Sign In

Tăng cường đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng ta

10:28 19/04/2024
Vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, dân tộc, đất nước, các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước gia tăng luận điệu xuyên tạc lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân ta. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân cần tăng cường hơn nữa hoạt động đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc lịch sử: “Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam là khai hóa văn minh”.

        Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, trong đó, có nội dung về đấu tranh chống xuyên tạc lịch sử, phản bác các luận điệu “viết lại lịch sử”, hạ bệ thần tượng, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Do đó, tăng cường đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc lịch sử cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân trong và ngoài nước.     

Như thường lệ, mỗi khi Đảng, Nhà nước ta tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc (kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02); chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi (30/4), chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5)…), trên các nền tảng mạng xã hội, có luận điệu xuyên tạc lịch sử cho rằng, “Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam là sự khai hóa văn minh cho nước ta”, “Sự phong phú của nền văn hóa Việt Nam nhờ quá trình khai hóa qua xâm lược của thực dân Pháp”, “Cuộc xâm lược của thực dân Pháp đem lại sự đổi thay cho Việt Nam”… Đây hoàn toàn là các luận điệu xuyên tạc trắng trợn lịch sử nhằm hạ thấp vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc, chúng ta cần nhận diện, tăng cường đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc lịch sử, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Đối với thế giới, trong lịch sử thế giới cận đại, hiện đại, chủ nghĩa thực dân xâm lược là một cản trở đối với sự tiến bộ của nhân loại. Tuy nhiên, vẫn có những cá nhân, tổ chức do vô tình (không có thông tin đầy đủ, chính xác, khoa học), hoặc cố tình xuyên tạc sự thật khách quan của lịch sử, để biện minh ca ngợi, cổ súy cái gọi là “những đóng góp to lớn của chủ nghĩa thực dân phương Tây đối với các quốc gia thuộc địa ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ latinh”.  

Đối với nước ta, các thế lực thù địch trong và ngoài nước với các chiêu thức đã cũ, nhưng chúng lập đi lập lại, rêu rao rằng, thực dân Pháp xâm lược, cai trị nước ta từ năm 1858 là sự “khai hóa văn minh” đối với một đất nước lạc hậu, nghèo nàn. Nguy hiểm hơn, các thế lực phản động đưa ra những lập luận rằng, “mặc dù thời thuộc Pháp Việt Nam chưa giàu có, nhưng trước đó nước ta vẫn nghèo nàn, lạc hậu dưới chế độ phong kiến”, “hạ tầng cơ sở kỹ thuật như: đường sá, cầu cống, nhà cửa… nước ta đang sử dụng ngày nay đều do thực dân Pháp xây dựng, còn Đảng Cộng sản có làm được gì đâu…”.

Về bản chất của chủ nghĩa thực dân phương Tây nói chung, thực dân Pháp nói riêng đã được các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế làm rõ. Khi tiến hành xâm lược thuộc địa, các nước đế quốc thực dân luôn rêu rao giương cao ngọn cờ mị dân với khẩu hiệu “khai hóa văn minh” đối với các nước yếu thế, lạc hậu; tuy nhiên, Nguyễn Ái Quốc đã bóc trần bản chất của chúng là: “Đã từ lâu, chủ nghĩa tư bản phương Tây như con rắn nhiều đầu, thấy châu Âu là nơi quá chật hẹp để bóc lột và máu của vô sản châu Âu không đủ dồi dào để thỏa mãn thèm khát, nó bèn vươn những cái vòi khủng khiếp của nó tới khắp nơi của quả đất”[1]. 

Năm 1925, trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Nguyễn Ái Quốc viết: “Về hành chính và pháp lý: cả một vực thẳm cách biệt người Âu với người bản xứ. Người Âu hưởng mọi tự do và ngự trị như người chủ tuyệt đối; còn người bản xứ thì bị bịt mõm và bị buộc dây dắt đi, chỉ có quyền phải phục tùng, không được kêu ca, vì nếu anh ta dám phản đối thì anh ta liền bị tuyên bố là kẻ phản nghịch hoặc là một tên cách mạng, và bị đối xử đúng với tội trạng ấy”[2].

Để thuận lợi cho chính sách áp bức, bóc lột người dân Việt Nam, thực dân Pháp thực hiện chính sách “chia để trị”, làm suy giảm khối đoàn kết của nhân dân ta chống lại chúng, đó là “làm nguôi được tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong lòng người An Nam và tạo ra những mối xung khắc giữa anh em ruột thịt với nhau”[3].

