Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân xã Hùng An, huyện Bắc Quang về chính sách đền bù, tái định cư (ảnh Văn Nghị)
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Tỉnh Hà Giang hiện đang triển khai giai đoạn I, dự án cao tốc Tuyên Quang- Hà Giang (đoạn qua địa phận Hà Giang) với tổng chiều dài 27.5 km qua địa bàn huyện Bắc Quang. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên ngay sau khi tiếp nhận chủ trương từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Bắc Quang đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt, tái định cư bằng 2 cấp (BCĐ) do đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp làm trưởng ban. Việc thành lập BCĐ ở cấp huyện và cấp xã có vai trò quan trọng trong việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự đồng thuận, xuyên suốt trong công tác GPMB, bồi thường tái định cư. Đồng thời, nhanh chóng, kịp thời giải quyết những phát sinh, vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hà Việt Hưng, Bí thư Huyện ủy Bắc Quang cho biết: Huyện Bắc Quang có 6 xã, thị trấn với 500 hộ dân nằm trong diện bồi thường GPMB và di dời tái định cư. Xác định khối lượng công việc rất lớn, huyện đã nhanh chóng kiện toàn hệ thống BCĐ 2 cấp, xây dựng quy chế hoạt động, thành lập tổ giúp việc, phân công các đồng chí lãnh đạo chủ chốt phụ trách các xã, thị trấn. Hội đồng bồi thường GPMB phối hợp BCĐ cấp xã, thị trấn xây dựng lộ trình, đưa ra phương án cụ thể để lãnh đạo cấp ủy của huyện kịp thời nắm bắt tình hình, dễ dàng đôn đốc các đơn vị triển khai theo kế hoạch. Đồng thời vai trò của đồng chí Trưởng BCĐ là phải chịu trách nhiệm chung về tiến độ triển khai GPMT.
Đồng chí Hà Việt Hưng, Bí thư Huyện ủy Bắc Quang, kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng tại cơ sở
Một cách làm mới, sáng tạo của huyện Bắc Quang là biên soạn và ban hành cuốn cẩm nang hỏi đáp về GPMB, bồi thường tái định cư. Cuốn sách này không chỉ cung cấp kiến thức các văn bản quy định pháp luật của nhà nước về Luật đất đai mà còn đưa ra các tình huống trả lời những thắc mắc, câu hỏi phổ biến người dân có thể gặp phải. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn đã tích cực tuyên truyền giúp người dân cập nhật thông tin, củng cố kiến thức về nội dung của cuốn sách. Điển hình như xã Quang Minh đã tổ Cuộc thi viết về công tác thu hồi đất bồi thường tái định cư. Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Bí thư Đảng ủy xã Quang Minh phấn khởi chia sẻ: Cuộc thi đã thu hút đông đảo cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên và nhân dân trên địa bàn tham gia hưởng hứng. Hiệu quả lớn nhất của cuộc thi là tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân về đường lối, chủ trương chung của tỉnh Hà Giang về dự án đường cao tốc. Qua đó, giúp chính quyền địa phương dễ dàng triển khai công tác bồi thường GPMB.
Nhờ có sự chỉ đạo thông suốt từ cấp ủy đến cơ sở, các địa phương trên địa bàn huyện Bắc Quang đều quyết tâm, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ GPMB làm đường cao tốc, đảm bảo chỉ tiêu, kế hoạch của tỉnh giao phó. Hòa chung không khí khẩn trương đó, chúng tôi đến xã Hùng An, địa phương về đích sớm trong việc bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Đảng ủy thị trấn tâm sự: Với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, bản thân tôi không quản ngại nắng mưa, nhiều lần xuống cơ sở để đối thoại và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân. Từ đó, nắm bắt được tình hình thực tiễn đôn đốc các thành viên trong BCĐ triển khai phương án phù hợp với định hướng sinh kế cho bà con. Quá trình theo dõi, giám sát việc kiểm đếm, bồi thường, tất cả các bản đồ thu hồi đất tại 9 thôn của xã đều được niêm yết công khai. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao khi tất cả 226 hộ dân thuộc vực giải tỏa đều chấp nhập phương án di dời GPMB của nhà nước.
