Sign In

Đồng Nai đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 69-KL/TW, ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ (KHCN)

07:43 01/02/2024
Phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ KH&CN, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, phát huy phong trào khởi nghiệp sáng tạo, tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển các mô hình kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định sự phát triển đất nước gắn liền với khoa học và kỹ thuật, mà ngày nay chủ đạo là KH&CN: “Cách mạng xã hội chủ nghĩa gắn liền với sự phát triển khoa học và kỹ thuật, với sự phát triển văn hóa của Nhân dân… Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến dần từ chế độ dân chủ nhân dân lên chủ nghĩa xã hội bằng cách phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội, biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến”[1]. Người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Phạm Minh Chính xác định vai trò của KH&CN, đó là: “Phát triển KH&CN phải phục vụ thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả”[2].

Theo Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 10/12/2020 của Đại hội đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh xác định: KH&CN là một trong các định hướng quan trọng đối với sự phát triển tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020-2025. Theo đó, Nghị quyết này xác định tầm quan trọng của KH&CN đối với mô hình tăng trưởng mới đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: “Phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ KH&CN, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, phát huy phong trào khởi nghiệp sáng tạo, tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển các mô hình kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao”[3] gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Vì vậy, Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành Kết luận số 69-KL/TW, ngày 11/01/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” gắn với Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (khóa XIII) “về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 45-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ tám (khóa XIII) “về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới” nhằm phát huy mọi nguồn lực KH&CN đối với phát triển đất nước trong hiện tài và tương lai.

Theo Báo cáo số 222-BC/TU, ngày 07/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Kế hoạch 155-KH/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa IX) thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội, chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương, Kế hoạch 155-KH/TU của Tỉnh ủy với nhiều hình thức như: tuyên truyền qua đĩa DVD, các lớp tập huấn cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng,.. đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp đã nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội. Việc ứng dụng KH&CN đã trở thành một nội dung của kế hoạch phát triển các ngành, địa phương; hoạt động KH&CN được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với thực tiễn cơ quan, đơn vị, địa phương. Tư duy quản lý nhà nước về KH&CN được đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kKH&CN. Nhận thức chung của doanh nghiệp và người dân về vai trò của KH&CN đối với sản xuất và đời sống đã có chuyển biến rõ nét. Một số doanh nghiệp đã ưu tiên đầu tư, tiếp thu, ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại vào sản xuất, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ tạo bước tiến mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh triển khai mới 61 đề tài, dự án cấp tỉnh và 29 đề tài, dự án cấp cơ sở; tổng kết, nghiệm thu và đưa vào ứng dụng thực tiễn 49 đề tài, dự án cấp tỉnh và 27 đề tài, dự án cấp cơ sở. Nông dân Đồng Nai nhạy bén, mạnh dạn đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã làm tăng năng suất, chất lượng trên các loại cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí lao động, giá thành sản phẩm tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mở rộng thị trường, tăng khả năng xuất khẩu thông qua việc chứng nhận VietGAP, Global GAP và các tiêu chuẩn khác, từng bước xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm (Đã ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng với diện tích 57.636 ha; toàn tỉnh có 1.667 ha cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP và tương đương; thiết lập 07 vùng trồng và 06 cơ sở đóng gói để thúc đẩy xuất khẩu, toàn tỉnh có 108 mã số vùng trồng với diện tích 23.202 ha và 46 mã số nhà đóng gói xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc, New Zealand; 95 đơn vị sản xuất, chế biến nông sản được cấp nhãn hiệu hàng hóa đối với các sản phẩm như: xoài, rau, sầu riêng, bưởi, chôm chôm, chuối, tiêu, điều, gạo, mãng cầu na, khổ qua, hạt sen....).

Trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ, tỉnh triển khai 10 đề tài, dự án cấp tỉnh, 01 cấp cơ sở; tổng kết, nghiệm thu và đưa vào ứng dụng thực tiễn 04 đề tài, dự án cấp tỉnh và 01 đề tài cấp cơ sở. Các đề tài, dự án trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ phục vụ cho công tác chọn lọc công nghệ, cải tiến công nghệ phù hợp với điều kiện tỉnh nhà, nhất là công nghệ chế biến, điều tra tình hình công nghệ của địa phương, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, phục vụ thiết thực cho phát triển ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh, phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong lĩnh vực phát triển công nghệ thông tin, toàn tỉnh triển khai 15 đề tài, dự án cấp tỉnh và 18 đề tài cấp cơ sở; triển khai, nhân rộng 148 Điểm thông tin khoa học, công nghệ tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh và các chương trình công nghệ thông tin từ Trung ương xuống địa phương; tổng kết, nghiệm thu và đưa vào ứng dụng thực tiễn 15 đề tài, dự án cấp tỉnh và 26 đề tài, dự án cấp cơ sở.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng phát triển kinh tế, xã hội - nhân văn, triển khai 37 đề tài, dự án cấp tỉnh và 31 đề tài, dự án cấp cơ sở; tổng kết, nghiệm thu và đưa vào ứng dụng thực tiễn 29 đề tài, dự án cấp tỉnh và 41 đề tài, dự án cấp cơ sở.

