Sign In

Học Bác cách đánh giá cán bộ

16:23 01/10/2023
CTTBTG - Đánh giá cán bộ là việc xác định đúng ai tốt, ai xấu, mặt nào mạnh, mặt nào yếu; khả năng công tác của họ thế nào, để từ đó mà bố trí, sử dụng cho đúng người, đúng việc. Bác chỉ rõ: “Ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu của họ”.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) về công tác quy hoạch ruộng đất, ngày 25-1-1961. Ảnh: Tư liệu

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo, bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng có đủ đức và đủ tài phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu nói cán bộ là một trong những khâu quan trọng, quyết định thành công hay thất bại của cách mạng, thì đánh giá là khâu rất quan trọng trong việc sử dụng cán bộ, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn trong việc phát huy sức mạnh của đội ngũ cán bộ, nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; đánh giá cán bộ chính xác là cơ sở cho việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, chỉ hai năm sau đó, Bác viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10/1947), Người đã khẳng định: Cán bộ là cái gốc của mọi việc, công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Như vậy, công tác cán bộ là cái gốc của công tác xây dựng Đảng, vì cán bộ tốt hay xấu một phần rất quan trọng phụ thuộc vào công tác cán bộ; khi khẳng định cán bộ là “gốc” của mọi công việc thì đánh giá đúng cán bộ là “gốc” của công tác cán bộ.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp” [1]. Người cho rằng, hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ mới có cơ sở để quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng đúng cán bộ, đồng thời có tác dụng kích thích mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cán bộ “Biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực”. Để đánh giá đúng cán bộ, Người yêu cầu phải có quan điểm biện chứng. Bởi vì, mọi sự vật, hiện tượng đều không ngừng biến đổi, theo Người: “Trong thế giới, cái gì cũng biến hoá”; con người là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội khách quan, “Từng lớp xã hội khác nhau, trình độ, văn hoá khác nhau; tính tình cá nhân cũng không giống hệt” [2]. Đánh giá cán bộ là việc xác định đúng ai tốt, ai xấu, mặt nào mạnh, mặt nào yếu; khả năng công tác của họ thế nào, để từ đó mà bố trí, sử dụng cho đúng người, đúng việc. Bác chỉ rõ: “Ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu của họ”. Cán bộ là con người và “Hiểu biết cán bộ là một điều rất khó”, vì thế trong khi xem xét đánh giá cán bộ, Hồ Chí Minh yêu cầu phải hết sức thận trọng, khách quan, có quan điểm phát triển và không định kiến: “Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng phải luôn luôn tuỳ theo hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác, để cho họ phát triển năng lực và sáng kiến của họ, đúng với đường lối của Đảng”; “Một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau” [3].

Theo Hồ Chí Minh việc đánh giá cán bộ phải được tiến hành ở nhiều chiều hướng: Cán bộ cấp trên đánh giá cán bộ cấp dưới; thủ trưởng đánh giá nhân viên; quần chúng đánh giá cán bộ, đảng viên; cán bộ, đảng viên đánh giá quần chúng, v.v.. Đảng ta là đảng cầm quyền nên công tác đánh giá cán bộ trước hết là trách nhiệm của Đảng, cụ thể là của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp ủy và tổ chức đảng nơi người cán bộ, đảng viên đang sinh hoạt.

Để đánh giá đúng cán bộ, đòi hỏi người đánh giá phải công tâm, vô tư, “dĩ công vi thượng”. Do đó, bản thân người đánh giá cũng phải tự biết mình. Người nhắc nhở: “Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”. Không chỉ dừng lại ở sự biết mình, Hồ Chí Minh yêu cầu bản thân người đánh giá cán bộ “trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì xem xét cán bộ càng đúng”. Nếu người đánh giá cán bộ mắc phải các khuyết điểm: 1. Tự cao tự đại; 2. Ưa người ta nịnh mình; 3. Do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người; 4. Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau. Phạm một trong bốn bệnh đó thì cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông”. Do đó, chất lượng của công tác đánh giá cán bộ phụ thuộc không nhỏ vào phẩm chất, năng lực, tinh thần trách nhiệm của người có thẩm quyền đánh giá.

Người nhận thức rõ, khi xem xét, đánh giá cán bộ, “quyết không nên chấp nhất” mà phải có cái nhìn toàn diện. Việc đánh giá cán bộ không thể chỉ căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài của họ, mà phải đi sâu tìm hiểu bản chất của họ; không thể chỉ dựa vào một việc làm của họ, mà phải tìm hiểu tất cả các công việc mà họ thực hiện; không thể chỉ xem xét cán bộ trong một thời điểm, mà phải thấy rõ lịch sử của họ. Người chỉ rõ: “Xem xét cán bộ không nên chỉ xem xét mặt ngoài mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xét một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ” [4]. Khi người đánh giá cán bộ có cái nhìn toàn diện, lịch sử như vậy, thì mới có thể đánh giá cán bộ một cách đúng đắn, công tâm, khách quan.

Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu đối với người làm công tác đánh giá phải có lòng vị tha, độ lượng, khoan dung vì là người ở đời, ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm. Do đó, việc đánh giá phải nêu rõ cả ưu điểm và khuyết điểm; khi đánh giá khuyết điểm phải tìm hiểu nguyên nhân, động cơ của khuyết điểm và cán bộ mắc khuyết điểm trong việc gì thì phê bình việc đó, “Ta nhận họ tốt, xong phải xem xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không. Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ”. Trong đánh giá cán bộ phải giúp họ tự nhận thức để phát huy ưu điểm, sở trường thế mạnh, sửa chữa khắc phục khuyết điểm, đồng thời “Sau khi đã cất nhắc phải giúp đỡ họ, khuyên gắng họ, vun trồng lòng tự tin, tự trọng của họ. Ai cũng có lòng tự trọng, tự tin. Không có lòng tự tin, tự trọng thì là người vô dụng” [5].

Trong nhận định, đánh giá cán bộ phải thực sự sáng suốt, tinh tườngchodù hiệu quả công việc là một tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ nhưng lòng chí công vô tư, phẩm chất đạo đức là rất quan trọng. Hồ Chí Minh cho rằng, đức là gốc của tài, người thực sự có đức thì cái tài sẽ đến. Khi nhìn nhận, đánh giá cán bộ phải tính đến khả năng phát triển của họ trên nền tảng vững chắc là đạo đức cách mạng. Người khẳng định: “Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt. Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”.

Công tác đánh giá cán bộ cần được tiến hành thường xuyên. Mỗi khi cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ, trước đó phải tiến hành đánh giá cán bộ. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những công tác của họ mà còn phải xem xét sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào”. Đặc biệt, “Phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục hay không. Lại xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc” [6]. Trên cơ sở xem xét, đánh giá cán bộ một cách kỹ lưỡng và trên nhiều phương diện, việc cất nhắc, sử dụng cán bộ mới chính xác và hiệu quả. Ngược lại, nếu không đánh giá cẩn thận thì dẫn đến việc cất nhắc “không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm vào những vị trí lãnh đạo. Như thế rất có hại” [7]. Do đó, việc xem xét, đánh giá cán bộ phải dựa trên những tiêu chuẩn cán bộ chứ không xuất phát từ sự áp đặt, chủ quan của cá nhân. Có như vậy thì mới hiểu biết đúng cán bộ và là cơ sở để giúp cho công việc sử dụng cán bộ phù hợp, phát huy được phẩm chất và năng lực của người cán bộ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Những kinh nghiệm, những lời dạy quý báu, thấu đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang được cụ thể hóa thành những quan điểm, chủ trương của Đảng ta luôn có ý nghĩa to lớn và có giá trị sâu sắc. Nghiên cứu, học tập, vận dụng tư tưởng của Người và quan điểm chủ trương của Đảng để thực hiện tốt hơn công tác đánh giá cán bộ, sao cho đạt kết quả chính xác hơn, góp phần đổi mới đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng hiện nay, do đó cần tập trung vào một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, thường xuyên quán triệt sâu sắc nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ.Thực hiện biện pháp này chính là tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cán bộ, trong đó có đánh giá cán bộ. Việc đánh giá cán bộ được thực hiện theo quy trình, quy chế, công khai, theo nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Mọi vấn đề về chủ trương, chính sách, đánh giá, sử dụng cán bộ nhất thiết phải do tập thể có thẩm quyền quyết định sau khi lắng nghe đầy đủ ý kiến của các cơ quan có liên quan và ý kiến đóng góp của quần chúng trong cơ quan, đơn vị đó. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá, sử dụng cán bộ. Đặc biệt, hiện nay, cần nghiêm túc thực hiện Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Việc trọng dụng cán bộ cho hệ thống tổ chức phải đúng tiêu chuẩn do Đảng và Nhà nước quy định, mạnh dạn bổ nhiệm những cán bộ trẻ đã được rèn luyện, thử thách, được đào tạo, có đủ tiêu chuẩn vào những chức danh lãnh đạo, quản lý thích hợp. Bảo đảm ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. Cá nhân người lãnh đạo quản lý phát huy trách nhiệm của mình trong việc đề xuất, nhận xét, đánh giá khách quan về cán bộ. Tập thể, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan đơn vị thảo luận, nhận xét đánh giá cán bộ, quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm cán bộ một cách công khai, dân chủ. Cấp ủy, người lãnh đạo là những người trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện, giúp đỡ; đồng thời là người nhận xét, đánh giá, cất nhắc, đề bạt cán bộ, có ảnh hưởng trực tiếp đến “sinh mệnh chính trị” của cán bộ. Vì vậy, đòi hỏi cấp ủy, người lãnh đạo phải thực sự công tâm, trung thực, khách quan và có tinh thần độ lượng, bao dung, “chí công, vô tư” vì sự phát triển, tiến bộ của cán bộ và vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước.

Thứ hai,phát huy vai trò của cơ quan chuyên trách tham mưu công tác cán bộ; thực hiện đúng nguyên tắc công tác đánh giá cán bộĐể cấp ủy đảng thực hiện tốt việc đánh giá, sử dụng cán bộ, các cơ quan chuyên trách tham mưu công tác cán bộ cho cấp ủy có vai trò rất quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, trong việc đánh giá, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Do vậy, đội ngũ này phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường chính trị, tư tưởng; thật sự là những người hội đủ cả đức lẫn tài, phải vừa có tâm vừa có tầm; phải biết nhìn xa, trông rộng, phải hiểu biết về con người, thực sự quan tâm và yêu thương cán bộ, phải thật sự vô tư trong sáng, phải có tư chất của người làm công tác tổ chức cán bộ, phải được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về công tác này... Vì vậy, các cơ quan làm công tác tham mưu phải phát huy tính độc lập tương đối trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, sáng suốt và thận trọng trong điều tra, nghiên cứu các ý kiến đóng góp và dư luận của quần chúng để có kết luận đúng đắn, rõ ràng về cán bộ. Đồng thời, xác định rõ công tác cán bộ không phải là việc riêng ai, mà là việc chung cho nhân dân, cho đất nước; phải có bản lĩnh và am hiểu, thực hiện đúng quy trình, quy chế trong công tác đánh giá cán bộ.

Thứ ba, đánh giá cán bộ một cách toàn diện, chú trọng lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách được giao. Để làm tốt việc đánh giá cán bộ, trước hết từng cấp, từng ngành, từng đơn vị trong hệ thống chính trị phải trên cơ sở tiêu chuẩn chung để xác định tiêu chuẩn về mọi mặt cho từng chức danh cán bộ; cán bộ căn cứ vào đó tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu; đồng thời phải có cơ chế phân công, giao trách nhiệm rõ ràng trên tinh thần “cá nhân phụ trách”. Trên cơ sở những tiêu chuẩn đó, cũng như hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ công tác thực tế theo chức trách được giao của cán bộ mà xem xét đánh giá. Chỉ có dựa vào tiêu chuẩn, hiệu quả của toàn bộ công việc mà xét chất lượng người cán bộ, mới thấy rõ mặt mạnh, mặt yếu, mặt đúng và mặt chưa đúng ở cán bộ. Đánh giá năng lực cán bộ nên lưu ý các khía cạnh về kiến thức, sự hiểu biết và sự vận dụng kiến thức đó vào cuộc sống. Ngăn ngừa, khắc phục những biểu hiện chưa đúng đắn, những tác động, chi phối không cần thiết trong đánh giá cán bộ; tránh những định kiến, chủ quan, áp đặt trong đánh giá cán bộ. Theo Hồ Chí Minh: “phê bình việc” chứ không phải “phê bình người”, tức là nhận xét, đánh giá công việc cán bộ làm, chứ không phải kẻ vạch, công kích vào tính cách riêng của bản thân người cán bộ.

Trong giai đoạn mới, công tác đánh giá cán bộ nhất thiết phải thực hiện nghiêm túc theo đúng quan điểm của Đảng là phải căn cứ vào hiệu quả công tác, khả năng đoàn kết, quy tụ, phát huy sức mạnh của tập thể, tạo ra sự tiến bộ và kết quả cụ thể trong ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị mình phụ trách; không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu. “Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được bổ sung, hoàn thiện, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu. Không bổ nhiệm cán bộ không đủ tài, đủ đức, cơ hội chủ nghĩa” [8]. Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta nhấn mạnh: “Coi trọng đánh giá chất lượng, hiệu quả, sản phẩm thực tế theo chức trách, nhiệm vụ được giao và đề cao trách nhiệm người đứng đầu” [9]. Như vậy, Đảng ta yêu cầu phải thực hiện việc đánh giá cán bộ đúng đắn, khách quan, coi trọng tính hiệu quả để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp; cấp ủy các cấp cần quan tâm xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như công việc; biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ  “dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung” [10]. Thông qua đó, họ có cơ hội để phát triển, trở thành cán bộ có đức, có tài, mãi xứng đáng là người lãnh đạo, “người đầy tớ” trung thành của nhân dân.

Thứ tư, đề cao ý thức tự đánh giá, thực hiện công khai hóa kết quả đánh giá cán bộ. Không ai có thể hiểu mình hơn chính bản thân mình. Do đó, trong công tác này phải để cho cán bộ tự đánh giá. Người lãnh đạo phải biết cách gợi mở, động viên, khuyến khích cán bộ tự đánh giá, đồng thời phải thực sự trân trọng, tin tưởng ở cán bộ, biết lắng nghe cán bộ. Có như vậy cán bộ mới cảm thấy yên tâm, không có điều gì băn khoăn, e ngại, và thực sự tự giác, bình tĩnh, thành khẩn trong nhận xét những ưu, khuyết điểm ở mình. Trước khi đề bạt, bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ cũng nên tạo cơ hội cho cán bộ tự nhận xét, đánh giá khả năng của mình trong việc đảm đương nhiệm vụ mới sắp tới. Các nơi cần thực hiện tốt hơn công khai hóa việc đánh giá cán bộ cho tập thể cơ quan, đơn vị đều biết. Cá nhân cán bộ được đánh giá nhất thiết phải được biết ý kiến đánh giá của tập thể, của những người có thẩm quyền, của lãnh đạo cấp trên về mình. Đồng thời cán bộ phải được có ý kiến phản hồi về những nhận xét chưa chính xác, chưa đúng đắn và có quyền đòi hỏi phải được điều chỉnh, sửa đổi, nhận xét lại về mình. Thực hiện tốt vấn đề này sẽ tạo động lực để những cán bộ có phẩm chất và năng lực thực sự cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng.

Tóm lại, cuộc sống luôn là những hành trình không bằng phẳng. Chỉ thực sự dấn thân vào thử thách trên con đường mình đi, hành động, sáng tạo, con người mới có thể đạt được mục đích. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cần có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám hy sinh vì lợi ích chung, biết đặt mình trong tập thể, cùng mọi người hợp thành một tập thể cùng chung ý chí, cùng chung hành động, chắc chắn sẽ biết cách biến thách thức thành cơ hội để đạt được những mục tiêu tốt đẹp hơn.

Điều quan trọng là để Nghị quyết, quy định, quy chế đi vào cuộc sống, trở thành động lực thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm thì tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cơ quan đơn vị phải thật sự có tâm trong ứng xử, có tầm trong lãnh đạo, điều hành; quyết đoán nhưng không độc đoán, biết tạo môi trường làm việc văn minh, văn hóa; biết mang đến cho mọi người cơ hội công bằng trong sáng tạo, cống hiến và được ghi nhận; biết rõ “vai trò then chốt” của cán bộ. Nếu không, thì mọi cơ chế, dù tiến bộ, nhân văn đến mấy, cũng chỉ nằm trên giấy mà thôi.

Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 313.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 316.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 317-318.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 318.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 322.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 314.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 314.

[8] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr. 261.

[9] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, H.2021, tập I, tr.242.

[10] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd,, tập I, tr.42.


Thượng tá Đặng Công Thành (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)

Tag:

File đính kèm