Sign In

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chủ trì buổi tiếp hơn 82 công dân ở Xuân Lộc

15:22 27/12/2024


(CTT-Đồng Nai) - Ngày 27-12, tại Trung tâm Hội nghị và Tổ chức sự kiện tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã chủ trì buổi tiếp công dân. Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND huyện Xuân Lộc, UBND xã Xuân Tâm.
Các công dân được tiếp gồm: 82 công dân hiện đang canh tác đất liên quan đến Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã chủ trì buổi tiếp công dân

 

1. Nội dung trình bày đại diện của công dân:
- Nguồn gốc đất: từ năm 1987, các hộ dân ký hợp đồng liên kết với Lâm trường Xuân Lộc; sau đó, Lâm trường không thực hiện đúng các cam kết theo hợp đồng. Các hộ dân tự khai hoang, trồng cây rừng (Sao đen, Dầu rái), tự tổ chức sản xuất, nộp thuế nông nghiệp đầy đủ. Đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng hộ dân.
- Về khai thác rừng: cây rừng do người dân tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng (Sao đen, Dầu rái, Cao su, Điều, … ) khi quy hoạch rừng phòng hộ không tiến hành điều tra, khảo sát thực tế, không lấy ý kiến của người dân, không có sự đồng thuận của người dân. Khi khai thác rừng do người dân tự bỏ vốn đầu tư thì bị cơ quan chức năng quy chụp là khai thác rừng trái pháp luật.
- Khi người dân tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng thì kinh phí Nhà nước cấp cho Lâm trường từ khi thành lập đến nay để thực hiện công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng đi đâu?

2. Ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Về nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc:
Lâm trường Xuân Lộc được thành lập theo Quyết định số 1232/QĐ-UBT ngày 24/12/1977 của Chủ tịch UBND Tỉnh Đồng Nai, với tổng diện tích được giao quản lý là 18.350,00 ha.
Trong giai đoạn 1985-1993, UBND Tỉnh điều chỉnh lại diện tích của Lâm trường, cắt một phần đất Lâm trường chuyển giao cho địa phương quản lý nhưng các khu vực làng Mán, làng Tàu, thuộc ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm và ấp 3, xã Xuân Hưng vẫn nằm trong phạm vi ranh giới của Lâm trường.
Ngày 16/03/2007, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 604/QĐ-UBND phê duyệt Đề án chuyển đổi Lâm trường Xuân Lộc thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc với tổng diện tích được giao quản lý là 9.917,80 ha.
Năm 2007, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, Lâm trường Xuân Lộc đã tiến hành rà soát hiện trạng sử dụng đất theo Thông tư số 04/TT-BTNMT ngày 18/7/2005 đồng thời phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Xuân Lộc, các xã liên quan xác định ranh giới của Lâm trường trên bản đồ và thực địa.
Năm 2010, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh đã triển khai việc lập bộ bản đồ giải thửa hiện trạng đất lâm nghiệp. Trên cơ sở bản đồ giải thửa mới đơn vị đã phối hợp Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh lập hồ sơ rà soát lại hiện trạng sử dụng đất và kết quả rà soát đã được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 03/01/2014 với diện tích 10.050,05 ha (có 1,1 ha đất vườn ươm đã cấp giấy nên không đưa vào rà soát). Đến nay, toàn bộ diện tích đất sản xuất lâm nghiệp đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ).

