Sign In

Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh kháng Pháp đầu thế kỷ XX

16:43 26/04/2024
Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh kháng Pháp đầu thế kỷ XX

Ngày 01/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha kéo vào vịnh Đà Nẵng nổ súng, chính thức mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Không chiếm được Đà Nẵng, quân Pháp chuyển hướng tiến công về phía Nam. Tháng 10/1861, thực dân Pháp đánh chiếm Biên Hòa, triều đình nhà Nguyễn đầu hàng thực dân Pháp, nhưng Nhân dân Biên Hòa dưới sự lãnh đạo của những sĩ phu yêu nước đã đứng lên chống Pháp quyết liệt. Họ tham gia nghĩa quân của Trương Định, Nguyễn Trung Trực (1861); cùng Nguyễn Ngọc Hớn tổ chức lực lượng đánh Pháp ở Bến Bạ, Đồng Môn (Nhơn Trạch, 1862); cắt đường dây thép của giặc, tập hợp đồng bào các dân tộc ở vùng sâu đánh các đồn giặc; tham gia lực lượng nghĩa quân của Phan Chỉnh, Trương Quyền lập căn cứ ở Giao Loan, Rừng Lá, Bàu Cá... Khi thực dân Pháp đã thiết lập được bộ máy cai trị ở Biên Hòa, cuộc nổi dậy trừ bạo giết tên tay sai gian ác Trần Bá Hựu (1881) ở Long Thành hay cuộc mưu sự bất thành của lực lượng Thiên địa hội ở Trại Lâm Trung (Vĩnh Cửu, 1916)... đã biểu hiện tinh thần bất khuất và khát vọng độc lập, tự do của người dân Biên Hòa.

Đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh (đường Phạm Văn Thuận, phường Tam Hiệp, Biên Hòa)

Trong các cuộc nổi dậy chống Pháp của các sĩ phu đầu thế kỷ XX còn có nhà nho Đoàn Văn Cự. Ông sinh năm 1835 tại làng Bình An, huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc thành phố Thủ Đức). Khi quân Pháp chiếm đóng Nam bộ, gia đình Ông luôn bị giặc theo dõi nên lánh về Bưng Kiệu, thôn Vĩnh Cửu (nay thuộc phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) sinh sống. Tiếp nối truyền thống gia đình, Đoàn Văn Cự theo nghề cha dạy học và làm thuốc để giúp đỡ dân nghèo. Dù đã 70 tuổi, nhưng ông Đoàn Văn Cự vẫn là một võ sĩ có sức khỏe, giỏi dùng đao ngắn, sử dụng võ thuật là chính để chống lại với súng đạn của thực dân Pháp.

Ở Biên Hòa thời gian này xuất hiện một tổ chức gọi là Hội kín, hoạt động dưới hình thức của một tôn giáo thần bí. Mục đích của các Hội kín là tập hợp nhân dân, xây dựng lực lượng để kháng chiến chống thực dân Pháp. Qua nghề làm thuốc và dạy học, ông Đoàn Văn Cự đã tạo được uy tín và có điều kiện tiếp xúc, tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước trong các tầng lớp nhân dân lao động, từ đó, lập nên Hội kín Đoàn Văn Cự. Lợi dụng địa thế rừng rậm ở Bưng Kiệu, Ông xây dựng thành căn cứ của nghĩa binh, tích trữ lương thảo, rèn đúc gươm giáo để mưu cầu đại sự. Các nghĩa binh của Ông tham gia ngày càng đông, có mặt khắp miền Đông nhưng đông nhất là vùng Bình An, chợ Chiếu (Cù Lao Phố), Vĩnh Cửu, Bình Đa, An Hảo cho tới khu vực núi Nứa (Bà Rịa).

