Trước sự lớn mạnh nhanh chóng của quân và dân ta, thực dân Pháp ngày càng lâm vào một tình thế hết sức khó khăn trong việc kéo dài chiến tranh xâm lược Đông Dương. Về quân sự, địch ở thế bị tiến công liên tiếp, lực lượng địch so với hồi đầu kháng chiến tăng lên rất nhiều, nhưng nạn thiếu quân vẫn ngày càng trầm trọng.
Về chính trị, do tiến hành chiến tranh phi nghĩa, chúng gặp sự phản đối ngày càng lớn của nhân dân Pháp và dư luận tiến bộ trên thế giới. Nội bộ thực dân Pháp mâu thuẫn, chia rẽ sâu sắc. Nội các Pháp bị thay đổi liên tiếp.
Về kinh tế, nền tài chính của Pháp bị sa sút nghiêm trọng, nước Pháp ngày càng bị lệ thuộc vào Mỹ. Thực dân Pháp thấy rằng, chúng có thể thua trong cuộc chiến tranh này nếu chúng tiến hành xâm lược chỉ riêng với lực lượng của bản thân chúng. Do bản chất phản động, thực dân Pháp ngoan cố tiếp tục cuộc “Chiến tranh bẩn thỉu” ở Đông Dương, dựa vào viện trợ Mỹ và dựa vào chính sách cướp của, bắt người ở nước ta để đánh lại nhân dân ta. Tháng 12/1950, Chính phủ Pháp cử đại tướng Đờ-lát Đờ Tát-xi-nhi sang Đông Dương thực hiện kế hoạch đó. Tát-xi-nhi gấp rút tăng cường lực lượng cơ động, lập “Vành đai trắng” và xây dựng phòng tuyến boong-ke ở đồng bằng Bắc bộ và càn quét khốc liệt ở vùng chúng kiểm soát, chuẩn bị phản công để giành lại quyền chủ động.
Về phía ta, sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc lúc này đang trên đà thắng lợi. Cuộc kháng chiến trong thời kỳ mới đặt ra nhiều vấn đề lớn: Tổ chức hậu phương để bảo đảm cho cuộc chiến tranh ở trình độ tác chiến tập trung trên quy mô lớn; nâng cao sức chiến đấu của bộ đội; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc kháng chiến và xây dựng Đảng trong tình hình mới. Từ sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, một số vấn đề cơ bản về chiến lược, sách lược đặt ra cũng đòi hỏi phải xác định. Những vấn đề ấy đã được giải quyết trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đại hội họp ở Tuyên Quang (Việt Bắc) từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951, gồm 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho trên 76 vạn đảng viên của các Đảng bộ: Việt Nam, Lào, Campuchia. Sau lời khai mạc của đồng chí Tôn Đức Thắng, Đại hội đã nghe Báo cáo chính trị của Hồ Chủ tịch, báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam của đồng chí Trường Chinh, thông qua Tuyên ngôn, Chính cương và Điều lệ của Đảng.
Báo cáo chính trị của Hồ Chủ tịch đã khái quát cuộc vận động cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX, khẳng định đường lối của Đảng là đúng, cán bộ, đảng viên ta tận tụy, hy sinh, đi sát quần chúng. Nhiệm vụ chính của cách mạng lúc này là đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Đã đến lúc “Chúng ta phải có một Đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi, Đảng đó lấy tên Đảng Lao động Việt Nam”[1].
Trong báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã trình bày trước Đại hội toàn bộ đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam. Báo cáo đã phân tích đúng đắn tính chất xã hội, đối tượng cách mạng, động lực cách mạng và vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam v.v... Báo cáo đề ra nhiệm vụ trước mắt của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam là: Đánh đuổi đế quốc Pháp xâm lược và đánh đổ các thế lực phong kiến, tay sai của chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc; thực hiện dân chủ nhân dân, rồi tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Bản báo cáo chỉ rõ: “Dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, do nhân dân lao động làm động lực, cách mạng đó không những chỉ giải quyết những nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến, mà còn phát triển chế độ dân chủ nhân dân một cách mạnh mẽ, đồng thời gây mầm mống cho chủ nghĩa xã hội, tạo điều kiện tiến lên chủ nghĩa xã hội”[2].
Nội dung cơ bản của báo cáo bàn về cách mạng Việt Nam được đúc kết trong Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam và được Đại hội thông qua. Đại hội đã quyết định đưa Đảng ra công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội thông qua Điều lệ của Đảng Lao động Việt Nam, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới và cử ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng.