Công dân trình bày kiến nghị tại buổi tiếp


- Về công tác quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp:
+ Kết quả thực hiện công tác quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp:
- Trước năm 2008, lâm phận Ban quản lý chưa có quy hoạch 3 loại rừng, việc xác định chức năng phòng hộ hay sản xuất của rừng được căn cứ vào loài cây trồng rừng; trong đó những diện tích rừng trồng thuần cây gỗ lớn hoặc hỗn giao cây gỗ lớn với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm được xác định rừng có chức năng phòng hộ.
- Thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05/12/2005, UBND tỉnh đã triển khai lập quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác quy hoạch này do đơn vị tư vấn chuyên ngành lập theo các tiêu chí quy định tại Quyết định số 61/2005/QĐ-BNN ngày 12/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Bản quy định về tiêu chí phân cấp rừng phòng hộ gồm 3 cấp: rất xung yếu (RXY), xung yếu (XY) và ít xung yếu (IXY). Kết quả rà soát, lập quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Đồng Nai được Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 4505/QĐ-UBND ngày 29/12/2008. Theo đó, toàn bộ diện tích 412,89 ha rừng và đất lâm nghiệp tai khu vực làng Mán, làng Tàu của Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đều thuộc quy hoạch rừng phòng hộ ít xung yếu (IXY).

Thực hiện Quyết định số 845/QĐ-BNN-TCLN ngày 16/3/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về ban hành bộ tiêu chí rà soát diện tích quy hoạch đất rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu chuyển sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất. Kết quả rà soát do đơn vị tư vấn thực hiện. Đối chiếu điều kiện lập địa và các tiêu chí quy định toàn bộ diện tích 412,89 ha khu vực làng Mán, làng Tàu là rừng phòng hộ ít xung yếu (IXY), đáp ứng tiêu chí chuyển đổi sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất. Ban quản lý đã thống nhất với đơn vị tư vấn đề nghị chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất tại Biên bản cuộc họp ngày 09/10/2017.
- Ngày 19/10/2018, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 3660/QĐ-UBND phê duyệt kết quả rà soát chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất và kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 vẫn giữ nguyên diện tích trên thuộc rừng phòng hộ, không chuyển đổi thành quy hoạch rừng sản xuất.

Căn cứ Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định 156/2018/NĐ-CP, toàn bộ diện tích 412,89 ha của BQL khu vực làng Mán, làng Tàu không đạt tiêu chí là rừng phòng hộ do không đáp ứng các tiêu chí về địa hình, lượng mưa, thành phần cơ giới và độ dày tầng đất. Do đó, ngày 16/12/2019, Ban quản lý có Tờ trình số 37/TTr-BQLRPH gửi Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai xin chủ trương, rà soát chuyển đổi quy hoạch rừng phòng hộ thành quy hoạch rừng sản xuất. Ngày 25/02/2020, Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai có Công văn số 669/SNN-CCKL về việc trả lời ý kiến xin chủ trương rà soát, chuyển đổi quy hoạch rừng phòng hộ thành quy hoạch rừng sản xuất của Ban quản lý, trong đó nêu rõ “Quyết định số 3660/QĐ-UBND ngày 19/10/2018 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Đồng Nai phù hợp với quy hoạch Lâm nghiệp chung của cả nước… Do đó việc rà soát, chuyển đổi quy hoạch rừng phòng hộ sang quy hoạch rừng sản xuất theo đề nghị của Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc sẽ thực hiện cùng quy hoạch Lâm nghiệp cấp quốc gia trong thời gian tới”.

Như vậy, việc quy hoạch 3 loại rừng, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói chung và tại Ban quản lý nói riêng được đơn vị tư vấn chuyên ngành thực hiện theo chủ trương Nhà nước, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Kết quả quy hoạch, rà soát chuyển đổi quy hoạch được Bộ NN&PTNT thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt và UBND các cấp công bố quy hoạch.