Ban chỉ đạo Thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang tuyên truyền vận đồng người dân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng
Tại thị trấn Vĩnh Tuy, đồng chí Nguyễn Đình Quang, Phó Chủ tịch UBND thị trấn được Đảng ủy trực tiếp giao nhiệm vụ trực tiếp làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, bám nắm cơ sở. Xác định công tác bồi thường GPMB, tái định cư là nhiệm khó khăn, phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân nên đồng chí phải chủ động nghiên cứu các văn bản liên quan. Đồng thời, vận dụng những cách làm hay từ triển khai các dự án khác để thực hiện hiệu quả theo đúng tinh thần của BCĐ đề ra. Nhờ linh hoạt, sáng tạo nên 46 hộ trên địa bàn thị trấn nằm trong diện phải giải tỏa đất ở và đất sản xuất cũng rất đồng tình, ủng hộ đường lối, chủ trương chung của tỉnh.
Dân vận khéo để lòng dân rộng mở
Thực tế cho thấy, khi thực hiện GPMB các dự án trọng điểm, thường khó khăn, vướng mắc về nguồn gốc đất, giá đất, đơn giá tài sản, vật kiến trúc, cây cối để tính bồi thường. Nắm bắt điều này, huyện Bắc Quang đã vận dụng khéo công tác dân vận, vận động quần chúng làm cầu nối "giữa ý Đảng lòng dân" trong quá trình triển khai Dự án đường cao tốc. Theo đó, huyện đã thành lập tổ tuyên truyền vận động ở cơ sở do Phó Bí thư thường trực Huyện ủy làm Tổ trưởng. Đồng thời, huy động sự tham gia vào cuộc của các phòng, ban: Dân vận, Tuyên giáo, Ủy ban MTTQ… thường xuyên phối hợp xuống cơ sở trực tiếp đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân.
Đồng chí Hà Việt Hưng, Bí thư Huyện ủy Bắc Quang trao quà cho gia đình anh Đặng Văn Tất xã Vĩnh Hảo
Đồng chí Lương Tiến Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Quang cho biết: Chúng tôi thường xuyên tổ chức họp với người dân, kiên trì đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy địa phương với nhân dân để bà con hiểu ý nghĩa, giá trị to lớn của dự án mang lại. Đồng thời, nêu cao vai trò của ba chức danh ở thôn là bí thư, trưởng thôn và trưởng ban mặt trận làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền với phương châm: “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Khi lòng dân rộng mở, tin tưởng và giúp sức là thành công lớn nhất để huyện bàn giao sớm mặt bằng sạch cho chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Theo chân các cán bộ Tổ tuyên truyền của huyện chúng tôi đến thôn Vật Lậu xã Vĩnh Hảo, nơi tập trung đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Đây là thôn khó khăn của xã với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 35% dân số; hơn 20 hộ dân thuộc diện giải tỏa đất đai của dự án. Ông Ly Văn Siểu, Trưởng thôn Vật Lậu là người gần dân, sát dân có uy tín trong công tác GPMB ở cơ sở. Ông cho biết: Tôi thường xuyên tuyên truyền những lợi ích to lớn mà dự án mang lại cho bà con. Tuy quê hương còn nhiều khó khăn nhưng khi đường cao tốc chạy qua sẽ mở ra cơ hội giao thương hàng hóa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập thì bà con sẽ có cuộc sống ấm no hơn. Do đó, mọi người trong thôn đều đồng thuận với công tác đền bù theo mức định giá hiện nay.
Di dời nhà ở của người dân tại thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang
Vượt lên những trăn trở, tiếc nuối, người dân sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của cả cộng đồng. Kể như trường hợp của gia đình bà Vương Thị Hợp thôn Bó Loỏng, xã Hùng An tích góp lâu dài xây được ngôi nhà mới để an hưởng tuổi già nhưng nay lại phải di dời chỗ ở. Bốn người con của bà sống quây quần xung quanh cũng nằm trong diện GPMB. Lòng đầy cảm xúc khi đến nơi ở mới, bà Hợp nghẹn ngào nói: Gần 50 năm gắn bó với mảnh đất này chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ có ngày phải 2 lần dựng nhà ở cái tuổi “xế chiều”. Tuy nhiên vì chủ trương chung tỉnh, vì sự phát triển của cộng đồng nên tôi và các con cùng chấp thuận đền bù, giao đất cho Nhà nước.