Đối với Lào và Campuchia, Đại hội quyết định sẽ tổ chức ở mỗi nước một đảng cách mạng riêng, phù hợp với đặc điểm của từng nước. Thực hiện chủ trương của Đại hội II, tháng 6/1951, những người cộng sản Campuchia đã lập ra Ban vận động thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia.
Cuộc họp của Bộ Chỉ huy chiến dịch với sự tham gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đánh dấu một bước trưởng thành lớn của Đảng ta. Lần đầu tiên từ khi ra đời, Đảng đã họp một Đại hội có đông đủ đại biểu của các đảng bộ, do tuyển cử dân chủ từ dưới lên. Đường lối đúng đắn và sáng suốt của Đại hội là cơ sở để đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, đưa cách mạng tiến lên giành những thắng lợi mới. Đúng như Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ, đó là Đại hội “đẩy kháng chiến đến thắng lợi và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam”[3].
Ngày 03/3/1951, Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt đã họp Đại hội hợp nhất. Khối đoàn kết dân tộc trên cơ sở liên minh công nông vững chắc do giai cấp công nhân lãnh đạo được củng cố và tăng cường. Ngày 11/3/1951, Hội nghị liên minh Việt Nam, Lào, Campuchia đã đạt kết quả tốt, củng cố hơn nữa khối đoàn kết giữa nhân dân ba nước anh em đang đấu tranh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, nhằm đạt mục tiêu chung là giành độc lập dân tộc. Thực hiện Nghị quyết của Đại hội II, Hội nghị lần thứ I (3/1951), lần thứ II (10/1951) và lần thứ III (4/1952) của Trung ương đã vạch ra những chủ trương và biện pháp về đẩy mạnh cuộc đấu tranh ở vùng sau lưng địch, về xây dựng nền kinh tế, tài chính trong kháng chiến, về xây dựng lực lượng vũ trang và xây dựng Đảng nhằm bảo đảm cho các yêu cầu mới của cuộc kháng chiến.
Tháng 02/1952, chiến thắng của quân và dân ta ở Hòa Bình và các mặt trận vùng sau lưng địch đã giải phóng hai triệu dân, mở ra các vùng giải phóng liên hoàn ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ, làm phá sản ý đồ của Tát-xi-nhi hòng giành lại thế chủ động trên chiến trường Bắc bộ.
Mùa thu 1952, quân ta mở cuộc tiến công vào Tây Bắc, tiêu diệt hơn 6.000 tên địch, giải phóng hầu hết khu Tây Bắc rộng lớn, phá tan âm mưu lập “Xứ Thái tự trị” của giặc Pháp.
Mùa xuân 1953, Quân giải phóng Lào phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng, một phần tỉnh Luông Pha-băng, nối liền căn cứ kháng chiến Thượng Lào với vùng Tây Bắc Việt Nam, mở ra cục diện mới cho cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Lào.
Đi đôi với những thắng lợi về chính trị và quân sự, từ năm 1951, nhân dân ta cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng về mặt kinh tế. Phong trào tăng gia sản xuất được đẩy mạnh. Một nền kinh tế kháng chiến của nhân dân đã được xây dựng. Việc sản xuất vũ khí được đặc biệt coi trọng, những xưởng làm lựu đạn, mìn, bom, súng cối, ba-dô-ca, súng không giật v.v... được phát triển.
Trong quá trình kháng chiến, Đảng đã chủ trương thi hành chính sách giảm tô, giảm tức và nhiều chính sách khác nhằm hạn chế dần sự bóc lột của địa chủ, cải thiện một phần đời sống của nông dân. Nhưng cuộc kháng chiến phát triển, những biện pháp trên đây không đủ để bồi dưỡng nông dân, tăng cường lực lượng kháng chiến. Tháng 1/1953, Hội nghị lần thứ 4 của Trung ương Đảng đã kiểm điểm việc thực hiện chính sách ruộng đất từ sau Cách mạng tháng Tám và chủ trương tiến hành cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng” ngay trong kháng chiến. Để phá tan kế hoạch Na-va, đánh bại ý định kéo dài và mở rộng cuộc chiến tranh của đế quốc Pháp, Mỹ, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta tiến lên giành những thắng lợi mới có tính chất quyết định, đầu năm 1953, Trung ương Đảng đã phân tích một cách khoa học hình thái chiến sự trên chiến trường toàn quốc, so sánh lực lượng ta và địch trên mọi mặt một cách biện chứng và đề ra phương hướng chiến lược: “Tập trung lực lượng mở những cuộc tấn công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của địch, giải phónq đất đai, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa điểm xung yếu mà chúng không thể bỏ, do phải phân tán binh lực mà tạo ra cho ta những điều kiện thuận lợi mới để tiêu diệt thêm từng bộ phận sinh lực của chúng”[4].
