Sign In

“Gạn đục khơi trong” dựng xây no ấm

08:40 08/11/2023
Mảnh đất biên cương Hà Giang đa sắc màu văn hóa với nhiều nét đẹp truyền thống được bảo tồn và phát huy. Nhưng vẫn còn không ít hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong đời sống người dân. Để dựng xây no ấm, tỉnh đã có những quyết sách hợp “ý Đảng – lòng dân”, quyết tâm “gạn đục khơi trong” nhằm phát triển văn hóa và con người Hà Giang tiên tiến, đậm đà bản sắc.

Đồng diễn múa khèn Mông tại sân vận động huyện Mèo Vạc.
Đồng diễn múa khèn Mông tại sân vận động huyện Mèo Vạc.

Nhận diện rõ một trong những nguyên nhân khiến cái nghèo đeo bám đời sống người dân, đó là hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, ngày 10.5.2021, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 09 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị 09). Một năm sau, ngày 1.5.2022, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 27 về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 27). Các chỉ thị và nghị quyết  “thấm” vào đời sống và làm đổi thay cuộc sống đồng bào.

Để đưa Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 vào cuộc sống, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân với phương châm “mưa dầm thấm lâu” và nhất quán quan điểm “thường xuyên, liên tục, hiệu quả, bền vững”; quyết tâm “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Tính riêng việc thực hiện Nghị quyết 27, chỉ sau hơn 1 năm, toàn tỉnh tổ chức 651 hội nghị, hội thảo bàn giải pháp xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh; tổ chức 7.100 buổi tuyên truyền, thu hút gần 614 nghìn lượt người tham gia. Mặt khác, tinh thần nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên là “chìa khóa” để huy động nguồn lực, sức mạnh trong nhân dân và kịp thời phát hiện, biểu dương những điển hình tốt; phê phán, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong thực hiện xóa bỏ hủ tục.

Dòng họ Vàng dân tộc Mông, thôn Xì Phài, xã Lao Và Chải (Yên Minh) họp thống nhất nội dung về tổ chức lễ tang lành mạnh, tiết kiệm.             ảnh: Duy Tuấn

Dòng họ Vàng dân tộc Mông, thôn Xì Phài, xã Lao Và Chải (Yên Minh) họp thống nhất nội dung về tổ chức lễ tang lành mạnh, tiết kiệm. Ảnh: Duy Tuấn

Đến nay, việc bài trừ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới chuyển biến tích cực; nhiều mô hình, cách làm hiệu quả được quan tâm thực hiện. Các đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh, với tinh thần vui tươi, tiết kiệm hơn so với trước; các nghi lễ như dạm ngõ, ăn hỏi, xin dâu, lại mặt, đăng ký kết hôn… được đơn giản hóa, gọn nhẹ, cơ bản phù hợp với văn hóa truyền thống của từng dân tộc và điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình; hôn lễ được tổ chức trang trọng, phù hợp với thuần phong mỹ tục của từng dân tộc… Việc tang cơ bản thay đổi hình thức phúng viếng, đi lễ, trả lễ bằng gia súc, gia cầm, hiện vật trong đám tang sang các hình thức khác phù hợp hơn; hạn chế mổ nhiều gia súc, gia cầm trong đám tang, góp phần chống lãng phí. Không còn việc tổ chức đám tang dài ngày, người chết được đưa vào áo quan. Các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc được tổ chức với nội dung phong phú, lành mạnh, vui vẻ, tiết kiệm. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được hạn chế…

Anh Lầu Mí Chả, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc) chia sẻ: Từ việc xóa bỏ các hủ tục, nhân dân trong xã đã cải tạo, thay đổi các tập quán lạc hậu trong đời sống sinh hoạt, trong lao động sản xuất, giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Thực hiện hiệu quả cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; nhân dân không thả rông gia súc, chủ động thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu, cây rau, quả trái vụ để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.

Giữ gìn nghề dệt lanh truyền thống giúp bà con Mèo Vạc có thêm thu nhập.
Giữ gìn nghề dệt lanh truyền thống giúp bà con Mèo Vạc có thêm thu nhập.

Đưa Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 vào cuộc sống, các địa phương trong tỉnh có nhiều cách làm hay, nhất là phát huy vai trò của người có uy tín, các nghệ nhân dân gian; đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; thành lập tổ tuyên truyền, vận động. Hầu hết đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp; các đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội ký cam kết nêu gương về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Đến nay, toàn bộ 2.071 thôn, bản, tổ dân phố của tỉnh xây dựng và ban hành hương ước, quy ước; quy định cụ thể, chi tiết về phòng, chống hủ tục; về tổ chức việc cưới, việc tang, lễ Tết; bài trừ mê tín, dị đoan trong sinh hoạt văn hóa tâm linh; giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý cho biết: Việc thực hiện Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tác động mạnh mẽ, tích cực tới việc xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong đời sống sinh hoạt. Tạo sự chuyển biến về nhận thức, từng bước hình thành tư duy mới trong cán bộ, đảng viên, nhân dân Hà Giang về việc tổ chức lễ cưới, tang ma và lễ hội theo hướng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Đồng thời, tiếp thu có chọn lọc văn hóa tiến bộ của nhân loại; đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp.

Có thể khẳng định, Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 đã mang đến “làn gió mới” trong đời sống đồng bào các dân tộc Hà Giang. Những hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu dần xóa bỏ, dưới ánh sáng soi đường của Đảng, sự đổi mới tích cực trong đời sống và niềm vui đang tỏa lan trên miền đá biên cương.

Bài ảnh: Kim Tiến

Tag:

File đính kèm