Sign In

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang

08:52 06/12/2024
Hà Giang là tỉnh luôn tích cực đi đầu trong việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội; thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Hà Giang, các hoạt động tín dụng chính sách đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được triển khai rộng rãi, đồng bộ và hiệu quả.

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và có thu nhập ổn định, có cơ hội học tập, vươn lên thoát nghèo, từng bước nâng cao điều kiện sống.  Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã nhận thức rõ về vai trò, vị trí cũng như tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững. Thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực tín dụng chính sách xã hội, để bảo đảm có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo đó, nguồn vốn trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn NHCSXH tự huy động được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương, thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội thời gian qua đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện đang triển khai thực hiện trên 19 chương trình tín dụng chính sách và các chương trình do địa phương ủy thác thực hiện. Các cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; các tổ chức hội đoàn thể đã thực hiện tốt các nội dung nhận ủy thác từ NHCSXH; hội đoàn thể các cấp đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trên địa bàn và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; làm tốt công tác bình xét cho vay; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ, thu lãi, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu... đưa đồng vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả; ưu tiên nguồn vốn cho vay để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững của hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào cuộc sống đã giúp hoạt động tín dụng chính sách xã hội mang lại hiệu quả tích cực, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang; nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 193/193 xã, phường, thị trấn, 100% thôn, bản, tổ khu phố; tổng doanh số cho vay đạt 10.200 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng đã giúp trên 69 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 29.240 lao động; xây dựng 57.163 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn đảm bảo theo tiêu chuẩn; 1.268 căn nhà ở cho hộ nghèo, 49.973 hộ gia đình tại vùng khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng 355 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, giai đoạn 2016-2021 tỷ lệ hộ nghèo giảm 25,11%, (từ 43,65 xuống còn 18,54%); giai đoạn 2022-2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm 10,96% (từ 42,08% xuống còn 31,12%); …

 Gia đình chị Mua Mí Và, thôn Mã Pí Lèng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc vay vốn chương trình hộ nghèo nuôi bò, dê để gia đình có cơ hội thoát nghèo

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian qua, việc triển khai các hoạt động chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Nguồn lực để thực hiện một số chương trình tín dụng chính sách hiện nay còn hạn chế so với nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh; cùng với đó diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo có nguy cơ tái nghèo khi gặp rủi ro nên đã ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách xã hội chưa thật sự gắn kết nên còn một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững…

Để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới cần tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình công tác thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Hai là, tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững của NHCSXH. Chỉ đạo rà soát, xây dựng cơ chế đặc thù của địa phương và ban hành chính sách tín dụng ưu đãi bảo đảm các đối tượng thụ hưởng đều được vay vốn khi có nhu cầu, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Ba là, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; công tác điều tra, xác định đối tượng được vay vốn; phối hợp có hiệu quả giữa các hoạt động tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của NHCSXH, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả.

Bốn là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh trong việc tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội đối với quá trình thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, các mô hình giúp nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Năm là, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác gắn với tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức tự vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo và đối tượng chính sách, giảm dần sự trông chờ, lệ thuộc vào trợ cấp của Nhà nước. Phối hợp xây dựng các chương trình, dự án, gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

Sáu là, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, hội đoàn thể với NHCSXH, tạo điều kiện cho NHCSXH sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng./.

Tag:

File đính kèm