Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Huyện uỷ cùng lãnh đạo huyện Đồng Văn thăm mô hình "Dân vận khéo" trong tuyên truyền, vận động người dân phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú
Sau 03 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 53-KH/TU, ngày 10/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về "Triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021 - 2025, tại huyện Đồng Văn các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các Tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, sát với tình hình thực tế đem lại hiệu quả thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh trên địa bàn huyện. Từ đó nhận thức của nhân dân về ý nghĩa của phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng.
Đến nay, toàn huyện đã đăng ký, triển khai thực hiện được 185 mô hình, trong đó Kinh tế 104 mô hình; Văn hóa xã hội 48 mô hình; Quốc phòng an ninh 21 mô hình; Xây dựng hệ thống chính trị 12 mô hình. Nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả và được nhân rộng, tiêu biểu như: Mô hình “Dân vận khéo” trong tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất xấu trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, đã vận động người dân chuyển đổi được 198,6 ha ngô kém hiệu quả sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao, sau khi chuyển đổi cho thu nhập cao gấp 4-12 lần so với trồng ngô hay như mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển chăn nuôi: tiêu biểu như tại xã Tả Phìn có mô hình “Dân vận khéo” về chăn nuôi tổng hợp ở thôn Tả Phìn B, nuôi lợn nái, nuôi ong của hộ ông Giàng Súa Dia cho thu nhập bình quân 120 triệu đồng/năm; xã Thài Phìn Tủng có mô hình “Dân vận khéo” về nuôi lợn thịt, lợn nái tại thôn Mua Xúa, thôn Thài phìn Tủng của hộ ông Giàng Mí Nô, ông Vừ Mí Sính, hàng năm cho thu nhập 100 triệu-120 triệu đồng/hộ/năm…
Cán bộ, công chức, viên chức xã Lũng Táo (Đồng Văn) ra quân thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" năm 2024 về xây dựng nông thôn mới, cải tạo vườn tạp tại thôn Hồng Ngài
Trong lĩnh vực văn hoá - xã hội nổi bật có các mô hình như: Mô hình “Dân vận khéo” về tuyên truyền xoá bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Mô hình này đã xây dựng và nhân rộng đư ợc 07 mô hình, bước đầu đã đem lại hiệu quả hay như mô hình “Dân vận khéo” về “Tự quản về vệ sinh môi trường nông thôn” của Mặt trận Tổ quốc huyện được triển khai tại 61 thôn ở 19 xã, thị trấn, đã tổ chức được 600 buổi lao động vệ sinh, thu hút được 35.314 người tham gia. Kết quả nhân dân xây mới được 153 nhà tắm, 176 nhà vệ sinh, 83 bể nước, láng bó nền nhà được 111 và vận động nhân dân hiến đất xây dựng nông thôn mới được 5.300m2, lắp đặt được 110 đèn năng lượng mặt trời. Mô hình “Dân vận khéo” về “Học tập cộng đồng xoá mù chữ” của Hội Phụ nữ huyện đã mở được 23 lớp với 505 chị em tham gia học tập.
Trong lĩnh vực quốc phòng an ninh nổi bật có các mô hình đã phát huy hiệu quả như: Mô hình “Dân vận khéo” về “Tự quản về ANTT” của Công an huyện với 225/225 tổ tự quản về ANTT. Mô hình “Dân vận khéo” về “Tổ an ninh tự quản” của Đồn Biên phòng Lũng Cú thực hiện tại 21 thôn trên địa bàn 02 xã Ma Lé, Lũng Cú. Mô hình “Dân vận khéo” về “Tiếng kẻng an ninh biên giới và chiếc gậy an toàn” tại các thôn Tả Giao Khâu, Thèn Ván, Xín Mần Kha xã Lũng Cú; mô hình “An ninh tự quản” ở 11/11 thôn tại xã Sà Phìn…
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Huyện uỷ Đồng Văn cùng các đồng chí Lãnh đạo huyện thăm mô hình "Dân vận khéo" trong công tác vận động người dân trồng cây ăn quả gắn với phát triển du lịch tại tổ 7, thị trấn Đồng Văn
Trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị nổi bật như: Mô hình “Dân vận khéo” trong sinh hoạt chi bộ thôn luôn phiên ở 19/19 xã thị trấn. Mô hình “Dân vận khéo” trong việc tiếp công dân tại Văn phòng HĐND&UBND huyện, của bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”. Mô hình “dân vận khéo” của Ban Tuyên giáo Huyện uỷ về “Nghị quyết 1 trang”….
Để có được những trái ngọt từ những mô hình “Dân vận khéo”. Theo lãnh đạo Huyện uỷ cho hay: phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng của phong trào thi đua “Dân vận khéo” bằng nhiều hình thức phong phú như: tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị, sinh hoạt thôn, trên mạng xã hội Zalo, Facebook, hệ thống thông tin truyền thông đài truyền thanh, truyền hình của huyện, trên hệ thống loa truyền thanh của xã và tuyên truyền lưu động, … cùng với đó là gắn với công tác tuyên truyền là xây dựng các mô hình, điển hình trong “Dân vận khéo” trên các tất cả lĩnh vực cụ thể, thiết thực với người dân.
Bài, ảnh: Dương Ngọc Đức (Đồng Văn)