Sign In

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên (CB,GV) Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm chính trị (TTCT) các huyện, thành phố

07:34 25/04/2024
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ CB,GV Trường Chính trị tỉnh và TTCT các huyện, thành phố

 

Ngày 09/10/2014, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về “công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”, trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa X) đã ban hành Kế hoạch số 26-KH/TU, ngày 09/6/2016 và Kế hoạch số 64-KH/TU, ngày 10/11/2016 về việc thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ (CB,GV) Trường Chính trị tỉnh, TTCT các huyện, thành phố, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh; xây dựng nguồn CB,GV giảng dạy lý luận chính trị để đưa đi đào tạo, bồi dưỡng đủ chuẩn theo quy định; huy động trí tuệ, kinh nghiệm và khả năng của nhiều người cùng tham gia hoạt động trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng.
Đ/c Nguyễn Hồng Lĩnh - UVBCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (Ảnh minh họa)
Nhìn lại thực tiễn kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ CB,GV giảng dạy lý luận chính trị của tỉnh trong thời gian qua, có thể thấy nhiều tín hiệu tích cực, cụ thể như sau: Căn cứ kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và trên cơ sở đề nghị của các đơn vị, địa phương, hàng năm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan liên quan lựa chọn, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt danh sách tham gia các lớp đào tạo lý luận chính trị, trong đó, luôn dành chỉ tiêu hợp lý đối với CB,GV Trường Chính trị tỉnh và TTCT các huyện, thành phố. Kết quả từ năm 2016 đến nay, đã cử 04 đồng chí tham gia các lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị (01 hệ tập trung và 03 hệ không tập trung), đào tạo hoàn chỉnh trình độ cao cấp lý luận chính trị 13 đồng chí, đào tạo trung cấp lý luận chính trị 04 đồng chí. Bên cạnh đó, Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm chính trị các huyện, thành phố cũng đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về mặt thời gian và sắp xếp lịch công tác phù hợp để CB,GV tham gia các lớp đào tạo chuyên môn sau đại học, các lớp bồi dưỡng chuyên sâu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực II tổ chức. Kết quả triển khai thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc chuẩn hóa đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, hiện nay, tổng số cán bộ trực tiếp giảng dạy của Trường Chính trị tỉnh là 17 đồng chí (02 đồng chí trong Ban Giám hiệu, 15 đồng chí là giảng viên thuộc các khoa); có trình độ chuyên môn tiến sĩ 03 đồng chí (chiếm tỷ lệ 17,64%); 01 nghiên cứu sinh, thạc sĩ 13 đồng chí (chiếm tỷ lệ 82,36%); có trình độ cao cấp lý luận chính trị 13 đồng chí (chiếm tỷ lệ 76,47%); đang học cao cấp lý luận chính trị 03 đồng chí (chiếm tỷ lệ 17,64%); có trình độ trung cấp lý luận chính trị 01 đồng chí (chiếm tỷ lệ 5,88%). Tổng số cán bộ giảng dạy chuyên trách tại TTCT các huyện, thành phố là 21 đồng chí, trong đó, có trình độ chuyên môn thạc sĩ 01 đồng chí (chiếm tỷ lệ 4,77%), đại học có 20 đồng chí (chiếm tỷ lệ 95,23%); có trình độ cao cấp lý luận chính trị 10 đồng chí (chiếm tỷ lệ 47,61%), trung cấp 21 đồng chí (chiếm tỷ lệ 52,39%).