Trong lĩnh vực Y tế - Chăm sóc sức khỏe và Giáo dục - Đào tạo, triển khai 11 đề tài, dự án cấp tỉnh và 62 đề tài, dự án cấp cơ sở; tổng kết, ứng dụng 22 đề tài, dự án cấp tỉnh và 44 đề tài, dự án cấp cơ sở.

Trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên - môi trường, triển khai 05 đề tài, dự án cấp tỉnh và 05 đề tài, dự án cấp cơ sở; tổng kết, ứng dụng 09 đề tài, dự án cấp tỉnh và 02 đề tài cấp cơ sở.

Để đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 69-KL/TW, ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” trong thời gian tới cần có những giải pháp đồng bộ sau:

Trước hết, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cần chủ động, tích cực quán triệt, triển khai thực hiện các phương hướng, giải pháp theo Báo cáo số 222-BC/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Kế hoạch 155-KH/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa IX) thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội, chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Kết luận số 69-KL/TW của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh “về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý thấy rõ hơn nữa vị trí, vai trò, tầm quan trọng của KH&CN cũng như ứng dụng của nó đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại.

Thứ hai, các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là Báo, đài tỉnh tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Đại hội đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh, Kết luận số 69-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; đồng thời, hiện thực hóa hoạt động ký kết giữa trường Đại học Lạc Hồng và Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu về hợp tác chiến lược về xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn tại tỉnh Đồng Nai [4] đáp ứng yêu cầu phát triển KH&CN của địa phương, nhất là khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành trong thời gian tới.

Thứ ba, xây dựng các vườn ươm công nghệ với vai trò đầu mối của Sở KH&CN, tiếp tục xây dựng nền tảng đổi mới sáng tạo mở, mạng lưới đổi mới sáng tạo mở; khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn công nghiệp hàng đầu thành lập trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Phát triển các hướng nghiên cứu, giải pháp công nghệ gắn với chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh gắn với các chuỗi giá trị, liên kết ngành, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh.  

Thứ tư, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, các bên cùng có lợi; gia tăng số lượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ, nhất là tài nguyên trí tuệ của doanh nghiệp và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường kết nối các sàn giao dịch công nghệ với các trung tâm ứng dụng trên địa bàn tỉnh, chuyển giao tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo ở Đông Nam Bộ và cả nước.

Thứ năm, tỉnh đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế về KH&CN và đổi mới sáng tạo, nhất là với các đối tác chiến lược của tỉnh và tận dụng cơ hội từ việc nước ta tham gia các hiệp định thương mại đa phương, song phương, các hoạt động hợp tác nghiên cứu, đào tạo, tư vấn với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để tiếp cận, chuyển giao, ứng dụng KH&CN tiên tiến, các chuẩn mực quốc tế; khuyến khích liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Đồng Nai, doanh nghiệp nước ngoài trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam. 

[1] Hồ Chí Minh (2011), toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.371, 372

[2] Ngày 17/5/2023, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 với chủ đề “KH&CN và đổi mới sáng tạo-động lực phát triển bền vững” (https://baochinhphu.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-le-chao-mung-ngay-khoa-hoc-va-cong-nghe-viet-nam-102230518092926375.htm)

[3] Đảng bộ tỉnh Đồng Nai (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ Xi, nhiệm kỳ 2020-2025, Nxb Đồng Nai, tr.156, 157.  

[4] Ngày 22/01/2024, trường Đại học Lạc Hồng và Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu đã ký kết hợp tác chiến lược về xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn tại tỉnh Đồng Nai. Tham dự buổi lễ ký kết này, lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Sơn Hùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở ngành, đơn vị (https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Xay-dung-trung-tam-thiet-ke-vi-mach-ban-dan-tai-tinh-Dong-Nai-6-17-23671).  

Lê Quang Cần

 

 

Tag:

File đính kèm