Về luật pháp, công lý, chính quyền thực dân Pháp phân biệt đối xử thiên vị tuyệt đối giữa người Pháp và người Việt Nam, chúng có thể giết chết người dân vô tội, tàn sát các cuộc đấu tranh của Nhân dân ta chống lại chúng; thực dân Pháp tổ chức càn quét, cướp bóc tài sản của người dân, hãm hiếp phụ nữ; mọi quyền lợi kinh tế, chính trị của người dân nước ta bị chúng “bóp nghẹt tuyệt đối”, mọi sự bất công đều đè lên thân phận của người dân nô lệ Việt Nam. Điều này được Nguyễn Ái Quốc minh chứng: “Đối với người bản xứ, nó tồn tại như thế này đây: Người Âu nào đã giết chết, tàn sát hoặc cưỡng dâm người bản xứ, thì trong trường hợp vụ án không thể được ỉm hoàn toàn, anh ta chắc mẩm rằng được tòa án tha bổng, mình ra tòa chẳng qua là chuyện hình thức. Đó là, áp dụng nguyên tắc nhằm bảo tồn bằng mọi cách uy tín của người da trắng trước bọn da vàng”[4].

Trên lĩnh vực kinh tế, năm 1897-1914, thực dân Pháp tiến hành chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất, lần thứ hai (1919-1929) với hàng loạt chính sách vơ vét triệt để tài nguyên, khoáng sản đất nước ta nhằm làm giàu cho giới tư sản chính quốc. Khi tiến hành các chương trình khai thác thuộc địa này, chính quyền thực dân Pháp đầu tư xây dựng hạ tầng (đường bộ, đường sắt, nhà ga, đường thủy, cảng biển,…), một số công trình dân sinh (bệnh viện, trường học, nhà máy phát điện,…) để phục vụ cho giới quan chức chính quyền thực dân Pháp, giới quân sự, tư sản người Pháp… chứ không nhằm mục đích đem lại cuộc sống ấm no, tốt đẹp cho người dân Việt Nam như một số người lầm tưởng.

Một trong các chính sách thâm độc nhất của chính quyền thực dân Pháp cai trị nước ta lúc bấy giờ là khuyến khích người dân tiêu thụ rượu, thuốc phiện nhằm làm suy giảm sức chiến đấu của thanh niên Việt Nam đứng lên đấu tranh chống lại sự cai trị của chúng với minh chứng: “Lúc ấy, cứ một nghìn làng thì có đến một nghìn năm trăm đại lý bán lẻ rượu và thuốc phiện. Nhưng cũng trong số một nghìn làng đó lại chỉ có vẻn vẹn mười trường học… Nói đến các món độc quyền, người ta có thể hình dung Đông Dương như một con nai béo mập bị trói chặt và đương hấp hối dưới những cái mỏ quặp của một bầy diều hâu rỉa rói mãi không thấy no”[5].  

Trong quá trình xâm lược, cai trị Việt Nam, chính quyền thực dân Pháp, giới tư sản phương Tây triệt để thực hiện chế độ cho vay nặng lãi, sưu cao, thuế nặng, với nhiều loại thuế vô lý, chỉ tính “từ năm 1890 đến năm 1896, thuế trực thu tăng gấp đôi; từ năm 1896 đến năm 1898 lại tăng lên gấp rưỡi. Làng nào bị tăng thuế cũng cắn răng mà chịu; hỏi còn biết kêu vào đâu? … Nhiều người Pháp coi việc các làng ngoan ngoãn đóng thuế như vậy là một bằng chứng rõ ràng rằng mức thuế không có gì là quá đáng”[6]. Một trong các loại thuế mà chính quyền thực dân Pháp áp dụng dã man nhất đối với người dân Việt Nam lúc bấy giờ là thuế thân: “Thuế thân tăng từ một hào tư lên hai đồng rưỡi. Những thanh niên chưa vào sổ đinh, nghĩa là còn dưới 18 tuổi, trước kia không phải nộp gì cả, nay phải nộp ba hào mỗi người, tức là hơn gấp đôi một suất đinh trước kia. Theo Nghị định ngày 11/12/1919 của Thống sứ Bắc Kỳ, tất cả người bản xứ từ 18 đến 60 tuổi đều phải đóng một suất thuế thân đồng loạt là hai đồng rưỡi… Chẳng còn luật lệ nào khác sự tùy tiện của bọn cầm quyền. Bởi vậy, người An Nam rất sợ bọn cầm quyền, cứ thoáng thấy chúng là họ vứt ngay giữa đường những thúng muối, thúng rau hoặc thuốc lào của họ”[7].