Còn trường hợp của gia đình anh Đặng Văn Tất, chị Lý Thị Ngân thôn Vật Lậu, xã Vĩnh Hảo là một hoàn cảnh đầy éo le. Vợ chồng anh vừa phải nuôi bố mẹ già yếu, vừa nuôi 3 người con, trong đó, một bé trai bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh từ 20 ngày tuổi. Trong căn nhà lá đơn sơ, anh chị luôn tràn đầy lo lắng khi nhận được thông báo nằm trong vùng dự án phải chuyển đi nơi khác. Vợ chồng anh chị luôn trăn trở suy nghĩ, liệu số tiền đền bù có đủ chữa bệnh cho con? Rồi có thể xây thêm căn nhà mới để an cư, lạc nghiệp? Biết được thông tin này, các đồng chí lãnh đạo cấp ủy huyện Bắc Quang đã xuống động viên, trao quà hỗ trợ để gia đình vơi bớt khó khăn; tìm phương án ổn định sinh kế cho gia đình. Cảm nhận được tấm lòng nồng hậu đó, anh chị Tất đã đồng ý di dời ra nơi ở mới.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang là dự án lớn mang tầm vóc Quốc gia. Đây là lần đầu tiên huyện Bắc Quang triển khai một dự án trọng điểm lớn nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai GPMB. Do đó, UBND tỉnh Hà Giang đã thành lập Tổ công tác số 801 với sự tham gia của các sở, ngành có liên quan trực tiếp giao ban hàng tuần với huyện Bắc Quang nhằm giải quyết các vướng mắc từ cơ sở.
Toàn cảnh giói thầu 03-XL (Km0+00 - Km12+500) dự án Cao tốc Tuyên Quang- Hà Giang (đoạn qua địa phận tỉnh Hà Giang)
Theo đồng chí Hà Việt Hưng, Bí thư Huyện ủy Bắc Quang: Khó khăn nhất trong công tác tuyên truyền GPMB là vận động các gia đình di chuyển mồ mả của người thân. Vì theo tập tục truyền thống của đồng bào các dân tộc địa phương khi người thân mất đi phải đào sâu chôn chặt, không ai được phép tự ý đào lên. Trong khi đó, tổng số mồ mả dự án chịu ảnh hưởng là rất lớn với 148 ngôi, phạm vi thu hồi là 132 ngôi mộ. Với phương châm “làm hết việc không hết giờ”, các thành viên BCĐ các xã phải vào cuộc quyết liệt, làm công tác dân vận, họp thôn lấy ý kiến trưởng các dòng tộc, những người cao tuổi, có uy tín nhằm tạo tiếng nói trong dư luận. “Mưa dầm, thấm lâu” người dân đã thấu hiểu chủ trương chung, tự nguyện di dời mồ mả ra khỏi vùng dự án.
Một khó khăn khác là vẫn còn có hộ dân chưa phối hợp trong quá trình kiểm kê tài sản trong phạm vi GPMB; chưa nhận tiền bồi thường và chấp hành quyết định thu hồi đất. Lý do là không đồng thuận với đơn giá bồi thường đất, nhà cửa, đặc biệt là vật kiến trúc trên đất. Về vấn đề này, UBND tỉnh Hà Giang đang xây dựng cơ chế đặc thù về hỗ trợ vật kiến trúc của riêng dự án cao tốc Tuyên Quang- Hà Giang sát với giá thị trường nhằm đáp ứng đúng các tiêu chỉ xây dựng của người dân hiện nay. Cùng đó, các sở, ngành chức năng cấp tỉnh cũng phối hợp có hiệu quả với huyện trong công tác rà soát các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; tổ chức tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết những vướng mắc cụ thể về GPMB theo thẩm quyền. Ngoài ra, tuyến đường cao tốc đi vẫn còn nhiều vân còn hàng chục ha đất lúa, Mà theo quy định, từ 10 ha đất lúa trở lên phải có văn bản đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Do không thông tuyến liền mạch cũng gây cản trở lớn đến tiến độ của dự án.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang kiểm tra về công tác đền bù, tái định cư (ảnh Văn Nghị)
Nhờ sự quan tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên đôn đốc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo huyện Bắc Quang khắc phục khó khăn, thực hiện đồng bộ giải pháp nên công tác GPMB đã có nhiều chuyển biến tích cực. Huyện Bắc Quang phấn đấu trước ngày 30/9/2023 sẽ hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công. Về công tác tái định cư, huyện cũng chuẩn bị 3 khu tái định cư về đất ở cho người dân tự xây dựng. Trong tháng 09/2023, khởi công khu tái định cư cho 64 hộ dân ở xã Hùng An. Phấn đấu hết năm nay toàn bộ người dân bị thu hồi nhà ở sẽ có đất để xây dựng nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, mở lòng dân không chỉ là chìa khóa để xây dựng tuyến đường cao tốc mà còn bí quyết thành công mà cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang cũng như tỉnh Hà Giang đang vận dụng để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.