Căn cứ vào tình hình cụ thể của mỗi nơi, Trung ương cũng đề ra những nét lớn về kế hoạch tác chiến cho từng chiến trường. Phương châm tác chiến của kế hoạch Đông Xuân 1953 - 1954 là: Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt.
Hội nghị lần thứ v của Trung ương Đảng (tháng 11/1953) và việc thông qua Cương lĩnh ruộng đất đã đáp ứng kịp thời nguyện vọng của nông dân và toàn thể Nhân dân, đồng thời, đáp ứng yêu cầu bức thiết của kháng chiến. Thắng lợi đó đã chứng minh luận điểm đúng đắn của Hồ Chủ tịch trong Hội nghị Trung ương tháng 1/1953: “Lực lượng của chúng ta là hàng chục triệu đồng bào nông dân lao động sẵn sàng chờ Đảng và Chính phủ lãnh đạo để hăng hái vươn mình dậy đánh tan ách nô lệ của phong kiến và thực dân. Khéo tổ chức, khéo lãnh đạo thì lực lượng ấy sẽ làm xoay trời chuyển đất, bao nhiêu thực dân và phong kiến cũng sẽ bị lực lượng ấy đánh tan”.
Những chủ trương và phương châm chỉ đạo chiến lược và tác chiến nói trên biểu hiện sự thành công rực rỡ trong việc vận dụng có tính sáng tạo đường lối quân sự của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Chính những chủ trương và phương châm đó là yếu tố quyết định những chiến thắng vĩ đại trong Đông Xuân 1953 - 1954 và sự sụp đổ hoàn toàn của kế hoạch Na-va.
Sau thắng lợi của chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, các chiến trường trong nước, cùng thắng lợi của quân giải phóng nước bạn và của ta ở Thượng Lào dẫn đến những thay đổi quan trọng về lực lượng so sánh giữa ta và địch.
Về phía ta, lực lượng vũ trang của Nhân dân đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, vừa có sức mở những trận tiến công lớn, vừa có sức kiềm chế những lực lượng tinh nhuệ của chúng ở vùng sau lưng địch. Căn cứ du kích của ta mở rộng ra gần hai phần ba nông thôn vùng sau lưng địch. Hậu phương ta được củng cố do thắng lợi của những đợt giảm tô và cải cách ruộng đất. Điều kiện để giành thắng lợi lớn ngày càng tăng lên.
Về phía địch, quân đội xâm lược Pháp tuy đã tăng lên con số cao nhất trong chiến tranh là gần 50 vạn quân, nhưng năng lực chiến đấu lại sút kém vì thiếu tinh thần, thiếu sĩ quan chỉ huy, hậu cần xa, tỷ lệ ngụy binh nhiều, thiếu cơ động. Càng lao sâu vào chiến tranh, nền kinh tế Pháp càng kiệt quệ, không đủ sức bảo đảm cho một cuộc chiến tranh quá tốn kém. Giai cấp thống trị Pháp đứng trước ngã ba đường: Tiếp tục cuộc chiến tranh nữa thì không đủ lực lượng và không có gì chắc thắng. Kết thúc cuộc chiến tranh trong thế suy yếu lúc này thì nhục nhã, mất dahh dự. Do đó, Chính phủ La-ni-en - Bi-đôn đã chọn con đường thoát cho giai cấp tư sản Pháp là ra sức dựa vào viện trợ Mỹ, hy vọng giành được một số thắng lợi nhằm chuyển bại thành thắng, ít ra cũng là cơ sở cho việc đàm phán trên thế mạnh, tạo một lối thoát có danh dự.
Sau khi bị thất bại ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào Đông Dương, ra sức viện trợ cho Pháp, từng bước nắm lấy ngụy quyền, ngụy quân, nắm lấy quyền chỉ huy cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, tích cực chuẩn bị cho bước hất cẳng thực dân Pháp sau này. Tháng 5/1953, với sự thỏa thuận của Mỹ, Pháp cử tướng Na-va sang Đông Dương. Với một kế hoạch quân sự mà chúng gọi là “Kế hoạch Na-va”, thực dân Pháp hy vọng trong 18 tháng giành được một số chiến thắng, buộc ta phải đàm phán theo điều kiện có lợi cho chúng, nếu không chúng sẽ tiếp tục tiến công và tiêu diệt ta.