Các công dân là đồng bào dân tộc dự buổi tiếp


- Về thực hiện quy hoạch 3 loại rừng
+ Thực hiện Quyết định số 4505/QĐ-UBND ngày 29/12/2008 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2007-2015, Thông tư số 24/2009/TT-BNN ngày 5/5/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn chuyển đổi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được quy hoạch sang rừng sản xuất và ngược lại từ rừng sản xuất được quy hoạch thành rừng phòng hộ, đặc dụng sau rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 1809/SNN-LN ngày 3/9/2009 về việc triển khai thực hiện Thông tư số 24/2009/TT-BNN, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đã xây dựng phương án chuyển đổi rừng trình Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp các sở liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Kết quả, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2140/QĐ-UBND ngày 29/8/2011 về việc phê duyệt Phương án chuyển đổi rừng, cụ thể: Tổng diện tích chuyển đổi rừng 2.797,2 ha, trong đó: chuyển đổi thành rừng phòng hộ 2.178,3 ha, chuyển đổi rừng sản xuất 618,9 ha.
+ Theo nội dung Phương án, đây là quy hoạch 3 loại rừng lần đầu, không phải là quy hoạch lại, nên đối với diện tích nằm trong vùng quy hoạch rừng phòng hộ, nếu có cây trồng chính phù hợp với chức năng phòng hộ thì không chuyển đổi mà chỉ áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh để nâng cao chất lượng và tính năng phòng hộ của rừng
+ Đối với diện tích thuộc khu vực làng Mán, làng Tàu, hiện trạng rừng tại thời điểm xây dựng phương án chuyển đổi rừng theo Thông tư 24/2009/TT-BNN diện tích rừng này đã được các hộ dân trồng theo mô hình nông – lâm kết hợp (cây gỗ lớn bản địa, cây lâu năm) được xác định là rừng có chức năng phòng hộ, phù hợp với Quyết định số 61/2005/QĐ-BNN ngày 12/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành quy định về tiêu chí phân cấp rừng phòng hộ, Quyết định số 4505/QĐ-UBND ngày 29/12/2008 của UBND tỉnh Đồng Nai nên không thuộc đối tượng chuyển đổi thành rừng phòng hộ.

- Tình hình canh tác, sản xuất trên đất lâm nghiệp của các hộ dân là người làng Mán, làng Tàu tại Ban quản lý
+ Quá trình hình thành khu vực làng Mán, làng Tàu:
Vào những năm 1985, 1986, một số hộ dân tộc Mán đến khai phá rừng làm rẫy ở khu vực phân trường 5, sát hồ Núi Le (nay là khu vực tiểu khu 206, phân trường Núi Le). Do bị lực lượng bảo vệ rừng của Lâm trường kiểm tra ngăn chặn, họ đã chuyển đến khu vực rừng tự nhiên thuộc tiểu khu I (nay là tiểu khu 204, 205), Phân trường Trản Táo để phát rừng làm rẫy. Lực lượng bảo vệ của Lâm trường và Phân trường Trản Táo đã tổ chức kiểm tra ngặn chặn, giải toả nhưng các hộ dân vẫn tiếp tục lén lút khai phá rừng làm rẫy theo kiểu “da beo”.
Để kìm chế và ngăn chặn tình trạng phá rừng, phục hồi diện tích rừng đã bị phá, ổn định đời sống và sản xuất cho bà con, thực hiện Quyết định số 1571/QĐ-UBT ngày 04/11/1986 của UBND tỉnh Đồng Nai "Quyết định ban hành quy định tạm thời cho các đơn vị quốc doanh lâm nghiệp được tố chức các hộ gia đình CNV và các đơn vị tập thể nhận đất trồng rừng, nhận rừng để chăm sóc bảo vệ cho đến khi thu hoạch" và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện Xuân Lộc (cũ) lần thứ IV, năm 1987, Lâm trường Xuân Lộc đã tổ chức cho các hộ dân nói trên hợp đồng trồng rừng theo mô hình nông lâm kết hợp (trồng cây Tiêu, Cà phê dưới tán rừng cây Sao, Dầu) theo hình thức hợp đồng tập thể. Ông Đặng Đức Quang, đại diện cho các hộ dân tộc Mán (Dao) đứng tên hợp đồng. Cùng thời điểm đó, ông Nguyễn văn Dũng (Bảy Võ) ngụ tại Xuân Tâm, đại diện các hộ dân tại chỗ và một số người dân tộc Hoa cũng vào xin nhận hợp đồng với Lâm trường tại khu vực Bưng Kè, tiếp giáp với các hộ dân tộc Mán, từ đó hình thành nên khu vực làng Mán, làng Tàu (còn gọi là khu Bưng Kè) như ngày nay.


