Sign In

Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên để bảo tồn, phát triển Sếu

14:14 07/07/2023
Đồng Tháp hiện đang xây dựng Dự án Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ, giai đoạn 2022 - 2032. Để đánh giá về các điều kiện triển khai Dự án, sáng ngày 07/7, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Phước Thiện cùng lãnh đạo các Sở, ngành tỉnh đến khảo sát tại Vườn quốc gia Tràm Chim.

Đoàn công tác nghe báo cáo về công tác phục hồi sinh thái tại khu A1

Đoàn đã đến khảo sát tại các khu A1, A4, A5 của Vườn quốc gia Tràm Chim. Khu A1 có diện tích gần 5.000 ha, đây là vùng lõi của Vườn quốc gia Tràm Chim, nơi bảo tồn sinh cảnh đất ngập nước làm nơi cư trú, kiếm ăn cho các loài chim nước.

Qua nghe báo cáo, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong lưu ý Ban Quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim trong thực hiện phục hồi sinh thái cần có đánh giá hiện trạng nước qua các năm để chủ động mực nước, đảm bảo tốt phục hồi sinh thái nhất là phục hồi bãi năng kim và lúa ma.

Ngoài ra, tại các khu A4, A5, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim giữ nguyên hiện trạng tràm khu vực này, hướng đến tạo hệ sinh thái tốt nhất, trong đó chú trọng phục hồi sinh cảnh tự nhiên Vườn quốc gia Tràm Chim để bảo tồn, phát triển Sếu cũng như các loài động vật khác.

Bí thư Tỉnh ủy thăm mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của nông dân ở vùng đệm khu A4

Cùng với vùng lõi thì việc tạo nên vùng đệm tốt có ý nghĩa quan trọng trong triển khai Dự án bảo tồn sếu, do đó, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đến thăm một số hộ dân làm lúa theo hướng hữu cơ ở vùng đệm khu A4. Hiện nay, có 04 hộ dân ở xã Phú Đức và xã Tân Công Sính tham gia mô hình canh tác với diện tích khoảng 40 ha, hiện lúa được trên 80 ngày tuổi, đang trong giai đoạn trổ chín.

Tại đây, các nông dân đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí tôn cao bờ bao, kéo đường điện làm trạm bơm thoát nước chống úng cho lúa. Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và yêu cầu các Sở, ngành và chính quyền địa phương khảo sát thực tế để hỗ trợ nông dân hoàn thiện cơ sở hạ tầng, quan tâm hướng dẫn trong sản xuất, kết nối tiêu thụ cho bà con nông dân và đồng thời khuyến khích nông dân nên mạnh dạn, chủ động trong hướng đến trồng lúa hữu cơ, đạt chất lượng cao để nâng cao giá trị, tăng thu nhập.  

Toàn vùng đệm quanh Vườn quốc gia Tràm Chim có diện tích khoảng 1.000 ha.

Cùng với đó, ông Lê Quốc Phong đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư phối hợp với Vườn quốc gia Tràm Chim thiết kế tour tham quan, trải nghiệm phù hợp tại Vườn để thúc đẩy phát triển du lịch trải nghiệm, gắn với bảo tồn Sếu. Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý nên chọn lực lượng đoàn viên, thanh niên và người dân địa phương để tập huấn làm công tác hướng dẫn du lịch, kể những câu chuyện hấp dẫn, sinh động về hệ sinh thái động, thực vật của Vườn quốc gia.

Vườn quốc gia Tràm Chim  là nơi có thảm thực vật rất phong phú với diện tích hơn 7.500 ha

Dự án Bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 –2032, với mục tiêu phục hồi và phát triển đàn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại môi trường tự nhiên. Trong vòng 10 năm (từ năm 2023 đến 2033), mục tiêu của dự án là nuôi thả 150 cá thể sếu với tối thiểu 100 cá thể sống sót. Đàn sếu thả ra sẽ có thể tự sinh sản và tự tồn tại ngoài tự nhiên.

Việt Tiến

Tag:

File đính kèm