Sign In

Đồng chí Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại nông trường Ban Quản lý rừng phòng hộ giai đoạn 2019-2023 tại Ủy ban nhân dân huyện Xuân Lộc

13:55 25/04/2024
Đồng chí Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại nông trường Ban Quản lý rừng phòng hộ giai đoạn 2019-2023 tại Ủy ban nhân dân huyện Xuân Lộc

Sáng ngày 25/4/2024, đồng chí Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại nông trường, Ban Quản lý rừng phòng hộ giai đoạn 2019-2023 tại UBND huyện Xuân Lộc; cùng tham gia đoàn giám sát có các đồng chí: Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Như Ý, TUV, đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; Đỗ Huy Khánh, đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Thổ Út, đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; Võ Văn Phi, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo báo cáo của đại diện UBND huyện Xuân Lộc, tổng diện tích quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc là 10.374,39 ha; trong đó đất lâm nghiệp nằm trên địa bàn huyện Xuân Lộc là 10.028,55ha, nằm trên địa bàn huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận là 343,44 ha; đất nông nghiệp khác 1,3ha; đất phi nông nghiệp 1,1ha. Hiện trạng đất lâm nghiệp của ban quản lý tính đến ngày 31/12/2023 gồm 9.486,01ha (9.464,94 rừng trồng, 21,07ha rừng tự nhiên), 80,09ha đất chưa có rừng, 462,45ha đất khác; có 2.253 hộ gia đình đang canh tác, nhận khoán. Tuy nhiên, để phục vụ thi công các công trình như tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tuyến đường Xuân Hưng – Xuân Tâm, Xuân Trường – Xuân Thành, từ năm 2019-2023, ban quản lý đã bàn giao 12,73ha theo các quyết định của cấp có thẩm quyền. Về tổ chức bộ máy của Ban quản lý gồm Ban giám đốc, 02 phòng nghiệp vụ và 06 phân trường.

Ông Hoàng Đình Long, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc báo cáo tại cuộc họp

Hiện nay, hầu hết diện tích rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc là rừng trồng được hình thành qua thực hiện các chương trình, dự án: chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc; dự án 5,0 triệu ha rừng; từ năm 2019-2023, ban quản lý tổ chức trồng rừng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, tập trung trồng bổ sung cây gỗ lớn nâng cao chất lượng rừng phòng hộ, trồng lại, khai thác rừng sản xuất, trồng rừng chuyển đổi từ diện tích trồng cây công nghiệp. Ban Quản lý rừng tổ chức sản xuất theo 03 hình thức: trực tiếp tổ chức trồng rừng, giao khoán cho các hộ gia đình trồng rừng và hợp tác với các doanh nghiệp để trồng rừng; đã hoàn thành công tác cắm mốc ranh giới với địa phương, mốc ranh giới tiểu khu, hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đã thiết lập hợp đồng giao khoán theo quy định của Nhà nước tại từng thời điểm cho 2.142 hộ/2.253 hộ, diện tích 6.682ha/6.947,97ha, đạt 95% về số hộ, 96,2% về diện tích; công tác phòng chát chữa cháy rừng thực hiện tốt, không để xảy ra vụ cháy gây thiệt hại đến cây rừng.

 

Quang cảnh cuộc họp

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: công tác bảo vệ rừng còn xảy ra nhiều và phức tạp, tập trung tại khu vực có nhiều người dân tộc thiểu số thuộc tiểu khu 204, 205 phân trường Trảng Táo, địa bàn ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm và ấp 3A xã Xuân Hưng chủ yếu các hành vi khai thác rừng trồng phòng hộ trái phép, vận chuyển trái phép lâm sản, xây nhà trái phép trên đất giao khoán; công tác thiết lập hợp đồng giao khoán theo Nghị định 168/NĐ-CP của Chính phủ chưa hoàn thành, đến nay, còn 111 hộ, canh tác trên diện tích 265 ha chưa lập hợp đồng khoán; còn nhiều diện tích rừng giao khoán cho hộ dân có cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, tỷ trọng diện tích trồng cây công nghiệp, cây ăn trái cao hơn diện tích trồng cây gỗ lớn; việc áp dụng các biện pháp thâm canh trồng rừng chưa nhiều, tình trạng sâu bệnh hại rừng xảy ra khá nhiều nhưng chưa có biện pháp phòng trừ thật sự hữu hiệu; quy định về thăng hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức quản lý bảo vệ rừng còn nhiều vướng mắc; việc lập hồ sơ về đất đai, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai của ban quản lý gặp nhiều vướng mắc, khó khăn do sự thiếu thống nhất giữa các quy định…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Phi, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nhiều năm nay tỉnh giữ độ che phủ rừng cao nhất khu vực miền Nam và duy trì tỷ lệ che phủ rừng 28,92%. Hiện tại, công tác quản lý đất rừng của nhà nước và mong muốn của người dân có sự khác nhau dẫn đến nảy sinh những bất cập, mâu thuẫn; do đó cần có chính sách phù hợp để người dân và ban quản lý rừng hợp tác với nhau trong công tác quản lý, sử dụng đất rừng.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh rà soát lại các kiến nghị của huyện để có lộ trình giải quyết cụ thể, nhanh chóng đảm bảo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất rừng, đồng thời, giải quyết dựa trên lợi ích thiết thực của người dân; tăng cường công tác quản lý, không để quản lý, sử dụng đất rừng trở thành điểm nóng; đồng chí yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh, dựa vào chức năng nhiệm vụ của mình, rà soát lại các kiến nghị, chỉ đạo quyết liệt, giải quyết theo thẩm quyền, quy định; đồng thời, đề nghị Ban Quản lý rừng phòng hộ tăng cường công tác tuyên truyền, cố gắng biến rừng thành nguồn sống; bên cạnh đó, tăng cường việc cắm mốc ranh giới cho chính xác và tổ chức bộ máy hợp lý, rà soát lại diện tích đất được giao phải đảm bảo đúng luật; liên quan chính sách cho người lao động, thu nhập, cuộc sống của người lao động, tạo điều kiện giải quyết khó khăn đời sống cho người lao động; đề nghị UBND huyện Xuân Lộc siết chặt hơn nữa kỹ cương trong việc khai thác rừng phòng hộ trái phép, bất hợp pháp, chống tiêu cực trong công tác bảo vệ rừng.

Mỹ Dung

Tag:

File đính kèm