Theo địa giới hành chính được xác định theo Chỉ thị số 364/CT ngày 06/01/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, toàn bộ khu vực làng Tàu nằm trên địa bàn xã Xuân Tâm còn khu vực làng Mán nằm trên địa bàn 2 xã Xuân Tâm và Xuân Hưng. Trong những năm đầu thực hiện hợp đồng liên kết với Lâm trường, khu vực làng Mán có 30 hộ đều là người dân tộc Dao, diện tích hợp đồng khoảng 65,30 ha; khu vực làng Tàu có 38 hộ, diện tích hợp đồng khoảng 52,7 ha. Sau đó, các hộ dân lấn chiếm, mở rộng diện tích canh tác; cùng với việc một số hộ dân từ nơi khác đến khu vực kế cận phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm rẩy diễn ra rất nghiêm trọng. Trước tình hình đó, nhằm khai thác tiềm năng về lao động và đất đai để khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng rừng mới phủ xanh đất trống, xây dựng kinh tế hộ gia đình theo mô hình lâm nghiệp xã hội, gắn quản lý bảo vệ và phát triển vốn rừng với ổn định dân cư trong lâm phận; thực hiện Quyết định số 327/CT ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng “Về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước”, Lâm trường Xuân Lộc xây dựng Dự án Lâm - Nông nghiệp giai đoạn 1993 - 1997. Sau khi Dự án được Bộ Lâm nghiệp thẩm định, được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, Lâm trường đã tổ chức triển khai thực hiện. Khu vực này tăng dần lên cả về số hộ và diện tích, đến nay khu vực Làng Mán có 73 hộ (có 50 hộ dân tộc Mán) với khoảng 415 nhân khẩu canh tác trên diện tích 285,51 ha tập trung; khu vực làng Tàu có 76 hộ (có 31 hộ dân tộc Hoa) với khoảng 370 nhân khẩu, canh tác trên diện tích 127,38 ha.

Hiện nay, tại khu khu vực làng Mán (tiểu khu 204 và một phần tiểu khu 205), làng Tàu (tiểu khu 205) Phân trường Trản Táo có 149 hộ đang canh tác 412,89 ha đất được nhà nước giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc.

Quang cảnh buổi tiếp công dân


- Về thực hiện công tác giao khoán
+ Về giao khoán trên lâm phận Ban quản lý
Tổng diện tích hộ dân canh tác trên toàn lâm phận: 2.226 hộ, diện tích 6.795,18 ha, trong đó:
+ Đã lập hợp đồng giao khoán 2.116 hộ, diện tích 6.532,82 ha.
+ Chưa lập hợp đồng giao khoán 110 hộ, diện tích 262,36 ha.
- Về giao khoán tại khu vực làng Mán, làng Tàu
Năm 1987, Lâm trường Xuân Lộc ký Hợp đồng liên kết trồng cà phê, tiêu dưới tán rừng gỗ lớn theo hình thức tập thể cho 2 nhóm hộ: Diện tích 118,00 ha - 68 hộ (Khu vực các hộ dân tộc Dao (Mán) tiểu khu 205 diện tích hợp đồng 65,30 ha - 30 hộ, khu vực Bưng kè phần lớn là người Hoa, tiểu khu 204 diện tích hợp đồng 52,70 ha - 38 hộ.
Thực hiện chính sách của Nhà nước qua từng thời kỳ, hiện nay tình hình giao khoán tại khu vực Làng Mán Làng tàu như sau:
+ Có hợp đồng khoán: 139 hộ - 341,60 ha, trong đó:
Giao khoán theo khoản 3, Điều 12, Nghị định 02/CP: 50 hộ - 112,45 ha
Giao khoán theo Nghị định 01/CP: 66 hộ - 172,15 ha
Giao khoán theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP: 23 hộ - 56,99 ha.
Chưa có hợp đồng khoán: 10 hộ - 71,30 ha.