Từ năm 1900 đến năm 1910, chính quyền thuộc địa thu về 45 triệu tiền lời từ rượu. Đồng thời, sử dụng nhiều biện pháp khuyến khích, ép buộc người dân sử dụng thuốc phiện. Chế độ đó đã làm hại giống nòi Việt Nam nhưng đem lại nguồn thu không nhỏ cho những tên thực dân. Trong thời kỳ 1900-1907, ngân sách thu được từ thuốc phiện là 54 triệu đồng, bình quân mỗi năm Đông Dương thu được xấp xỉ 6,8 triệu đồng và năm 1911 thu về là 9,0 triệu đồng[8]. Những số liệu thể hiện chính sách đầu độc người dân An Nam của chính quyền thực dân Pháp bằng rượu, thuốc phiện qua thư của toàn quyền Đông Dương gửi cho cấp dưới của chúng: “Kính gửi ông Công sứ, Tôi trân trọng yêu cầu ông vui lòng giúp đỡ những cố gắng của Nha Thương chính trong việc đặt thêm đại lý bán lẻ thuốc phiện và rượu, theo chỉ thị của ông Tổng Giám đốc Nha Thương chính Đông Dương. Để tiến hành việc đó, tôi xin gửi ông một bản danh sách những đại lý cần đặt trong các xã đã kê tên; phần lớn các xã này, vẫn hoàn toàn chưa có rượu và thuốc phiện”[9].

Sự áp bức, bóc lột triệt để của chính quyền thực dân Pháp, giới tư sản phương Tây đối với người dân Việt Nam, đã làm cho nhiều gia đình phải chịu gánh nặng nợ nần chồng chất, “bán vợ, đợ con”, tù tội. Khi bàn về “công lao khai hóa của thực dân Pháp”, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra rằng: “Sự tương phản càng nổi bật không kém trong lĩnh vực kinh tế. Một bên là những người bản xứ,... họ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt trong những lao động nặng nhọc nhất và bạc bẽo nhất để kiếm sống một cách chật vật, và hầu như chỉ bằng sức của họ thôi, để nuôi mọi ngân quỹ của chính quyền. Một bên là những người Pháp và người nước ngoài: họ đều đi lại tự do, tự dành cho mình tất cả các tài nguyên của đất nước, chiếm đoạt toàn bộ xuất nhập khẩu và tất cả các ngành nghề béo bở nhất, bóc lột trâng tráo trong cảnh dốt nát và nghèo khốn của nhân dân”[10]. Đồng thời, trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 02/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án những chính sách kinh tế thời kỳ chế độ thực dân: “Về kinh tế - Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, rừng mỏ, nguyên liệu… Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta được giàu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”[11].

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực dân Pháp đã thể hiện sự “khai hóa” bằng “chính sách ngu dân” để trị. Tuy người Pháp có mở một số trường dạy chữ, dạy nghề, nhưng không phải vì mục tiêu nâng cao dân trí, mà chủ yếu nhằm đào tạo ra một đội ngũ người Việt có thể giúp việc đắc lực cho việc khai thác, bóc lột và duy trì lâu dài nền thống trị thuộc địa của mình[12]. Vấn đề này được Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn chứng “bản chất thực dân” về nền giáo dục của Pháp ở Đông Dương và Việt Nam, đó là: “Truyền học vấn cho bọn Annamít hoặc cho phép chúng tự chúng có học vấn, tức là một mặt cung cấp cho chúng những súng bắn nhanh để chống chúng ta, và mặt khác đào tạo những con chó thông thái gây rắc rối hơn là có ích...”[13], hoặc “Chúng ta chỉ cần dạy tiếng Pháp cho người An Nam, dạy cho họ biết đọc, biết tính toán chút ít thôi; biết hơn nữa chỉ là thừa vô ích”[14]. Với mục đích hạn chế thanh thiếu niên Việt Nam đến trường, chính quyền thực dân Pháp quy định, hệ tiểu học gồm 5 lớp từ thấp đến cao, học sinh phải thi lấy bằng Sơ học sau khi học được 03 năm và phải học bằng tiếng Pháp ở hai năm cuối. Các quy định khắt khe đó đã khiến nhiều học sinh nông thôn bỏ học, nên tình trạng mù chữ vẫn là phổ biến trong dân chúng. Theo thống kê năm 1914, bình quân cả ba xứ, chỉ có 20% số trẻ em đến tuổi đi học được đến trường, 80% trẻ em Việt Nam bị thất học[15]. Bản chất thật sự của nền giáo dục thực dân Pháp thời bấy giờ được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngoài mục đích giáo dục để đào tạo tùy phái, thông ngôn và viên chức nhỏ đủ số cần thiết phục vụ cho bọn xâm lược - người ta đã gieo rắc một nền giáo dục đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát nữa, vì một nền giáo dục như vậy chỉ làm hư hỏng mất tính nết của người đi học, chỉ dạy cho họ một lòng “trung thực” giả dối, chỉ dạy cho họ biết sùng bái những kẻ mạnh hơn mình, dạy cho thanh niên yêu một Tổ quốc không phải là Tổ quốc của mình và đang áp bức mình. Nền giáo dục ấy dạy cho thanh thiếu niên khinh rẻ nguồn gốc dòng giống mình”[16].