Tháng 9/1953, trên cơ sở phân tích một cách khoa học tình hình chiến trường toàn Đông Dương, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra phương châm chiến lược trong đông xuân 1953 - 1954 là tập trung lực lượng, mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược, ở đó, địch đang trong thế tương đối yếu, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó với ta, tạo ra những điều kiện thuận lợi mới để tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, giải phóng thêm đất đai. Đồng thời, ta đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp vùng sau lưng địch, bảo vệ vùng tự do, tạo điều kiện để quân chủ lực của ta rảnh tay tiêu diệt địch ở những hướng đã định. Hướng tiến công chính được chọn là Tây Bắc.
Thực hiện chủ trương trên của Bộ Chính trị, tháng 12/1953, quân ta tiến lên Tây Bắc, giải phóng Lai Châu, buộc địch phải phân tán lực lượng, tăng cường cho Điện Biên Phủ[5]. Cũng trong tháng 12/1953, quân giải phóng Lào và quân tình nguyện Việt Nam giải phóng thị xã Thà Khẹt và nhiều vùng rộng lớn ở Trung Lào, sau đó phát triển xuống Hạ Lào, giải phóng thị xã Át-ta-pư và toàn bộ cao nguyên Bô-lô-ven, buộc địch phải rút bớt lực lượng ở đồng bằng Bắc bộ Việt Nam để tăng viện cho Xê-nô (Hạ Lào), cùng lúc đó, quân giải phóng Ít-xa-rắc Cam-pu-chia phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở miền Đông Bắc Campuchia, nối liền với vùng giải phóng Hạ Lào.
Ngày 26/01/1954, quân giải phóng Lào và quân tình nguyện Việt Nam giải phóng hoàn toàn tỉnh Phông xa-lỳ mở rộng khu giải phóng Thượng Lào, buộc địch phân tán lực lượng tăng cường cho Luông Pha-băng. Ngày 5/2/1954, quân ta giải phóng toàn tỉnh Kon Tum, tập kích thị xã Plây Cu, buộc địch phải bỏ dở cuộc tiến công ở đồng bằng Liên khu V và phân tán lực lượng ở Nam bộ và Bình Trị Thiên lên tăng viện cho Plây Cu.
Sau những đòn tiến công mãnh liệt của ta, quân giải phóng Lào và quân giải phóng Cam-pu-chia, kế hoạch tập trung lực lượng cơ động ở đồng bằng Bắc bộ của Na-va đã hoàn toàn phá sản. Tình hình đó tạo điều kiện cho bộ đội ta tiêu diệt địch và đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch. Ở Nam bộ, ta tiêu diệt hoặc bức rút hàng nghìn đồn bót và tháp canh. ỞBình Trị Thiên và cực Nam Trung bộ ta phá tan các cuộc càn quét, tiêu diệt nhiều đồn bót và tháp canh, mở rộng các vùng căn cứ du kích ở Bắc Thừa Thiên và Quảng Trị. Ở đồng bằng Bắc bộ, phòng tuyến Sông Đáy của địch bị phá vỡ, vùng căn cứ của ta ở hai bờ Sông Luộc được mở rộng. Ngày 04/3/1954, ta tiến công sân bay Gia Lâm (Hà Nội), phá hủy 18 máy bay địch. Ngày 07/3/1954, ta tiến công sân bay Cát Bi (Hải Phòng), phá hủy thêm 60 máy bay.
Nhằm giữ vững chỗ đứng chân ở Tây Bắc Việt Nam, Thượng Lào và cắm một cái chốt quan trọng ở vùng chiến lược Đông Nam châu Á, Pháp - Mỹ đã tập trung lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm kiên cố nhất của chúng ở Đông Dương[6]. Vì vậy, Điện Biên Phủ trở thành điểm trung tâm của kế hoạch Na-va. Có tiêu diệt được quân địch ở Điện Biên Phủ thì mới đập tan kế hoạch Na-va, mới phá được âm mưu mở rộng và kéo dài chiến tranh của đế quốc Pháp - Mỹ.
