Sign In

Huyện Hồng Ngự phát triển du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề

10:35 03/10/2024

ĐTO - Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hồng Ngự nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành, triển khai Kế hoạch số 13 ngày 13/1/2021 về phát triển du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề trên địa bàn huyện đến năm 2025 (viết tắt là Kế hoạch số 13) mang lại nhiều kết quả tích cực. Nổi bật, Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện Hồng Ngự tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn lực, thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm làng nghề được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, điểm du lịch cộng đồng gắn bó thân thiết với cuộc sống của người dân tại huyện vùng biên Hồng Ngự.


Một số hộ dân tại Làng nghề dệt choàng Long Khánh (xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự) duy trì hoạt động dệt choàng theo kiểu truyền thống, phục vụ khách du lịch

 

Thực hiện Kế hoạch số 13, các ngành, đơn vị của huyện Hồng Ngự tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, dựa trên nguồn lực đầu tư của địa phương. Đồng thời kết hợp với công tác mời gọi, thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư, khai thác, phát triển tiềm năng, thế mạnh các điểm du lịch trọng điểm nhằm tạo sức lan tỏa đến các khu vực nông thôn, nơi còn tiềm ẩn nhiều tài nguyên du lịch nông nghiệp và làng nghề truyền thống. Huyện Hồng Ngự đã triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tại các xã: Long Khánh A, Long Khánh B, Long Thuận, Phú Thuận A, Phú Thuận B, qua đó kết nối hạ tầng giao thông thông suốt và phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Ngoài ra, đầu tư mở rộng đường vào các điểm du lịch trọng yếu; chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại điểm du lịch cộng đồng Long Khánh A như: nhà trưng bày và bán các sản phẩm từ làng nghề, sản phẩm OCOP; xây dựng nhà vệ sinh; cổng chào làng nghề dệt choàng; không gian trải nghiệm, khu vực ăn uống... để phục vụ khách đến du lịch, tham quan, góp phần tạo dựng hình ảnh, quảng bá làng nghề vừa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đồng chí Đặng Thị Yến Trinh - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hồng Ngự, cho biết: “Qua triển khai Kế hoạch số 13, từ năm 2021 đến nay, các điểm du lịch cộng đồng của huyện đón trên 346.600 lượt khách, trong đó có khoảng 6.500 lượt khách quốc tế (vượt gần 47.000 lượt khách) so với Kế hoạch số 13 và tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 72 tỷ đồng. Tiêu biểu là Điểm du lịch cộng đồng Long Khánh A (Làng nghề dệt choàng Long Khánh) - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống, với nhiều hoạt động tham quan như: các công đoạn tạo ra chiếc khăn choàng (khăn rằn), thưởng thức ẩm thực tại chợ phiên làng nghề, bán các sản phẩm từ chất liệu vải khăn choàng (balo, túi xách, áo dài, áo bà ba, cà vạt...) định kỳ vào cuối tuần thu hút du khách trong và ngoài địa phương. Riêng trong 8 tháng của năm 2024, nhất là sau khi ra mắt điểm du lịch “Nghề dệt Long Khánh - Hành trình từ quá khứ” đã thu hút hơn 20.800 lượt du khách, trong đó có trên 3.500 lượt khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu”.

Thời gian tới, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương của huyện Hồng Ngự tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích về phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là vùng cù lao Long Khánh. Đẩy mạnh các biện pháp bảo tồn và phát huy hiệu quả các di sản văn hóa, làng nghề để thu hút khách đến tham quan du lịch. Bên cạnh đó, đầu tư, khai thác, phát triển tiềm năng, thế mạnh các điểm du lịch cộng đồng trọng điểm, gắn phát triển du lịch với phát triển thương mại, dịch vụ nông nghiệp, làng nghề truyền thống, nhà cổ, nhà sàn xưa, các sản phẩm OCOP của địa phương. Chú trọng quảng bá, xây dựng kết nối các tour, tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh với huyện và tham gia nhiều hoạt động xúc tiến, nhằm thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Hình thành môi trường du lịch thân thiện, an toàn, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ quyền lợi và lợi ích cho du khách, thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

Huyện Hồng Ngự xác định phát triển du lịch là một trong những mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, công tác đầu tư phát triển du lịch cộng đồng luôn được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đồng thuận và tích cực triển khai thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của ngành, địa phương. Đến nay, các điểm du lịch cộng đồng đang hoạt động khá tốt, thu hút đông đảo du khách, góp phần quảng bá, tạo dựng hình ảnh địa phương, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. Riêng Làng nghề dệt choàng, hàng năm giải quyết việc làm cho trên 300 người là những hộ gia đình trực tiếp và gián tiếp làm ra sản phẩm từ khăn choàng.

Dũng Chinh

Tag:

File đính kèm