Trên đây là những nội dung điểm qua sơ lượt, vắn tắt nhất chính sách cai trị, bóc lột của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam là một sự thật lịch sử, không ai có thể chối cải, phủ nhận. Đồng thời, bằng những tư liệu, chứng cớ rõ ràng, nhất là các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã vạch trần bản chất của chủ nghĩa thực dân Pháp là khai thác thuộc địa, bóc lột kinh tế, thực hiện chính sách “ngu dân” để cai trị Việt Nam được ngụy tạo bằng những mỹ từ “khai hóa”, “bình đẳng”, “bác ái”…

Ngày nay, Việt Nam đã hồi sinh, phát triển đi lên từ khói lửa chiến tranh, mọi người dân Việt Nam luôn hòa hiếu bao dung, độ lượng; tuy nhiên, vẫn còn những kẻ với luận điệu xuyên tạc lạc long vô căn cứ, chúng hoài niệm quá khứ bán nước cầu vinh, vô trách nhiệm với quê hương, đất nước, giả nhân, giả nghĩa; những kẻ tiếp tay cho các thế lực phản động trong và ngoài nước; những người vì lý do, động cơ cá nhân, bản chất hẹp hòi, cố tình xuyên tạc, phủ nhận sự thật lịch sử, phủ nhận truyền thống tốt đẹp chống ngoại xâm của các thế hệ cha ông, phủ nhận sự thật khách quan trong quá trình phát triển đất nước, nhất là từ sau công cuộc đổi mới toàn diện đất nước năm 1986 đến nay. Những người Việt Nam yêu nước chân chính ở trong và ngoài nước không bao giờ chấp nhận, “dung thứ” cho hành động của một số ít phần tử cố tình, ngoan cố, mưu toan ý đồ chính trị, xét lại lịch sử Việt Nam.

Do đó, tôn trọng, phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống dân tộc, thành quả cách mạng trong đấu tranh giành độc lập, bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là lương tâm, trách nhiệm, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam trong và ngoài nước nói chung, đối với cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nói riêng. Những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận, bẻ cong sự thật lịch sử, bôi nhọ truyền thống cách mạng … chắc chắn sẽ bị xã hội, Nhân dân lên án, phê phán mạnh mẽ nhất trong hiện tại và tương lai./.

-----

[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.31

[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.11

[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.125

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.11-12

[5], [6], [7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.40; tr.81-82; tr.82-83

[8] Lý Việt Quang (2019), Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam là khai hóa văn minh” - một luận điệu xuyên tạc (http://m.tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/thuc-dan-phap-xam-luoc-viet-nam-la-khai-hoa-van-minh-mot-luan-dieu-xuyen-tac-13773.html)

[9] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.39

[10] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.12

[11] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.2

[12] Lý Việt Quang (2019), Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam là khai hóa văn minh” - một luận điệu xuyên tạc (http://m.tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/thuc-dan-phap-xam-luoc-viet-nam-la-khai-hoa-van-minh-mot-luan-dieu-xuyen-tac-13773.html

[13], [14] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.11; tr.424

[15] Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2013), Viện Lịch sử - Lịch sử Việt Nam, Tập 7 (từ năm 1897 - 1918), Nxb Khoa học xã hội, tr. 172

[16] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.424

 

Lê Quang Cần

 

Tag:

File đính kèm

Tin đọc nhiều