(CTT-Đồng Nai) - Chiều ngày 26-12, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố quyết định công nhận sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) Đồng Nai năm 2024. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thắng trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2024 cho các chủ thể
Năm 2024, Đồng Nai tổ chức 2 đợt đánh giá sản phẩm OCOP. Kết quả, toàn tỉnh có 109 sản phẩm của 64 chủ thể đạt chứng nhận OCOP gồm: 94 sản phẩm đánh giá lần đầu và 15 sản phẩm đánh giá lại. Trong 94 sản phẩm mới đạt OCOP trong năm 2024, có 79 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, đạt 247% so với kế hoạch đề ra; có 15 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, đạt 150% kế hoạch đề ra. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 282 sản phẩm của 165 chủ thể đạt chứng nhận OCOP. Trong đó, có 9 sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao cấp quốc gia đang trình hồ sơ xét, cấp chứng nhận.
Đặc biệt, kết quả nổi bật của Chương trình OCOP trong năm 2024, công tác tuyên truyền tiếp tục được chú trọng; góp phần làm thay đổi được nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng. Chương trình đã có tác động trong phát triển sản xuất nông nghiệp, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động ở các địa phương. Các chủ thể OCOP đã chú trọng chuẩn hóa chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm; được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn và có phản hồi tích cực.
Đại biểu tham quan các quầy trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh tại lễ công bố quyết định công nhận sản phẩm OCOP năm 2024
Tuy nhiên, Chương trình OCOP vẫn còn một số hạn chế, nhất là hầu hết các chủ thể còn hài lòng với kết quả OCOP 3 sao, chưa nỗ lực nâng cấp, hoàn thiện chất lượng sản phẩm và mẫu mã bao bì, chưa thích nghi được với các kênh phân phối hiện đại, các tiêu chuẩn về Quản lý chất lượng như: ISO, HACCP,…
Trong năm 2025, Chương trình OCOP sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền nhằm khai thác tối đa các giá trị văn hóa, sản vật địa phương để phát triển sản phẩm OCOP thuộc nhóm du lịch nông thôn; triển khai các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các tuyến du lịch. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong quản lý điều hành Chương trình OCOP; xây dựng phần mềm quản lý, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Ngành nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành, địa phương quan tâm thực hiện quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch để sản phẩm OCOP phát triển bền vững. Chương trình cũng hỗ trợ chủ thể OCOP về phát triển thương hiệu, xây dựng và quản lý hệ thống chất lượng tiên tiến; hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa; đăng ký mã số, mã vạch; tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chỉ dẫn địa lý.