- Quy định về khai thác rừng trồng phòng hộ
+ Tại Khoản 3 Điều 55 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định “3. Đối với rừng phòng hộ là rừng trồng, được quy định như sau: a) Được khai thác cây phụ trợ, chặt tỉa thưa khi rừng trồng có mật độ lớn hơn mật độ quy định; b) Được khai thác cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác theo phương thức khai thác chọn hoặc chặt trắng theo băng, đám rừng; c) Sau khi khai thác, chủ rừng phải thực hiện việc tái sinh hoặc trồng lại rừng trong vụ trồng rừng kế tiếp và tiếp tục quản lý, bảo vệ”.
+ Tại Khoản 3, Điều 20 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ), quy định “ a) Đối tượng: theo quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật Lâm nghiệp; b) Điều kiện: chủ rừng phải lập phương án khai thác gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; c) Phương thức khai thác: Khai thác tỉa thưa cây trồng chính thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các biện pháp lâm sinh. Khai thác chọn cây trồng chính với cường độ mỗi lần không quá 20% trữ lượng trong lô, sau khai thác bảo đảm độ tàn che tối thiểu là 0,6 và phân bố đều trong lô; đối với rừng ngập mặn, ngập phèn mật độ cây trồng chính để lại sau khai thác chọn ít nhất 1.500 cây/ha và phân bố đều trong lô. Khai thác trắng theo băng với chiều rộng băng không quá 30 m; khai thác trắng theo đám với diện tích đám khai thác không quá 3 ha, tổng diện tích khai thác hằng năm không vượt quá 20% tổng diện tích rừng đã đạt tiêu chuẩn phòng hộ của khu rừng.”.
+ Trình tự, thủ tục khai thác theo điểm e Khoản 1 và điểm d Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 2 Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực Lâm nghiệp), cụ thể:
+ Các trường hợp phê duyệt phương án khai thác: Khai thác chính, khai thác tận dụng, khai thác tận thu gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng phòng hộ là rừng trồng;
- Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt phương án khai thác.
- Đảm bảo đối tượng và điều kiện nêu trên, chủ rừng lập hồ sơ phương án khai thác theo Mẫu số 11 phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 26 gửi Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét, phê duyệt. Trường hợp rừng trồng của các hộ tự đầu tư, chủ rừng cũng tổng hợp lập hồ sơ phương án trình phê duyệt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng kết luận tại buổi tiếp

 

3. Kết luận của người chủ trì
Do diễn biến, buổi tiếp có một số công dân cung cấp thêm một số tài liệu liên quan đến việc canh tác, sử dụng đất, việc trồng cây rừng, chất vấn Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc về việc quản lý, sử dụng đất, bảo vệ rừng nên chủ trì buổi tiếp quyết định dừng buổi tiếp công dân để giao cho cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát. Cụ thể như sau:
- Giao Thanh tra tỉnh rà soát lại hồ sơ để kiểm tra, đánh giá xem có đủ điều kiện để thanh tra lại vụ việc mà Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện hay không đủ điều kiện thanh tra lại; báo cáo bằng văn bản lên Chủ tịch UBND tỉnh trong tháng 02/2025.
- Giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp UBND huyện Xuân Lộc hướng dẫn quy trình, thủ tục khai thác cây trồng để giải quyết cho các hộ theo đúng quy định.
- Giao UBND huyện Xuân Lộc chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban QLRPH Xuân Lộc rà soát về hoàn cảnh, đối tượng, tiêu chí,.. để đề xuất được hưởng các chế độ chính sách hiện hành.
- Giao UBND huyện Xuân Lộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các chính sách về đất đai cho bà con và các chính sách hỗ trợ khác theo Nghị quyết số 16/2024/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai.

TTĐT

Tag:

File đính kèm