Có được kết quả nêu trên là nhờ sự quan tâm, tập trung kiện toàn đội ngũ CB,GV của Trường Chính trị tỉnh, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy và TTCT các huyện, thành phố; tạo điều kiện thuận lợi cho CB,GV tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời, tăng cường đưa đi nghiên cứu thực tế, từ đó, đáp ứng được yêu cầu giảng dạy và phục vụ tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị theo từng giai đoạn. Hầu hết CB,GV đều có ý thức chủ động nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ bản thân. Trường Chính trị tỉnh và TTCT các huyện, thành phố đã chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức, đổi mới hình thức, phương pháp trong triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, thông tin thời sự; quan tâm ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị, bảo đảm nội dung, chương trình và chất lượng theo yêu cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CB,GV trong thời gian qua cũng tồn tại nhiều hạn chế nhất định. Đội ngũ giảng viên chuyên trách giảng dạy lý luận chính trị của Trường Chính trị tỉnh và TTCT các huyện, thành phố còn ít, nhất là cấp huyện, chủ yếu sử dụng giảng viên kiêm chức. Công tác tạo nguồn giảng viên, xây dựng đội ngũ kế cận và việc tham gia đào tạo, bồi dưỡng của CB,GV Trường Chính trị tỉnh và TTTCT các huyện, thành phố còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân của hạn chế trên là do số lượng biên chế Trung ương phân bổ cho tỉnh ngày càng giảm, việc lựa chọn, tuyển dụng giảng viên có nhiều khó khăn; một số giảng viên kiêm chức chưa qua chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nên ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, viên chức của Trường Chính trị tỉnh và TTCT các huyện, thành phố còn bất cập, chưa tạo được động lực, khuyến khích cán bộ; đặc biệt, hiện nay Trường Chính trị tỉnh và TTCT các huyện, thành phố không có nguồn kinh phí để cử CB,GV tham gia đào tạo sau đại học, lý luận chính trị và bồi dưỡng chuyên sâu, chủ yếu là do cá nhân tự túc về mặt kinh phí.

Trong giai đoạn hiện nay, để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ CB,GV Trường Chính trị tỉnh và TTCT các huyện, thành phố cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, quán triệt triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về “Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”, Kế hoạch số 26-KH/TU, ngày 09/6/2016 của Tỉnh ủy (khóa X) về thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương về trường chính trị chuẩn, Kết luận số 350-KL/TU, ngày 09/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về Đề án phát triển Trường Chính trị tỉnh đến năm 2030 và những năm tiếp theo” và các Kế hoạch nhằm tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, giảng viên dạy lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Hai là, đổi mới công tác tuyển dụng tạo nguồn để phát triển đội ngũ CB,GV trong thời gian tới, bảo đảm theo số lượng biên chế được phân bổ. Công tác tuyển dụng tạo nguồn là khâu cơ bản, quan trọng nhất trong công tác phát triển nguồn nhân lực; nếu công tác tạo nguồn tốt và tuyển dụng được những người thực sự có tiềm năng, trí tuệ thì có nghĩa là đảm bảo yếu tố đầu vào đã đạt được mục tiêu đề ra. Bởi vậy, trong công tác tuyển dụng cần chú ý những vấn đề sau:

- Thứ nhất, cần rà soát, xác định lại nguồn CB,GV so với số lượng biên chế được phân bổ, từ đó, có kế hoạch tuyển dụng sát với nhu cầu thực tế của đơn vị, trong đó, ưu tiên tuyển dụng những người có trình độ chuyên môn phù hợp, được đào tạo bài bản tại các cơ sở đào tạo trong hệ thống của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và đã kinh qua thực tiễn công tác giảng dạy; không tuyển dụng ồ ạt, chạy theo số lượng. Đối với Trường Chính trị tỉnh cần chú ý thực hiện bảo đảm mục tiêu trong Đề án phát triển Trường Chính trị tỉnh giai đoạn 2022-2025: “Đội ngũ giảng viên (giảng viên cơ hữu và kiêm nhiệm) chiếm tỷ lệ ít nhất 75% tổng số cán bộ, viên chức”.

- Thứ hai, đổi mới cách thức tuyển chọn CB,GV. Để tuyển dụng được những người thật sự giỏi, có tiềm năng, không nên giới hạn việc tuyển dụng thông qua đợt “Thi tuyển công chức, xét tuyển viên chức các cơ quan khối Đảng, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện” mà nên cân nhắc đến việc tuyển cán bộ, công chức từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện, bởi đây là nguồn cán bộ đã kinh qua thực tiễn và có kinh nghiệm công tác, đã được đào tạo cơ bản; được cơ quan, đơn vị, địa phương đánh giá toàn diện về mọi mặt theo quy định đánh giá, xếp loại hàng năm; đồng thời, quy trình tuyển dụng thực hiện đơn giản, tạo được sự chủ động.

- Thứ ba, để công tác tuyển dụng CB,GV đạt được chất lượng, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải thực hiện chủ động, tổ chức tuyển dụng công tâm, khách quan, minh bạch, lựa chọn đúng người có năng lực, có tiềm năng, đủ sức đảm nhiệm công tác giảng dạy và tham gia nghiên cứu khoa học.

