Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Chiến thắng Trảng Bom (27/4/1975-27/4/2024), hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Viện Lịch sử Đảng - Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Quân khu 7, Quân đoàn 4, Sư đoàn 341 (Quân khu 4) và tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học cấp ngành với Chủ đề “Chiến thắng Trảng Bom (27/4/1975) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm”.
Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ sự chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của cấp chiến lược, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 là cơ sở, là nhân tố đóng vai trò quyết định để Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 341 hạ quyết tâm chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong trận tiến công quân địch phòng ngự ở Trảng Bom; vai trò tổ chức, chỉ huy của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 341, tinh thần chiến đấu dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị và quân dân địa phương - nhân tố quyết định trực tiếp đến thắng lợi trận đánh Trảng Bom; những nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự, bao gồm nghệ thuật chọn hướng và sử dụng lực lượng; nghệ thuật phối hợp hiệp đồng binh chủng giữa bộ binh, pháo binh, xe tăng, phối hợp tác chiến giữa các đơn vị với các lực lượng vũ trang địa phương; nghệ thuật tổ chức thọc sâu, kết hợp bao vây, chia cắt... Đồng thời, Hội thảo cũng nhằm làm sáng tỏ vị trí, ý nghĩa của Chiến thắng Trảng Bom trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, là trận đánh tập trung của một binh đoàn chủ lực và giành thắng lợi trọn vẹn, mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng Đông; đúc rút những bài học kinh nghiệm để vận dụng góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đặt ra.
Hội thảo cũng là dịp để tri ân, tôn vinh công lao của cán bộ, cũng đã làm nên thắng lợi trận tiến công Trảng Bom nói riêng, với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung; khơi dậy niềm tự hào tự tôn dân tộc; góp phần vào công tác giáo dục truyền thống cách mạng, xây dựng và phát huy phầm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên (04/3-03/4/1975), được tiếp nối và đồng thời với Chiến dịch Trị Thiên - Huế (05-26/3/1975), Chiến dịch Đà Nẵng (26-29/3/1975)... làm rung chuyển chế độ Sài Gòn. Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã đập tan Quân đoàn 1 - Quân khu 1, Quân đoàn 2 - Quân khu 2 của địch, giải phóng hơn nửa đất đai, nửa số dân toàn miền Nam, thu giữ một khối lượng lớn vật chất, trang bị, phương tiện chiến tranh. Các lực lượng vũ trang ta trưởng thành nhanh chóng.
Căn cứ vào những chuyển biến hết sức mau lẹ trên chiến trường, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp bàn, quyết định giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4/1975, đề ra phương châm chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị họp thống nhất chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Chấp hành chủ trương, chỉ đạo chiến lược đề ra, trên chiến trường miền Nam, quân dân ta tiếp tục tiến công mạnh mẽ, lần lượt đập tan tuyến phòng ngự từ xa của địch ở Phan Rang (16/4/1975), đập tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc (21/4/1975), từng bước tạo thế, tạo lực vững chắc cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Các quân đoàn, các đơn vị chủ lực của ta gấp rút cơ động, hình thành thế bao vây Sài Gòn từ 05 hướng: hướng tây bắc - Quân đoàn 3; hướng bắc - Quân đoàn 1; hướng đông nam - Quân đoàn 2; hướng đông - Quân đoàn 4; hướng tây và tây nam - Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8).
Về phía địch, sau thất bại tại Xuân Lộc, địch tập trung lực lượng, hình thành chốt chặn phòng thủ mạnh tại Trảng Bom, gồm Sư đoàn bộ binh 18 (chủ công), 02 chi đoàn xe tăng, 07 trận địa pháo binh (với 20 khẩu) cùng một bộ phận lực lượng bảo an, dân vệ. Ngày 22/4, tại Sở chỉ huy Tiền phương của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Hoàng Cầm và Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện báo cáo tình hình và thông qua quyết tâm của Quân đoàn 4 với Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tư lệnh và Trung tướng Lê Quang Hòa, Phó Chính ủy Chiến dịch. Theo phương án chiến đấu mới, Quân đoàn 4 sẽ sử dụng Sư đoàn 341 đánh chiếm Trảng Bom, mở đường số 1, sau đó, chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 3 Không quân và sân bay Biên Hòa. Yếu khu Trảng Bom nằm trên đường số 1, cách Biên Hòa khoảng 20km về phía Đông. Địa hình ở đây có nhiều lợi thế cho lực lượng địch phòng ngự, hòng ngăn chặn quân ta tiến vào Sài Gòn bằng quốc lộ 1.
Về phía ta, ngay sau khi giải phóng Xuân Lộc (21/4/1975), Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh kịp thời điều chỉnh kế hoạch tác chiến. Theo đó, Quân đoàn 4 không cắt đứt Đường số 15, tiến vào Sài Gòn theo hai trục đường là Xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn và Cát Lái - Nhà Bè như kế hoạch cũ, mà sẽ chuyển sang đánh chiếm Trảng Bom, Biên Hòa, tiến vào Sài Gòn theo trục Đường số 1. Chấp hành mệnh lệnh cấp trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 341: Sư đoàn được tăng cường 01 tiểu đoàn xe tăng (13 chiếc), 01 tiểu đoàn cao xạ hỗn hợp, 01 đại đội pháo 105mm có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch từ Ngã ba Sông Thao đến Suối Đỉa, trọng tâm là Yếu khu Trảng Bom, mở đường tiến cho Quân đoàn vào giải phóng Biên Hòa. Thời gian nổ súng là đêm 26 rạng ngày 27/4/1975.
04 giờ 05 phút, ngày 27/4/1975, Sư đoàn 341 nổ súng tiến công Trảng Bom. Đến 08 giờ 30 phút cùng ngày, ta đã tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ quân địch, làm chủ đoạn Đường số 1 dài 14km từ ngã ba Sông Thao đến phía Tây của Trảng Bom. Sư đoàn 341 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quân đoàn 4 giao.
Thắng lợi của các trận Trảng Bom đã góp phần quan trọng để Quân đoàn 4 cùng các lực lượng trên hướng đông tiến về giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Hội thảo “Chiến thắng Trảng Bom (27/4/1975) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm” sẽ tổ chức sáng ngày 23/4/2024 tại Hội trường Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai với khoảng hơn 400 đại biểu, phóng viên.
Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27/4/1975) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm” là cuộc Hội thảo qui mô lớn đầu tiên về Chiến thắng Trảng Bom trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975. Với quan điểm khách quan, khoa học, phương pháp luận đúng đắn, tiếp cận những nguồn tư liệu có độ tin cậy và góc nhìn mới, Ban Chỉ đạo tin tưởng Hội thảo sẽ có những đóng góp mới trên cả bình diện lý luận và thực tiễn, làm sáng tỏ thêm về vấn đề lịch sử có liên quan. Kết quả Hội thảo sẽ thiết thực góp phần xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng địa bàn phòng thủ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời, cũng tạo thêm cơ sở khoa học vững chắc cho cuộc đấu tranh chống mọi âm mưu thủ đoạn xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng và sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng; tích cực bồi dưỡng lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ hôm nay, góp phần phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập, tự chủ và môi trường hòa bình, ổn định và phát triển đất nước./.
Mai Quỳnh