Sign In

Nghị quyết số 06-NQ/TU: Lan toả mạnh mẽ trên mảnh Đất Sen hồng

09:56 02/08/2023
Xây dựng chuẩn mực con người Đồng Tháp phát triển toàn diện, “nghĩa tình, năng động, sáng tạo”, hướng đến chân – thiện – mỹ với các chuẩn mực đặc trưng của con người Việt Nam gắn với bộ nhận diện văn hóa đặc trưng, hình tượng giá trị biểu trưng của Hoa Sen, Bé Sen là một trong những mục tiêu quan trọng trong Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về xây dựng văn hoá và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Đến nay, sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện, Nghị quyết số 06-NQ/TU đã tạo được sức lan toả mạnh mẽ, tạo nên những khí thế mới, thúc đẩy các phong trào thi đua sôi nổi trên mảnh Đất Sen hồng.


Bé Sen và tranh Bé Sen được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp làm quà tặng
cho doanh nghiệp Ấn Độ
 tại Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư
giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp năm 2023. Ảnh: Nguyệt Ánh

Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết, Kết luận chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XI, trong đó có Nghị quyết số 06-NQ/TU bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Kết quả, toàn tỉnh tổ chức được 659 lớp (cuộc), với hơn 72.000 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham dự. Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030.

Có thể thấy rằng, từ khi được ban hành đến nay, Nghị quyết số 06-NQ/TU đã được triển khai sâu, rộng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân, góp phần tạo nên những khí thế mới, thúc đẩy các phong trào thi đua sôi nổi trên mảnh Đất Sen hồng.

Điển hình trong đó, Đồng Tháp đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng giúp hoạt động du lịch khôi phục nhanh, góp phần quảng bá hình ảnh, con người Đồng Tháp đến bạn bè trong nước và quốc tế tiêu biểu như: Lễ hội xoài Đồng Tháp năm 2023 - nâng tầm giá trị các sản phẩm từ xoài; Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp năm 2023, lối mở mới cho “con đường nông sản” của Đồng Tháp nói riêng và miền Tây nói chung.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi, phong phú, hấp dẫn về nội dung và đa dạng về hình thức, đi vào chiều sâu. Đồng Tháp có 08 Nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hoá phi vật thể.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được quan tâm, chú trọng thực hiện tốt. Vừa qua, Di tích lịch sử Địa điểm tập kết ra Bắcnăm 1954 tại Cao Lãnh được xếp hạng Cấp quốc gia; Làng nghề dệt choàng ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự được xếp vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Nghề thủ công truyền thống. Tính đến nay, toàn tỉnh có 101 di tích, trong đó, có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia và 83 di tích cấp tỉnh.

Cùng với đó, nhiều mô hình, cách làm hay phát huy tinh thần nghĩa tình, năng động, sáng tạo cũng được hình thành trên mảnh Đất Sen hồng, có thể kể đến như: mô hình “Trạm dừng chân nghĩa tình”, “Mẹ đỡ đầu”, “Người em của Đoàn”, “Bếp ăn nghĩa tình”, “Gian hàng 0 đồng” và các tổ, đội, nhóm làm cầu, đường thiện nguyện, xây cất nhà tình thương v.v..

Bên cạnh đó cũng xuất hiện những tấm gương tiêu biểu như bà Trần Thị Kim Thia (ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười) với 20 năm dạy bơi miễn phí cho trên 5.000 trẻ nhỏ ở trong và ngoài xã, bà Thia từng thuộc Top 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu do Hãng tin BBC bình chọn, top 20 phụ nữ truyền cảm hứng do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn; tấm gương về tinh thần học tập suốt đời của bà Huỳnh Thị Thu (sinh năm 1952, ngụ ấp Tân Tịch, xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh) - người nhận bằng Cử nhân thứ 3 khi ở tuổi 70 hay như 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Đất Sen hồng năm 2023 v.v..

Tuyên dương 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu Đất Sen hồng năm 2023

Thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh, đến cuối năm 2022 đã xét công nhận hơn 370.000 Gia đình học tập; 850 Dòng họ học tập; 684 Cộng đồng học tập và 824 Đơn vị học tập. Đặc biệt, tỉnh có thành phố Sa Đéc và thành phố Cao Lãnh được UNESCO công nhận là thành viên Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu.

Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho đoàn viên, thanh niên qua các cuộc vận động “Xây dựng hình mẫu giá trị thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”; “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”; ra mắt Điểm hướng dẫn tra cứu, tìm kiếm Di tích lịch sử - văn hoá thông qua quét mã QR; tổ chức các hoạt động về nguồn đến với địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ v.v. qua đó phát huy tinh thần “Tự hào công dân Đất Sen hồng”, khơi dậy trách nhiệm của tuổi trẻ trong xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo.

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phát động phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Đồng Tháp – Đoàn kết, nghĩa tình, năng động, sáng tạo”, phát huy tấm lòng tương thân, tương ái, thương yêu, chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng, người khó khăn. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh phát động Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tham gia thực hiện mô hình thi đua phấn đấu trở thành người Nông dân chuyên nghiệp, qua đó định hướng, dìu dắt nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, công nghệ, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap; xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc v.v..

Người nông dân chủ động, sáng tạo trong sản xuất

hướng đến sản xuất sạch, tăng giá trị nông sản

Với thế mạnh của địa phương trong phát triển nông nghiệp, thời gian qua, tư duy làm nông nghiệp của nông dân Đồng Tháp đã có nhiều thay đổi. Thông qua hội quán, hợp tác, tổ hợp tác người nông dân đang từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản do chính mình sản xuất ra.

Điển hình như các hộ dân trồng xoài ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh đã liên kết cùng nhau để hình thành nên Làng du lịch Mỹ Xương – phát triển du lịch cộng đồng, quảng bá đặc sản quê hương đến với du khách gần, xa; hướng đến sản xuất xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap; nông dân biết cách cho lươn sinh sản ngoài tự nhiên và thuần dưỡng thành lươn giống để cung ứng ra thị trường; chủ động thay đổi cây trồng mới để tăng giá trị trên cùng một đơn vị diện tích như: Sầu riêng, bơ v.v..

Hệ sinh thái khởi nghiệp Đất Sen hồng đang từng bước hoàn thiện, trong đó việc tận dụng nguồn tài nguyên bản địa để phát triển các sản phẩm khởi nghiệp đang thực hiện rất tốt. Điển hình như đối với ngành hàng sen, đã có nhiều sản phẩm độc đáo như: Hoa sen sấy khô, tranh sen, tơ sen, tinh dầu sen nổi tiếng trong và ngoài nước, tạo bước đột phá trong công nghệ chế biến, phát huy giá trị tài nguyên bản địa trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bên cạnh đó, người dân Đồng Tháp còn sáng tạo, tâm huyết khi khai thác thế mạnh của cây sen để chế biến trên 200 món ăn, thức uống bổ dưỡng, thân quen; trong đó có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao.

Đồng Tháp đang từng bước xây dựng hình ảnh nhận diện, trong đó khắc sâu niềm tự hào “Công dân Đất Sen hồng” gắn với phát huy văn hóa, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo nhằm nâng cao hình ảnh tỉnh Đồng Tháp theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp, giàu bản sắc văn hóa địa phương.

Việt Tiến

Tag:

File đính kèm