Ngay từ đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị đã chủ trương mở chiến dịch đánh bại địch ở Điện Biên Phủ. Trong thư gửi cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tháng 12/1953, Hồ Chủ tịch nói: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quânsự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy mặt trận do đồng chí Võ Nguyên Giáp, UVBCT, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm Chỉ huy trưởng và Bí thư Đảng ủy mặt trận. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng, UVBCT, Phó Thủ tướng làm Chủ tịch.
Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch theo dõi sát cuộc chiến đấu và cùng với Bộ tổng Tư lệnh ngày đêm chỉ đạo quân đội và Nhân dân ta quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Quyết tâm chiến lược của Trung ương đã nhanh chóng biến thành ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Các đơn vị pháo binh và bộ binh của ta với sức người và dụng cụ thô sơ, đã làm hàng trăm kilô mét đường xuyên rừng, xuyên núi vào trận địa, đào hàng trăm kilô mét hào giao thông dưới hỏa lực dày đặc của địch, vượt dốc, trèo đèo đưa trọng pháo vào trận địa.
Thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, trên 200.000 dân công với hơn 3.000.000 ngày công đã được huy động để phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ. Hàng vạn thanh niên xung phong đã phối hợp với các đơn vị công binh anh dũng mở đường, phá bom nổ chậm của địch trên các tuyến đường giao thông vận tải. Hàng vạn xe đạp thồ, xe trâu, xe bò, xe ngựa cùng với hàng vạn thuyền đã được dùng để chuyển hàng chục vạn tấn gạo, thực phẩm và đạn dược ra mặt trận.
Trải qua ba đợt chiến đấu gay go và gian khổ, liên tục 55 ngày đêm, ngày 07/5/1954, quân đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập toàn cứ điểm Điện Biên Phủ, diệt và bắt sông trên 16.000 tên địch. Toàn thể Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm do tướng Đờ Cát-tơ-ri cầm đầu đã bị bắt sống.
Toàn bộ chiến cuộc đông xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi. 112.000 tên địch, một phần tư trong tổng số binh lực của Pháp ở Đông Dương lúc ấy đã bị tiêu diệt. Nhiều vùng đất đai rộng lớn có ý nghĩa chiến lược ở khắp đất nước đã được giải phóng hoàn toàn. Nhân dân ta đã giành được quyền làm chủ trong ba phần tư đất nước. Ngụy quyền hoang mang, tê liệt, ngụy quân tan rã từng mảng lớn. Thắng lợi của ta đã đặt quân đội Pháp đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Chính phủ Pháp vội vã gọi Na-va về Pháp và đưa Ê-ly sang thay để thực hiện chủ trương rút quân khỏi Nam đồng bằng Bắc bộ và chuẩn bị sẵn sàng, khi cần có thể rút về phía Nam vĩ tuyến 18 nhằm mục tiêu chính là cứu đội quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương khỏi bị tiêu diệt.
Cuộc kháng chiến của hai dân tộc Lào, Campuchia anh em cũng đang trên thế thắng lợi. Ở Lào, hơn một nửa đất đai và một nửa số dân đã được giải phóng. Ở Campuchia, quân giải phóng Ít-xa-rắc mở nhiều cuộc tiến công, giải phóng khoảng hai phần ba đất đai, bao gồm nhiều vùng nông thôn rộng lớn và một số thị xã ở miền Đông. Trên cơ sở những thắng lợi đó, ngày 19/6/1954, Chính phủ kháng chiến Campuchia được thành lập.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi lớn nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, là một trong những trận tiêu diệt lớn nhất trong lịch sử đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống một đội quân nhà nghề của bọn thực dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ “đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20”[7].
Chiến cuộc đông xuân 1953-1954 và chiến thắng Điện Biên Phủ đã đập tan kế hoạch Na-va, lập lại hòa bình ở Đông Dương, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo điều kiện để hoàn thành cách mạng ruộng đất trên nửa nước ta, xây dựng cơ sở cho việc giải phóng miền Nam sau này. Chiến thắng đó đã kết thúc chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp ở Đông Dương và mở đầu quá trình sụp đổ trên toàn thế giới, cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa đang sống dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân vùng dậy đấu tranh giành quyền độc lập, tự do.
Trên mặt trận ngoại giao, giữa lúc quân ta sắp bước vào đợt tiến công thứ ba để quyết định số phận quân địch ở Điện Biên Phủ thì Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương khai mạc. Phái đoàn Chính phủ ta do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu đến dự Hội nghị với tư thế của một dân tộc đang chiến thắng.
Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết. Xuất phát từ truyền thống yêu chuộng hòa bình, theo xu thế chung giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng thương lượng và trong tình hình những người lãnh đạo Trung Quốc đã thỏa hiệp với Pháp[8], ta đã chấp nhận giải pháp: Nước Pháp và các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia; ngừng bắn ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương; Pháp rút quân; vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời; tiến tới tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất nước nhà.
Tháng 7/1954, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 chủ trương: “Tranh thủ và củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc. Tăng cường lực lượng quân sự, xây dựng một quân đội nhân dân hùng mạnh, thích hợp với yêu cầu của tình hình mới. Tiếp tục thực hiện người cày có ruộng, ra sức phục hồi sản xuất, chuẩn bị điều kiện kiến thiết nước nhà”[9]. Như vậy, sau gần 9 năm kháng chiến gian khổ nhưng vô cùng anh dũng, nhân dân ta đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu cũ của Pháp. Pháp tiêu tốn 2.688 tỷ phơ-răng và 2,6 tỷ đô la của Mỹ viện trợ, 20 lần Chính phủ Pháp đổ, 08 Tổng chỉ huy quân đội Pháp lần lượt bị thua trận ở Đông Dương.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Nhân dân ta không những phải chống thực dân Pháp xâm lược mà còn phải chống âm mưu của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ muốn thôn tính, tiêu diệt Đảng và phong trào cách mạng ở nước ta, phá hoại phong trào cách mạng thế giới. Kiên quyết tiến hành kháng chiến và đưa kháng chiến đến thắng lợi, Nhân dân ta không những làm nhiệm vụ dân tộc mà còn làm nhiệm vụ đối với cách mạng thế giới. Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/1960), nói về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của Nhân dân Việt Nam, đồng thời, cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”[10]. Lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một lần nữa Đảng ta lại được tôi luyện trong lò lửa chiến tranh, học tập, nâng cao những hiểu biết về khoa học và nghệ thuật lãnh đạo cuộc chiến tranh cách mạng ở một nước nhỏ yếu chống một cường quốc thực dân.
Có được thắng lợi đó là do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, một đảng Mác - Lênin có đường lối kháng chiến đúng đắn, có tổ chức chặt chẽ và kỷ luật nghiêm minh, đoàn kết nhất trí, gắn bó mật thiết với quần chúng; do dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, đoàn kết chặt chẽ trong một Mặt trận thống nhất dựa trên cơ sở liên minh công nông; do quân đội ta là một quân đội cách mạng của Nhân dân, dũng cảm, mưu trí; do chính quyền ta là chính quyền dân chủ nhân dân luôn chăm lo đến đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân và tổ chức, động viên Nhân dân chiến đấu; do có sự đoàn kết của ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia; do có sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của nhân dân yêu chuộng hòa bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới.
Đoàn Trung Kiên
[1] Hồ Chí Minh: “Báo cáo chính trị ở Đại hội lần thứ II”, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1965, tr. 45.
[2] Trường Chinh: “Bàn về cách mạng Việt Nam”, Báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, 2/1951, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1965, tr. 101.
[3] “Thư Hồ Chủ tịch gửi Đại hội trù bị”, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1965, tr. 8.
[4] Võ Nguyên Giáp, Điện Biên phủ, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1964, trang 47, 48, 50.
[5] Giữa tháng 11/1953, địch đã cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.
[6] Ở Điện Biên Phủ, quân địch có 16.200 tên gồm 17 tiểu đoàn tinh nhuệ, 1 đại đội xe tăng, 12 máy bay thường trực, 3 phân khu, 49 cứ điểm. Hầu hết tướng lĩnh và quan chức cao cấp Pháp - Mỹ đều tin tưởng Điện Biên Phủ là một “pháo đài bất khả xâm phạm”, “Một Véc-đoong ở Đông Nam Á” (một trận địa nổi tiếng của Pháp trong chiến tranh thế giới thứ nhất 1914 - 1918).
[7] Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nhà Xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 50.
[8] Chủ trương của những người cầm quyền Trung Quốc trong Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương là: Giữ Pháp ở lại Đông Dương, tạo ra một khu đệm an toàn cho Trung Quốc ở phía Nam, tránh được sự đụng đầu trực tiếp với Mỹ.
[9] Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khóa II) mở rộng, họp từ ngày 15 đến 18/7/1954.
[10] Hồ Chí Minh Ba mươi năm hoạt động của Đảng, Tuyển tập, Nhà Xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1960, tr. 771.