Đại biểu tham dự Tọa đàm
Về phía Đoàn công tác của Viện Kinh tế Văn hóa có Tiến sĩ Trần Văn Túy – nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng/ nguyên Trưởng Ban công tác Đại biểu Quốc hội/Trưởng Đoàn công tác, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hưng – Chủ tịch Viện Kinh tế Văn hóa.
Phía lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp có Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, các Sở, ngành, đại diện các homestay, cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh.
Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI đã ban hành Kết luận số 249-KL/TU về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 – 2025.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa
Mong muốn nhận được những định hướng, giải pháp
từ các chuyên gia của Viện Kinh tế Văn hóa
Với mong muốn tạo ra sự khác biệt trong phát triển du lịch so với các địa phương khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngành du lịch Đồng Tháp đã nghiên cứu các điểm khác biệt của địa phương, từ đó tạo ra sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của du khách.
Thời gian qua, ngành du lịch Đồng Tháp tập trung phát triển vườn sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch sông nước. Gần 100 homestay, cơ sở du lịch xuất hiện trên khắp tỉnh là thành quả từ sự nỗ lực của nông dân, chính quyền, hỗ trợ từ các chuyên gia du lịch trong và ngoài tỉnh.
Mặc dù có nhiều bước tiến, tuy nhiên ngành du lịch tỉnh vẫn còn những điểm nghẽn như: Hạ tầng, nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn yếu; chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư về du lịch; liên kết giữa các doanh nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; tính chuyên nghiệp của các sản phẩm du lịch còn chưa cao v.v..
Qua Tọa đàm, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh mong nhận được những định hướng, giải pháp từ các chuyên gia của Viện Kinh tế Văn hóa giúp ngành du lịch Đồng Tháp có bước phát triển đột phá.
Tại đây, đại diện Hội quán “Cùng nhau làm du lịch” tại thành phố Sa Đéc cho biết, Hội quán hiện có 35 thành viên, trong đó có 24 cơ sở du lịch, homestay, khách sạn. Hội quán được xây dựng nhằm góp phần tạo dựng hình ảnh, diện mạo mới cho du lịch thành phố Sa Đéc nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung. Thời gian tới, Hội quán mong được các ngành, chuyên gia định hướng thêm về tư duy, cách làm mới để tạo thành chuỗi sản phẩm phát triển bền vững; đồng thời hỗ trợ kết nối với các đơn vị lữ hành nội địa, quốc tế khai thác các làng nghề truyền thống của quê hương như làng hoa, làng bột, quýt hồng Lai Vung, du lịch đường thủy v.v..
Đại diện Hội quán “Cùng nhau làm du lịch” tại thành phố Sa Đéc chia sẻ tại Tọa đàm
Ông Trương Văn Mai (chủ Điểm du lịch Vườn sinh thái Nam Hương, huyện Tân Hồng) tận dụng vườn cây trái diện tích khoảng 20.000m2 của gia đình để phát triển du lịch sinh thái. Hiện vườn có nhiều loại trái cây độc lạ, nuôi các loại cá quý hiếm để tạo điểm nhấn khác biệt so với các điểm du lịch sinh thái khác. Thời gian tới, điểm du lịch sẽ tiếp tục đầu tư thêm hệ thống cơ sở vật chất để du khách có thêm trải nghiệm.
Trên cơ sở thực trạng từ các cơ sở du lịch, các chuyên gia Đoàn công tác Viện Kinh tế Văn hóa đã đưa ra nhiều giải pháp giúp ngành du lịch Đồng Tháp phát triển như: Phát triển loại hình du lịch trải nghiệm làng nghề, du lịch nông nghiệp cho đối tượng du khách trẻ, học sinh; tăng cường ứng dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị các sản phẩm du lịch đặc trưng; đa dạng các loại hình phục vụ du lịch; có đường dây nóng, đơn vị hỗ trợ thông tin, khiếu nại của du khách; tạo hệ sinh thái du lịch nông nghiệp v.v..
Tiến sĩ Trần Văn Túy – Trưởng Đoàn công tác Viện Kinh tế Văn hóa nhận thấy Đồng Tháp có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Việc phát triển các loại hình du lịch trên không chỉ bảo vệ tài nguyên, môi trường mà còn phát huy nét văn hóa bản địa đặc trưng vốn có của Đồng Tháp.
Bên cạnh những thuận lợi thì du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái tại Đồng Tháp vẫn còn những hạn chế như: Quy mô nhỏ, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chưa khai thác hết lợi ích đang có; kiến thức, kỹ năng của đội ngũ nhân lực phục vụ ngành du lịch còn nhiều hạn chế v.v..
Tiến sĩ Trần Văn Túy – Trưởng Đoàn công tác Viện Kinh tế Văn hóa
đánh giá cao tiềm năng phát triển du lịch của Đồng Tháp
Thời gian tới, ngành du lịch tỉnh cần hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng; nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, du khách về giá trị du lịch bản địa; kết nối các doanh nghiệp du lịch lữ hành, xây dựng các tour du lịch đặc trưng, đặc thù; phát triển du lịch sinh thái ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; đưa kinh tế số vào các hoạt động quảng bá, tiếp thị du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch có thương hiệu, mang tính cạnh tranh cao v.v..
Sáng cùng ngày, Đoàn công tác Viện Kinh tế Văn hóa
tham quan các khu, điểm du lịch tại thành phố Sa Đéc
Thành Nhơn