Tháng 5/1905, Hội kín tổ chức lễ tế cờ, luyện quân ở suối Linh nằm trong căn cứ Bưng Kiệu. Hoạt động của hội không giữ được bí mật, giặc Pháp dò la nắm được tin tức đã tìm cách đánh phá. Ngày 11/5/1905 (tức mùng 8/4 Âm lịch), chính quyền thực dân cho một tiểu đội lính bí mật đến bao vây căn cứ Bưng Kiệu, ông Đoàn Văn Cự triệu tập hàng trăm nghĩa binh tổ chức mai phục sẵn sàng đánh địch. Phục kích cả ngày không thấy địch đến, tưởng địch đã rút lui, đến tối, Đoàn Văn Cự cho nghĩa binh rút về căn cứ ăn cơm. Lúc này giặc mới ập đến, vây chặt căn cứ Bưng Kiệu. Tên đại úy chỉ huy quân Pháp cùng viên thông ngôn dẫn một tốp lính xông thẳng vào nhà Ông. Biết khó lòng thoát hiểm, Đoàn Văn Cự điềm tĩnh mặc bộ trang phục uy nghi, đầu chít khăn lụa điều, mình buộc thắt lưng màu hồng, giắt đoản đao đầu hổ, làm lễ trước bàn thờ tổ chờ địch đến. Khi toán lính bước vào nhà, cụ vung thanh đoản đao sáng loáng chém bị thương tên chỉ huy. Hắn bắn trả một loạt đạn, Đoàn Văn Cự trúng đạn ngã xuống trước bàn thờ tổ. Quân Pháp tấn công vào doanh trại của nghĩa binh và đốt phá kho lương thực. Rừng Bưng Kiệu ngập tràn khói lửa kín cả một góc trời. Trong cuộc chiến đấu, 16 nghĩa binh đã ngã xuống, số còn lại đều chạy thoát vào rừng. Hôm sau, giặc Pháp bắt Nhân dân khiêng xác ông Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh chôn chung vào một hố lớn. Hội kín Đoàn Văn Cự tan rã.

Tuy sớm thất bại, nhưng Đoàn Văn Cự và nghĩa binh của Ông đã nêu cao cờ nghĩa chống ngoại xâm vào thời kỳ đen tối nhất của lịch sử lúc bấy giờ, khi thực dân Pháp đã chiếm trọn đất nước ta và hầu hết các cuộc khởi nghĩa do sĩ phu phong kiến lãnh đạo đã thất bại. Hiện nay, ngôi mộ chung chôn ông cùng 16 nghĩa binh tọa lạc trên khu đất cạnh dòng suối Linh Tuyền (gọi tắt là suối Linh), thuộc phường Long Bình, thành phố Biên Hòa. Ban đầu, chỉ là một ngôi mộ đơn sơ, năm 1956 được Nhân dân địa phương xây đắp lại nhưng quy mô nhỏ. Năm 1990, ngôi mộ được xây dựng bề thế như hiện nay. Phía sau ngôi mộ là một ngôi miếu nhỏ thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh.

Ngoài mộ, từ năm 1956, Nhân dân còn xây dựng một ngôi đình làm chỗ thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh (nằm trên đường Phạm Văn Thuận, phường Tam Hiệp), cách phần mộ khoảng 1,0 km về hướng Tây Bắc. Đền tọa lạc trên khu đất bằng phẳng, rộng 3.000m2, kiến trúc theo kiểu chữ tam, gồm hai phần chính: Nhà võ ca và chánh điện[1]. Hàng năm, cứ đến ngày mùng 8/4 Âm lịch, Nhân dân Biên Hòa đều thiết lễ giỗ tưởng nhớ đến Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh đã có công chống thực dân Pháp xâm lược. Ghi nhớ công lao Đoàn Văn Cự, tên Ông cũng được dùng để đặt cho một con đường ở thành phố Biên Hòa, đoạn nối từ đường Phạm Văn Thuận đến đường Đồng Khởi./.

 Đoàn Trung Kiên



[1] Mộ và đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binhđã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 722/QĐ-BVHTT, ngày 25/4/1998.

Tag:

File đính kèm