(CTT-Đồng Nai) - Trong chương trình đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức với thanh niên Đồng Nai năm nay, nhiều vấn đề văn hóa được đoàn viên, thanh niên quan tâm. Đoàn viên, thanh niên đặt câu hỏi, đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức
Gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc Là một trong những thanh niên đồng bào dân tộc Chăm tham gia Chương trình Đối thoại, chị A Mi Roh (huyện Long Thành) quan tâm đến việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số. Trước tốc độ đô thị hóa, bùng nổ thông tin hiện đại, sự giao lưu văn hóa diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ khiến văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm nói riêng và các dân tộc nói chung, đang đứng trước những thách thức lớn. Chị A Mi Roh đặt vấn đề thời gian tới Đồng Nai có những chính sách và phương hướng nào để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Hồng Ân cho hay, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số thời gian qua luôn các cấp, các ngành, địa phương quan tâm. Đồng Nai đã ban hành, triển khai nhiều đề án liên quan đến phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, ngành văn hóa đã tổ chức sưu tầm, kiểm kê các hiện vật liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần đồng bào; tổ chức các lễ hội truyền thống của đồng bào Chơro, Mạ; mở các lớp dạy tiếng nói, chữ viết cho đồng bào Chăm, Chơro; thực hiện mô hình du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
“Ngày 12-12-2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trong cho sự phát triển toàn diện và bền vững. Nghị quyết có rất nhiều nội dung liên quan đến các dân tộc thiểu số. Đây là cơ sở quan trọng để Đồng Nai thực hiện bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong thời gian tới” - ông Ân cho biết.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích được các cấp, các ngành quan tâm, song trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều di tích xuống cấp, cần được trùng tu, tôn tạo. Chị Trần Thị Thắm (Thành đoàn Biên Hòa) quan tâm đến lộ trình trùng tu, tôn tạo di tích và những giải pháp để phát huy giá trị di tích, đưa di sản đến gần với người trẻ.
Liên quan vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, trong năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2028. Theo đó, sẽ có 13 di tích quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh được bảo quản, tu bổ, phục hồi. Với các di tích phát sinh các nguyên nhân gây xuống cấp, các sở, ngành, đơn vị, địa phương được phân cấp quản lý có thể linh hoạt đưa vào kế hoạch tu sửa cấp thiết theo đúng quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh: “Để đưa di tích đến với Nhân dân, nhất là thanh thiếu nhi, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, bảo tồn và phát huy giá trị di sản được các cấp, các ngành phối hợp thực hiện. Từ tổ chức các cuộc thi tìm hiểu giá trị văn hóa di tích đến mã hóa địa chỉ đỏ, xuất bản ấn phẩm di tích, xây dựng tour tham quan di tích bằng công nghệ số… Qua đó, quảng bá và lan tỏa di sản trong các tầng lớp Nhân dân”.
Cập nhật kiến thức, kỹ năng cho thanh niên Liên quan đến sử dụng mạng xã hội, chị Võ Thị Ngọc Bích (Trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu, thành phố Long Khánh) bày tỏ, mạng xã hội được ví như “con dao 2 lưỡi” tiềm ẩn hiểm họa khó lường đối với thanh thiếu niên. Những biện pháp nào để quản lý thông tin giúp thanh niên bảo vệ, phòng tránh, cũng như các chế tài đã thực hiện để răn đe những cá nhân cố tình vi phạm, lan truyền những thông tin không chính thống.
Trả lời câu hỏi của chị Ngọc Bích, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh cho biết, một trong những biện pháp được triển khai là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là thanh niên, bằng nhiều hình thức, thường xuyên cập nhật thông tin liên quan để cảnh báo; trang bị kỹ năng cho thanh niên để họ nhận diện được các thông tin xấu, độc; phát huy tinh thần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, thanh niên cần cập nhật thông tin ở các báo, đài, các trang mạng chính thống… Riêng về chế tài, với các hành vi vi phạm liên quan, cơ quan chức năng sẽ căn cứ xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên lĩnh vực quản lý nhà nước, đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, đoàn viên thanh niên cần nhận thức rõ vai trò an toàn thông tin trong thời đại số. Khi sử dụng mạng xã hội, người trẻ luôn ý thức, thái độ và văn hóa sử dụng mạng xã hội tích cực; tự trang bị kiến thức và cập nhật thông tin. Trên không gian ảo phải luôn chủ động kiểm chứng, xác thực thông tin.