Các đồng chí: Nguyễn Thành Thế - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long;
Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh
Đồng Tháp; Nguyễn Thị Minh Trang - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long đồng chủ trì hội thảo
Hội thảo khoa học với chủ đề “Phân Ban Tỉnh ủy Vĩnh Long - Ký ức không thể nào quên” có nhiều tham luận, thảo luận của các đồng chí từng là nhân chứng lịch sử trong giai đoạn Phân ban, cá nhân, đơn vị, sở, ban, ngành và địa phương có liên quan của tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp. Qua đó, làm rõ bối cảnh lịch sử dẫn đến quyết định thành lập Phân Ban Tỉnh ủy Vĩnh Long; cơ cấu tổ chức, thành phần tham gia Phân Ban Tỉnh ủy; vai trò, ý nghĩa lịch sử của Phân Ban Tỉnh ủy trong tiến trình lịch sử của tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp nói chung và của các địa phương (Lai Vung, Lấp Vò, Sa Đéc, Châu Thành) từng là địa bàn công tác, chiến đấu của các đồng chí ở Phân Ban Tỉnh ủy nói riêng.
Hội thảo nhằm khẳng định chủ trương, đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ và Nhân dân 2 tỉnh Vĩnh Long - Đồng Tháp; đồng thời ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng, góp phần vào công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo 2 tỉnh Vĩnh Long
và Đồng Tháp
Cách đây hơn 50 năm, sau sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, đầu năm 1969, địch chiếm đóng hầu hết vùng ven thị xã Vĩnh Long. Hai huyện Lấp Vò và Cái Nhum các vùng giải phóng trước đây đều bị địch chiếm đóng. Đặc biệt, do chiến trường Lấp Vò là địa bàn xung yếu, nằm giữa hai nhánh của sông Tiền và sông Hậu nơi có Quốc lộ 80 xuyên qua, phía Đông Nam giáp tiểu khu Sa Đéc, phía Tây Bắc giáp thị xã Long Xuyên và khu vực vùng ven sông Hậu là nơi có đông đồng bào theo đạo Phật giáo Hòa Hảo sinh sống. Vì vậy, địch quyết tâm bình định, tăng cường sử dụng lực lượng tại chỗ, kết hợp với lực lượng dã chiến, kiểm soát chặt quần chúng, tăng cường phi pháo, càn quét hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng ở khu vực này.
Ngày 10/7/1970, thực hiện chủ trương của Trung ương Cục miền Nam về chống phá kế hoạch bình định của địch, trong đó Trung ương yêu cầu các cấp ủy địa phương phải xem xét thật kỹ toàn bộ tình hình của địa phương để xác định cho đúng tính chất của chiến trường mình. Tránh nôn nóng, chủ quan, trước mắt làm cho lực lượng của ta, nhất là lực lượng bí mật có mặt đều khắp ở các xã, ấp, làm nòng cốt lãnh đạo quần chúng.
Từ tình hình thực tế chiến trường khu vực Lấp Vò và tiếp thu chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy Vĩnh Long họp để đánh giá và phân tích tình hình thực tế một cách cụ thể và chủ trương chia địa bàn tỉnh ra thành 03 khu vực: Khu vực vùng chữ V bao gồm các huyện Châu Thành và các xã Bắc lộ 4 của huyện Bình Minh, do một số đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy và Tỉnh ủy viên chỉ đạo. Khu vực Nam quốc lộ 4 bao gồm các huyện Tam Bình, Cái Nhum và thị xã Vĩnh Long do Thường trực Tỉnh ủy và một số Tỉnh ủy viên phụ trách. Riêng khu vực Lấp Vò bao gồm huyện Lấp Vò, huyện Sa Đéc (Lai Vung) và thị xã Sa Đéc là địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn nên Tỉnh ủy quyết định thành lập Phân Ban Tỉnh ủy để trực tiếp chỉ đạo.
Tháng 8/1974, nhằm tạo điều kiện chuyển mạnh vùng Lấp Vò, tạo sự gắn bó chiến trường ở phía Đông và Tây của sông Tiền, Trung ương Cục miền Nam chủ trương thành lập tỉnh Sa Đéc trên cơ sở các địa phương thuộc vùng Lấp Vò trước đây. Một số đồng chí ở Phân Ban được phân công lãnh đạo tỉnh Sa Đéc mới thành lập, một số đồng chí về lại Vĩnh Long. Từ đây Phân Ban Tỉnh ủy Vĩnh Long cũng kết thúc vai trò và sứ mệnh lịch sử hết sức vẻ vang của mình.
Nguồn: Báo Đồng Tháp