Sign In

Ngành Nông nghiệp vượt thách thức đạt tăng trưởng cao trong năm 2024

11:31 28/12/2024


(CTT-Đồng Nai) - Chiều ngày 27-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc

Cùng tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chủ trì tại điểm cầu Đồng Nai.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chủ trì tại điểm cầu Đồng Nai

Lập kỷ lục về xuất khẩu

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Nông nghiệp Việt Nam vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng. Nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh, chủ lực tiếp tục được mở rộng thị trường. Nông nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà.

Cụ thể, năm 2024, giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt mức tăng trưởng 3,3%, tỉ lệ che phủ rừng đạt hơn 42%; tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7%; tỉ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 58%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy​ sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.

Trong đó, nhiều nông sản đã đạt kỷ lục mới về xuất khẩu với 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD, tăng thêm 1 sản phẩm so với năm 2023. Cụ thể, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,2 tỷ USD, tăng 20,3%; rau quả đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng hơn 27%; gạo đạt 5,75 tỷ USD, tăng 23%; cà phê đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng hơn 29%; hạt điều đạt gần 4,4 tỷ USD, tăng 20,2%; tôm đạt 3,86 tỷ USD, tăng 14%; cao su đạt 3,46 tỷ USD, tăng 19,6%.

Ngành chuyển đổi mạnh tư duy sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản. Từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đã tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án "phát triển bền vững 1 triệu hécta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030...

Năm 2024, xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam tăng ấn tượng. Ảnh: Vùng trồng sầu riêng xuất khẩu tại huyện Cẩm Mỹ

Vượt thách thức, khó khăn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, năm 2024, Ngành Nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt 15/15 chỉ tiêu Trung ương, quốc hội giao, góp phần vào thành tích chung phát triển kinh tế xã hội. Thành tích lớn nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm nay là thực hiện tốt công tác phòng chống và khắc phục thiên tai; đặc biệt là sự cố cơn bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc. Trong đó, công tác tham mưu, điều tiết các hồ đập thủy lợi được thực hiện rất tốt trong tình hình chỉ cần 1 quyết định không đúng là gây ra hậu quả khôn lường. Vai trò này còn thể hiện trong việc nhanh chóng đảm bảo tình hình an ninh, không để người dân nào bị bỏ rơi và nhanh chóng phục hồi, ổn định sản xuất.

Thể hiện tinh thần biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể trong tình hình thị trường thế giới bị đứt gãy; trong nước thì sụt lún, sạt lở, ngập úng, khô hạn nhưng Ngành Nông nghiệp vẫn vượt lên, đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu trái cây, thủy sản vượt mục tiêu. Những thành tích trên cần được khắc họa, tuyên truyền, nhấn mạnh để cho thấy sự tự tin, tự lực, tự cường đi lên của toàn ngành. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp đã thực hiện tốt việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo...

Bên cạnh kết quả đáng phấn khởi, ngành Nông nghiệp cần nhìn vào những hạn chế đó là chưa phát triển ngang tâm với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, nhất là truyền thống lịch sử văn hóa, văn minh lúa nước. Công tác quy hoạch, chiến lược, xây dựng thể chế, cơ chế chính sách phục vụ cho phát triển nhanh và bền vững của ngành vẫn còn hạn chế...

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng xây dựng giá trị thương hiệu cho nông sản; Khoa học công nghệ phải vào cuộc làm chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu; Ngân hàng vào cuộc để có nguồn vốn đầu tư. Điều quan trọng là tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, xem đây là "đột phá của đột phá" để tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn" để thúc đẩy phát triển bền vững. Tư tưởng chủ đạo là nông dân phải được ấm no, hạnh phúc hơn; nông thôn hiện đại hơn; nông nghiệp tiên tiến hơn.
Song Lê

Tag:

File đính kèm