Ba là, thực hiện tốt công tác quy hoạch tạo nguồn cán bộ kế cận các chức danh lãnh đạo quản lý, góp phần quan trọng tạo động lực cho CB,GV tích cực phấn đấu, rèn luyện. Quy hoạch là khâu quan trọng, nhiệm vụ thường xuyên nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ có phẩm chất, tiềm năng, năng lực và uy tín, để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ; làm tốt công tác quy hoạch sẽ khắc phục tình trạng bị động, lúng túng trong công tác cán bộ; tạo điều kiện để đào tạo bồi dưỡng cán bộ đạt chuẩn theo quy định. Để công tác quy hoạch thật sự hiệu quả, cần chú ý thực hiện đảm bảo tỷ lệ quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ; định kỳ hàng năm từ 01 đến 02 lần thực hiện rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện và kịp thời bổ sung vào quy hoạch những cán bộ có triển vọng phát triển, trường hợp không có nguồn cán bộ tại chỗ thì cần tính đến những nguồn cán bộ từ nơi khác theo phương châm quy hoạch “mở” trong quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời, cần quan tâm và có biện pháp phấn đấu thực hiện cơ cấu ba độ tuổi trong quy hoạch (khoảng cách giữa các độ tuổi là 05 năm) để đảm bảo tính kế thừa trong đội ngũ cán bộ, làm cơ sở để đào tạo đội ngũ cán bộ.

Bốn là,thường xuyên rà soát nguồn cán bộ, Trường Chính trị tỉnh và ban thường vụ các cấp ủy cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của địa phương, đơn vị mình. Trong đó, cần chú ý một số vấn đề sau:

- Thứ nhất, theo quy định hiện nay “kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức được đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đóng góp của viên chức và các nguồn khác theo quy định của pháp luật”, có thể nói thời gian qua vấn đề kinh phí là một trong những trở ngại lớn nhất trong việc đào tạo bồi dưỡng đối với viên chức, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, bởi do các đơn vị thường không có nguồn tài chính dồi dào để hỗ trợ cán bộ đi học (nhất là đối với loại hình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đòi hỏi kinh phí rất lớn), mặt khác nếu lấy từ kinh phí được cấp thì lại không đúng theo quy định hiện hành, do đó, thời gian qua hầu hết cán bộ đi học phải hoàn toàn tự túc về mặt kinh phí. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu, đề xuất kinh phí hỗ trợ cán bộ đi học thông qua các Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, từ đó, giúp giảm bớt áp lực và tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, học tập.

 - Thứ hai, đối với việc đào tạo cao cấp lý luận chính trị theo quy định của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ngoài việc phải đảm bảo chức danh quy hoạch theo quy định, hiện nay đã mở rộng thêm đối tượng “Giảng viên có đủ 05 năm trực tiếp giảng dạy lý luận chính trị ở các học viện, trường có nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị”. Từ cơ sở trên, Trường Chính trị tỉnh cần chú ý ngoài việc dựa trên nguồn quy hoạch để cử CB,GV đi học thì cần rà soát đội ngũ “giảng viên có đủ 05 năm trực tiếp giảng dạy lý luận chính trị” để cử đi học cao cấp lý luận chính trị, góp phần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ theo quy định.

- Thứ ba, trong chọn cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo bồi dưỡng cần chú trọng việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, sở trường công tác của cán bộ; phải chọn lựa kỹ lưỡng, tránh trường hợp sau khi hoàn thành khóa đào tạo thì cán bộ xin chuyển công tác khác (nhất là đối với loại hình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, có thời gian học kéo dài, chi phí lớn), dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cán bộ cơ hữu của đơn vị.

- Thứ tư, Trường Chính trị tỉnh cần bám sát các mục tiêu trong Đề án “Phát triển Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 và những năm tiếp theo” ban hành kèm theo Kết luận số 350-KL/TU, ngày 09/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, để xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, phấn đấu xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn theo quy định.

Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị, địa phương trong xây dựng kế hoạch, đăng ký cử CB,GV tham gia đào tạo lý luận chính trị, chuyên môn sau đại học và các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực II tổ chức; tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng giảng viên sau đào tạo, bồi dưỡng để từ đó, phát huy những ưu điểm và có giải pháp kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại, đồng thời, kiến nghị, đề xuất với Trung ương khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại địa phương.

 Bùi Văn Tân

Tag:

File đính kèm