Sign In

Phải hoàn thành ban hành văn bản thi hành Luật Đất đai trước 15-10

10:19 09/10/2024
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

   

​(GLO)- Chiều 8-10, Tại Hà nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.​

Dự tại điểm cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

dong-chi-duong-mah-tiep-pho-chu-tich-ubnd-tinh-du-va-chu-tri-tai-diem-cau-gia-lai-5820.jpg

Đồng chí Dương Mah Tiệp-Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam

Theo báo cáo của Bộ tài nguyên và Môi trường: Luật Đất đai đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-8-2024. Triển khai Luật Đất đai năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tập trung xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên đến nay mới có 47/63 tỉnh, thành phố đã ban hành một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (song, chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền); 13 địa phương gồm: Cao Bằng, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau đã được thẩm định, đang hoàn thiện để ban hành; 3 địa phương gồm: Phú Yên, Bình Phước, An Giang chưa được thẩm định.

Sau thời gian 2 tháng thi hành, cho thấy các chính sách mới đã mang lại hiệu quả như: phân cấp, phân quyền về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, xác định giá đất, cấp giấy CNQSDĐ, lấn biển,… đã tạo được sự đồng thuận của đa số người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự thống nhất của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương góp phần giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm bắt tình hình, phản ánh của cơ quan thông tin và báo cáo của các địa phương, việc tổ chức thi hành còn có một số điểm nổi lên như: đa số địa phương còn khó khăn, lúng túng nên chưa ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản triển khai thi hành Luật thuộc thẩm quyền; vướng mắc liên quan đến điều chỉnh bảng giá đất theo quy định; việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở chưa được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch tạo điều kiện để các đối tượng đầu cơ đất đai...

cac-dai-bieu-tham-du-hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-ve-tinh-hinh-trien-khai-luat-dat-dai-luat-nha-o-luat-kinh-doanh-bat-dong-san-tai-diem-cau-gia-lai-5546.jpg

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam

Còn báo cáo Bộ Xây Dựng: Theo quy định tại Luật Nhà ở, có 10 nội dung thuộc thẩm quyền hướng dẫn của địa phương (1 nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và 9 nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh). Đến nay, theo báo cáo nhanh của các địa phương có 12 địa phương ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở, gồm: Lào Cai, Lai Châu, Bắc Ninh, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Bình Định, Tây Ninh, Cà Mau; 51 địa phương chưa ban hành (41 địa phương đang xây dựng hoặc đang trình lấy ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp, 10 địa phương đang trình UBND tỉnh xem xét, ban hành).

quang-canh-truc-tuyen-toan-quoc-ve-tinh-hinh-trien-khai-luat-dat-dai-luat-nha-o-luat-kinh-doanh-bat-dong-san-tai-diem-cau-gia-lai-4993.jpg

Quang cảnh trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có liên quan chặt chẽ, mật thiết đến việc triển khai các nhiệm vụ, dự án cụ thể phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Mục tiêu là tháo gỡ khó khăn, đề ra một số chủ trương, chính sách mới để tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển, trong đó có thị trường bất động sản, bảo đảm chế độ chính sách về nhà ở. Với sự cần thiết đó, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội và được sự đồng thuận cao của Quốc hội cho phép các luật này có hiệu lực sớm trước 5 tháng so với kế hoạch. Đến nay, Chính phủ đã cùng với các địa phương xây dựng đã ban hành đồng bộ các văn bản theo thẩm quyền. Tuy nhiên, đến ngày 7-10-2024, chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Còn một số địa phương chưa ban hành văn bản nào để triển khai thực hiện. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm ban hành các quyết định theo thẩm quyền...

Đồng thời, Phó Thủ tướng chính phủ cũng đề nghị các địa phương cần đề xuất rõ những khó khăn, vướng mắc để Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các bộ trưởng tháo gỡ, giải quyết. Mục tiêu cuối cùng là tăng tốc để hoàn thành việc ban hành các văn bản thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, đáp ứng yêu cầu hết sức cấp bách, cần thiết của cuộc sống nhằm tháo gỡ khó khăn để đến trước ngày 15-10, sẽ không còn địa phương nào chưa hoàn thành việc ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền.

LÊ NAM – GLO

Tag: