Tham dự hội nghị có đồng chí Siu Hương - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; đại diện Ban Văn hóa Xã hội, Ban Kinh tế Ngân sách -HĐND tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh; đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan; cùng đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã thành phố.
Quang cảnh hội nghị
Theo báo cáo tại hội nghị, hoạt động kinh doanh du lịch 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, tổng lượt khách tham quan, du lịch ước đạt 765.000 lượt, tăng 23% so với cùng kỳ và đạt 58% so với kế hoạch (trong đó: khách quốc tế ước đạt 6.400 lượt, khách nội địa ước 758.600 lượt); tổng thu du lịch ước đạt khoảng 465 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, đạt 54% so với kế hoạch. Phấn đấu năm 2024 có tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Gia Lai đạt 1.320.000 lượt, tăng 10% so với năm 2023; trong đó: khách quốc tế 10.000 lượt, khách nội địa 1.310.000 lượt. Tổng thu du lịch dự kiến đạt 860 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, hoạt động du lịch trong thời gian qua vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Theo Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Gia Lai hiện hành, hầu hết các khu điểm du lịch đề ra chưa được tiến hành quy hoạch chi tiết lập đề án phát triển du lịch cụ thể và chưa gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất một cách rõ ràng, cho nên khi triển khai du lịch thường gặp vướng mắc, nhất là đất sử dụng làm du lịch thuộc đất nông nghiệp, mặt nước sông suối, lòng hồ thủy lợi, thủy điện và đất có rừng; thực trạng các mô hình farmstay, homestay tự phát quy mô xây dựng chưa bài bản, còn mang tính tạm thời nên chưa đáp ứng nhu cầu của du khách…
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe tham luận về phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh gia lai; giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng gắn với công tác quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất trong phát triển du lịch; giải pháp triển khai công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch của tỉnh; một số đóng góp của ngành khoa học và công nghệ trong phát triển du lịch; phát triển du lịch kết hợp trang trại, du lịch sinh thái dưới tán rừng… Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương đã nêu những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ; đề xuất định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch phụ trách UBND Nguyễn Thị Thanh Lịch tỉnh kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh tiềm năng khai thác, phát triển du lịch của tỉnh Gia Lai là rất lớn. Thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng phát triển dịch vào hai cụm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng và Khu danh thắng Biển hồ - Núi lửa Chư Đăng Ya. Do đó, Phó Chó tịch phụ trách UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ quảng bá hình ảnh về hai cụm du lịch này gắn với xác định các sản phẩm dịch đặc trưng, các dịch vụ kèm theo nhằm đáp ứng nhu cầu của khách. Cùng với đó, yêu cầu các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh về kế hoạch, nội dung thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch; đồng thời, có các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn về du lịch. Yêu cầu các địa phương trong hoạt động phát triển du lịch cần chú trọng đến việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa. Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành xây xựng kế hoạch quản lý, khai thác, vận hành Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng. Giao Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng các thương hiệu sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý gắn với thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch tỉnh Gia Lai./.