Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang truyền đạt các nội dung liên quan đến Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại huyện Mèo Vạc.
Nhất quán từ chủ trương của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang tiếp tục bền bỉ, nỗ lực không ngừng nghỉ trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo. Với phương châm “không cam chịu đói nghèo”, “Biến khó khăn thành cơ hội phát triển”… Nhiều chương trình, dự án lớn được triển khai thực hiện. Hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm từng bước được hoàn thiện. Phong trào thanh niên xung phong xoá mù chữ, chương trình hỗ trợ mỗi hộ dân một mái nhà, một bể nước, một con bò; dự xây dựng các hồ treo chứa nước…đã góp phần ổn định đời sống Nhân dân. Việc xây dựng nông thôn mới được cụ thể hoá phù hợp với đặc thù riêng của tỉnh và triển khai với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã thu hút được sự tham gia của toàn xã hội để thực hiện xây dựng bộ mặt nông thôn ở Hà Giang ngày càng đổi mới. Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh ước giảm được 33.163 hộ nghèo; đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% vào đầu năm 2016 xuống còn 22,29% vào cuối năm 2020.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước đời sống của người còn nhiều khó khăn, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Theo chuẩn nghèo mới đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, năm 2022, tỉnh ta có 79.102 hộ nghèo, chiếm 42,08% số hộ toàn tỉnh. trong đó tại 7 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm từ 48,83% - 67,96%. Nguyên nhân các hộ nghèo do thiếu đất sản xuất, nguồn vốn, lao động, công cụ, phương tiện sản xuất, kiến thức và kỹ năng lao động, ốm đau, bệnh nặng. Đồng thời, các hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: Việc làm, dinh dưỡng của trẻ em, trình độ văn hóa của người lớn, bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và tiếp cận thông tin.
Với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 03 đột phá, 05 nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội và cụ thể hoá thành nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình, dự án trọng điểm. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện 03 chương trình: Cải tạo vườn tạp, xây dựng nhà ở cho cựu chiến binh nghèo, gia đình chính sách, hộ nghèo và bà trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh… đã tạo một bước đột phá lớn về tư duy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống về mọi mặt cho người dân. Ngày 27/4/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 26 về tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025 để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Bám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm trở lên; trong đó tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm 6%/năm trở lên. Theo đó, nhiều giải pháp thiết thực đã được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện.
Trọng tâm là tổ chức triển khai thực hiện các dự án về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và thúc đẩy phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật; thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng giá trị kinh tế và bền vững, triển khai nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, tạo sinh kế, việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo.
Song song với đó là chú trọng thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực Chương trình giảm nghèo bền vững) đã chủ động bám sát cơ sở, tích cực, hiệu quả trong triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo, như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục; hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các huyện nghèo, xã nghèo như đường giao thông liên xã, liên thôn; trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt… Đặc biệt, việc triển khai tích cực 07 dự án giảm nghèo (Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình) đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh nói chung, đặc biệt là người dân vùng cao, vùng xau, vùng đặc biệt khó khăn nói riêng được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản nên có nhiều cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Đồng thời, thực hiện mục tiêu tập trung quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh, Sở đã triển khai thực hiện tích cực các hoạt động hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm cơ hội tiếp cận, tìm kiếm việc làm trong nước và nước ngoài, đặc biệt chú trọng việc hỗ trợ kết nối việc làm ổn định cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Tập trung đào tạo các ngành nghề phù hợp cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Năm 2023, thực hiện giải quyết việc làm cho trên 27.300 lao động, tổ chức 270 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp cho 17.204 người, giới thiệu việc làm thành công cho 1.008 người, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 1.871 người.
Tăng cường tổ chức các hoạt động hỗ trợ kết nối giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho người lao động.
Với những nỗ lực trên, năm 2023, Hà Giang đã giải ngân trên 450 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư phát triển, đạt 92,63% kế hoạch, toàn tỉnh giảm 13.276 hộ nghèo đa chiều, tương đương giảm 7,34%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 42,61%. Điều đáng ghi nhận là, người dân đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững. Từ các chương trình, dự án, mô hình thoát nghèo và công tác tuyên truyền, vận động, đã khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
Trong thời gian tới, Để thực hiện tốt công tác thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, cần tiếp tục: Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác giảm nghèo bền vững, đồng thời, khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo. Chú trọng sử dụng hiệu quả, linh hoạt giữa nguồn vốn ngân sách, vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, Quỹ vì người nghèo…. Đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm, đào tạo việc làm. Thường xuyên công khai, minh bạch các chính sách tín dụng, rà soát nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng chính sách. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách về hỗ trợ giảm nghèo. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Chỉ có triển khai một cách thường xuyên và đồng bộ các giải pháp trên cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành mới có thể thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.