Sign In

Chương trình OCOP nâng lên tầm cao mới

14:26 31/12/2024


(CTT-Đồng Nai) - Năm 2024, toàn tỉnh có thêm 94 sản phẩm mới đạt OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Trong đó, có 79 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, đạt 247% so kế hoạch đề ra; có 15 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, đạt 150% kế hoạch đề ra.

Khách tham quan khu trưng bày các sản phẩm OCOP tại lễ công bố quyết định công nhận sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) Đồng Nai năm 2024

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 282 sản phẩm của 165 chủ thể đạt chứng nhận OCOP. Trong đó, có 9 sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao cấp quốc gia đang trình hồ sơ xét, cấp chứng nhận. Điều này càng khẳng định chương trình OCOP của tỉnh không chỉ tăng nhanh về số lượng sản phẩm mà chất lượng của chương trình đã nâng lên tầm cao mới.

Đứng đầu Đông Nam bộ về số lượng sản phẩm OCOP

Năm 2019, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Chương trình OCOP với mục tiêu giai đoạn 2019-2020, toàn tỉnh xây dựng được hơn 10 sản phẩm OCOP. Kết quả, đến năm 2020, toàn tỉnh đã có hàng chục sản phẩm OCOP được công nhận và hiện tăng lên con số hàng trăm. Số lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng nhanh theo từng năm. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 282 sản phẩm của 165 chủ thể đạt chứng nhận OCOP. Trong đó, có 9 sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao cấp quốc gia đang trình hồ sơ xét, cấp chứng nhận.

Hiện Đồng Nai đang đứng đầu khu vực Đông Nam bộ về số lượng sản phẩm OCOP. Điều ấn tượng là các địa phương trên địa bàn tỉnh khai thác tốt thế mạnh nông sản của địa phương, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các hợp tác xã (HTX) trong làm sản phẩm OCOP. Nhờ vậy, đến nay, nhiều loại nông sản thế mạnh của các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đạt chứng nhận OCOP.

Trong đó, huyện Xuân Lộc là một trong những địa phương triển khai hiệu quả chương trình OCOP. Đến nay, huyện đã có nhiều sản phẩm nông sản đạt chứng nhận OCOP như: sầu riêng của HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định; sản phẩm chôm chôm của HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại Bảo Hòa; xoài xanh của HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại và du lịch Suối Lớn; rau xà lách gai của HTX Rau an toàn Lộc Tiến; tiêu đen của HTX Hồ tiêu Xuân Thọ...

Theo Bí thư huyện ủy Xuân Lộc Lê Kim Bằng, huyện đang phấn đấu có nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4-5 sao. Chương trình OCOP thực sự góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất theo tập quán, nhỏ lẻ sang sản xuất kinh tế thị trường, giúp người sản xuất đổi mới tư duy, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều sản phẩm OCOP đẹp, chất lượng tốt, sản xuất theo đúng các quy định của Nhà nước không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước, được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, giúp kinh tế nông thôn từng bước phát triển.

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn Đồng Nai đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu đạt thêm 88 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó có 3 sản phẩm đạt OCOP 5 sao và nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Tỉnh đề ra nhóm giải pháp sẽ thực hiện là tập trung tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng tại địa phương; tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn triển khai về Chương trình OCOP. Đặc biệt, chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu của thị trường.

Xây dựng thương hiệu cho nông sản

Điều ấn tượng là các chủ thể đầu tư làm sản phẩm OCOP ngoài các doanh nghiệp, đa số các chủ thể đầu tư làm sản phẩm OCOP là các HTX và tổ hợp tác.Tham gia Chương trình OCOP, nông dân, tổ hợp tác, các HTX dần thay đổi nhận thức về xây dựng câu chuyện sản phẩm. Họ không chỉ chăm chút ở khâu sản xuất, nhiều chủ thể OCOP ngày càng quan tâm đầu tư bao bì, mẫu mã, nhãn hàng, thương hiệu gắn với đẩy mạnh quảng bá, phát triển thị trường cho sản phẩm.

Ông Trương Văn Mỹ, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát (huyện Xuân Lộc) cho biết, HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ ca cao với quy mô hơn 100 hécta với 100 hộ nông dân tham gia. HTX đã ký kết tiêu thụ với các công ty nước ngoài bao tiêu đầu ra cho nông dân. Hiện HTX cũng có 2 sản phẩm chế biến đạt chứng nhận OCOP là bột ca cao nguyên chất và Socola sữa. HTX cũng đã làm nhãn hiệu hàng hóa là Ca cao Thành Ý. Ngoài việc chế biến sâu sản phẩm làm ra để phục vụ thị trường, HTX đã kết hợp được phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững với du lịch trải nghiệm để quảng bá, tăng độ nhận diện về thương hiệu nông sản với người tiêu dùng. Nhờ đó, HTX vinh dự được Viện Nghiên Cứu Châu Á quyết định cấp chứng nhận đạt Top 10 Thương Hiệu Xuất Sắc Châu Á năm 2024.

Cùng quan điểm, Anh Hiếu Lê, Phó Giám đốc công ty TNHH hạt điều Nga Biên (huyện Xuân Lộc) chia sẻ, trước đây, doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu nhân hạt điều. Vài năm trở lại đây, doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, và hiện có trên 20 sản phẩm chế biến từ hạt điều giới thiệu ra thị trường. Doanh nghiệp cũng chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và hiện đã có 8 sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao. Hiện doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ để nâng cấp nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao.

Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có gần 5 ngàn đơn đăng ký nhãn hiệu và có gần 3 ngàn đơn đăng ký nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó, nhiều sản phẩm là nông sản, sản vật nông nghiệp của các địa phương. Cụ thể, kết quả hỗ trợ theo Quyết định số 837/QĐ-UBND của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 255 đơn vị được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Trong đó, có đó có 95 nhãn hiệu thuộc lĩnh vực nông nghiệp như: xoài Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), sầu riêng Xuân Định, chôm chôm Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc), bưởi da xanh Ba Dẩu (huyện Trảng Bom), các sản phẩm chế biến từ sen của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (huyện Nhơn Trạch)…

Trong đó, toàn tỉnh có 2 nông sản được cấp chỉ dẫn địa lý là bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) với 2 giống bưởi đường lá cam và bưởi ổi, tổng diện tích trên 1,3 ngàn hécta. Sản phẩm còn lại được cấp chỉ dẫn địa lý là chôm chôm Long Khánh với 2 giống là chôm chôm java và chôm chôm nhãn với tổng diện tích trên 6,7 ngàn hécta. Ngoài ra, toàn tỉnh có nhiều nông sản đã được cấp nhãn hiệu tập thể.

Các chủ thể tham gia chương trình OCOP ngày càng đã chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ đầu tư để có mẫu mã, bao bì sản phẩm đẹp, tinh xảo, độc đáo, phát huy được lợi thế tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống. Nhờ đó, nhiều sản phẩm OCOP đã tham gia tốt vào thị trường xuất khẩu, được người tiêu dùng ở những thị trường có tiêu chuẩn cao như: châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản chấp nhận.
Song Lê

Tag:

File đính kèm