia đình thoát nghèo, đảng viên giúp đỡ là ông Vàng Giống Và đã tham mưu để tìm nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau.

“Ngoài 1 con bò giống, tôi còn được tham gia tập huấn kiến thức chăn nuôi; được Nhà nước hỗ trợ tiền, rồi bà con góp sức làm cho ngôi nhà đại đoàn kết. Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện nhiều như thế mà vẫn còn nghèo thì xấu hổ lắm. Vì vậy, tôi đã quyết tâm phải thoát nghèo. Giờ tôi có nhà khang trang để ở, có thóc đủ ăn quanh năm, 5 con cả trâu và bò để phát triển kinh tế là yên tâm rồi. Vừa mới đầu tháng Chi bộ thông báo là xã đã có quyết định gia đình thoát nghèo, tôi mừng lắm!” - anh Thay phấn chấn khoe.

 

Ngôi nhà mới kiên cố, khang trang là động lực để gia đình anh Vừ A Thay nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

 

Khơi dậy ý chí tự lực vươn lên

Là “vùng lõm” trong công tác xóa nghèo của huyện nên các nghị quyết phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo đều xác định rõ trọng tâm là Sơn Tống. Song, khi triển khai thực tế, công tác giảm nghèo cứ “ì ạch” như con trâu đuối sức lại leo ngược dốc. Bởi vậy, mỗi lần triển khai kế hoạch mới về xóa đói nghèo ở Sơn Tống, cả cấp huyện, xã, rồi bản đều lo!

Trong “cái khó”, những đảng viên Sơn Tống - lực lượng được xem là ưu tú nhất ở cơ sở, đã tìm ra “điểm sáng”. Đó là bản có duy nhất dân tộc Mông sinh sống. Bản chất bà con đều khát khao hiểu biết, trọng việc học hành, luôn muốn tìm cái mới. Nhưng hoàn cảnh khó khăn, điều kiện bất thuận, sống ở nơi đồi núi khô cằn, quanh năm trông vào một vụ lúa, một vụ ngô trên nương nên nghèo. Cái nghèo như “sợi dây” vô hình, bó chặt họ.

 

 

Ông Chứ bảo: “Các nghị quyết của Đảng thì đúng quá rồi, ai cũng đồng tình. Nhưng nếu cứ bảo làm đi thì chẳng ai làm. Bởi có người lười, người chăm, người hiểu và chưa hiểu. Chỉ cần giúp họ hiểu, thông suốt trong suy nghĩ, tạo sự đồng thuận thì mọi chủ trương, chính sách triển khai sẽ thuận, đặc biệt là không bị “rào cản” từ yếu tố dân tộc. Thậm chí, nếu khơi dậy được ý chí của bà con thì tính cố kết cộng đồng sẽ tạo hiệu ứng tích cực rất cao. Để làm được điều đó phải có người làm gương, gần dân, sát dân, hiểu dân. Mà như vậy thì không ai khác ngoài đảng viên!.

Câu chuyện về xóa nghèo ở Sơn Tống rất đơn giản, nhưng lại “cuốn” người nghe đến lạ! Khi chiếc điện thoại “cục gạch” vang lên hồi chuông báo thức, ông Chứ vội vàng mời chúng tôi đi dự “sự kiện” quan trọng của một hộ nghèo trong bản. Bên ngôi nhà gỗ khang trang sắp hoàn thành, trước sự chứng kiến của Bí thư Chi bộ Giàng A Chứ và đảng viên phụ trách Hạng A Tếnh, chủ nhà Sềnh A Phổng nắn nót từng câu chữ để hoàn thiện lá đơn xin thoát nghèo vào năm 2024. Hình ảnh ấy đã “neo” trong lòng những người chứng kiến niềm tin sắt đá về một ngày không xa người dân Sơn Tống sẽ thoát nghèo. Đúng như cái cách khơi dậy ý chí tự lực vươn lên cho bà con mà những đảng viên nơi đây đang làm.

 

Bài 3: “Chìa khóa” xóa nghèo bền vững

Hà Linh - Lan Phương

Tag:

File đính kèm